Khác với những loại giá thông thường, Ohori Onsen được trồng trong suối nước nóng.
Nếu như ở Việt Nam, giá đỗ là loại thực phẩm dễ trồng, dễ mua và giá thành tương đối rẻ thì tại Nhật Bản, có một loại giá đỗ quý hiếm có chiều dài lên đến 40cm, được trồng và thu hoạch theo phương pháp cực kỳ phức tạp có tên là Owani Onsen Moyashi hoặc tên tiếng Anh là Ohori Onsen. Ngoài quy trình trồng trọt phức tạp, Ohori Onsen còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho sức khỏe nên giá thành của nó tương đối cao, lên đến 2000 Yên Nhật cho 1 kg (hơn 400.000 đồng).
Được biết, làng nghề trồng Ohori Onsen được hình thành từ cách đây 350 năm tại thị trấn Owani thuộc tỉnh Aomori - nơi nổi tiếng có nhiều suối nước nóng. Chính vì lẽ đó việc trồng trọt và thu hoạch Ohori Onsen cũng gắn liền với các suối nước nóng tại đây. Tuy nhiên, quy trình cụ thể như thế nào thì vẫn nằm trong vòng bí mật, chưa từng được tiết lộ mãi cho đến năm 2012 khi nhãn hiệu đã được đăng ký, cách trồng loại Ohori Onsen mới được biết đến rộng rãi.
Đầu tiên, người dân thị trấn Owani dùng đậu Soba để làm mầm giá Ohori Onsen. Sau đó họ sẽ làm mềm mầm bằng cách ngâm với nước nóng được lấy từ các nguồn suối nước nóng tự nhiên. Sau đó mầm sẽ được đặt trên mặt đất. Song song đó, người trồng sẽ dùng những kỹ thuật cao và tân tiến để kiểm soát sàn đất và nhiệt độ bởi 2 yếu tố này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mầm.
Kế đến, một hỗn hợp đất mỏng sẽ được phủ lên toàn bộ mầm đậu. Mặc dù kỹ thuật trồng đã được tiết lộ ít nhiều, tuy nhiên, công thức hỗn hợp đất để giúp Ohori Onsen sinh trưởng và phát triển tốt vẫn còn khá mơ hồ. Chỉ biết rằng, người Nhật không sử dụng phân bón hay hóa chất để trồng Ohori Onsen. Cuối cùng, một lớp rơm sẽ được phủ lên.
Quá trình trồng và thu hoạch giá đỗ diễn ra trọn vẹn trong vòng 7 ngày. Giá đỗ thường được trồng trong nước vì chúng cần rất nhiều nước. Nhưng với Ohori Onsen, người trồng không cần tưới nước. Tuy nhiên đất được sử dụng để trồng sẽ không thể tái sử dụng ngay lập tức. Do đó, việc quản lý nhiệt độ của suối nước nóng để bổ sung độ ẩm và chất dinh dưỡng cho đất là rất quan trọng.
Để giữ chất lượng và độ giòn, Ohori Onsen được thu hoạch bằng tay rồi được buộc bằng một loại dây cấu thành từ cỏ rất đặc biệt. Vì rất nhiều lý do, Ohori Onsen không thể được trồng một cách rộng rãi và rất khó để có thể tăng năng suất. Hiện nay, chỉ có vỏn vẹn 300 người lưu giữ truyền thống trồng loại giá đỗ này trên đất Nhật Bản, đó là lý do vì sao Ohori Onsen có giá khá đắt.
Không giống với các loại giá đỗ thông thường, Ohori Onsen có chứa nhiều umami alanine - những axit amin tự nhiên đóng vai trò chủ đạo tạo nên vị ngọt. Bên cạnh đó, loại giá đỗ này còn sở hữu hương thơm đặc trưng rất độc đáo. Trong bữa ăn của người Nhật, Ohori Onsen thường được dùng chung với súp miso, mì ramen...
Theo Lou
Helino