Giữa 1 tỷ nhất thời với sự nghiệp lâu dài, cách phản ứng hoàn toàn khác biệt của nữ nhân viên đã khiến lãnh đạo tìm ra phẩm chất của một người thành công.
Không chỉ nhằm mục đích tuyển dụng, một công ty đôi khi còn tổ chức các cuộc phỏng vấn để người lãnh đạo của một phòng, ban, bộ phận nhất định kiểm tra xem liệu nhân viên đó có thể đảm nhiệm tốt vị trí công việc hay không. Các kế hoạch phỏng vấn hay đánh giá nội bộ này thường được vạch ra cẩn thận, với một kịch bản cụ thể, người lãnh đạo sẽ trực tiếp trò chuyện và quan sát các phản ứng của nhân viên đó, kiểm tra kiến thức, kinh nghiệm, khả năng và mức độ phù hợp của họ. Trên cơ sở giao tiếp hai chiều, cả nhân viên và cấp trên đều có cơ hội để hiểu nhau hơn, đưa ra những quyết định phân bổ công việc lâu dài một cách chính xác hơn.
Có một người phụ nữ tài giỏi tên là Tiểu Hoa, buộc phải xin nghỉ việc và chuyển nhà từ thành phố khác về quê hương để tiện chăm sóc bố mẹ già cả. Trước đó, cô từng là Giám đốc tài chính có kinh nghiệm nhiều năm nên nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp trong một công ty niêm yết gần nhà. Sau một thời gian chứng minh năng lực, nhận được sự công nhận từ cấp trên, Tiểu Hoa có cơ hội đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc tài chính với điều kiện phải trải qua một cuộc phỏng vấn nội bộ với lãnh đạo, cạnh tranh cùng ba ứng cử viên đáng gờm khác.
Trong ngày hôm đó, sau khi tự tin trả lời hàng loạt câu hỏi đánh giá kiến thức chuyên môn và mức độ thành thạo kĩ thuật, Tiểu Hoa đang rất mực tự tin thì bất ngờ vị lãnh đạo đưa ra cho cả bốn ứng cử viên một câu hỏi rằng: "Nếu cho bạn 1 tỷ để bạn đánh Boss một cái, bạn có dám làm hay không?"
Ứng cử viên đầu tiên trả lời: "Tôi sẽ làm, vì nói thật thì phải làm việc quần quật gần nửa đời tôi mới kiếm ra 1 tỷ. Nếu chỉ cần đánh Boss một cái đã nhận 1 tỷ ngay thì cho dù bị đuổi việc ngay lập tức, tôi vẫn có lời."
Ứng cử viên thứ hai thì lại hỏi: "Quyết định của tôi như thế nào còn phụ thuộc vào tình huống lúc đó. Quan trọng nhất là tôi phải tìm hiểu rõ ý đồ thực sự của người đưa ra yêu cầu này là gì? Còn số tiền 1 tỷ từ đâu mà có? Vì sao tôi đánh Boss xong lại nhận được 1 tỷ? Đằng sau có âm mưu gì hay không?"
Nghe vậy, vị lãnh đạo cười trả lời: "Không có âm mưu gì hết. Chỉ đơn giản là một câu hỏi giả định thôi. Tôi đã hiểu được cách làm của cậu rồi, mời 2 ứng cử viên còn lại tiếp tục trả lời."
Ứng cử viên thứ ba đáp: Đương nhiên tôi sẽ không làm như vậy bởi vì Boss tổng chính là bố của tôi. Cả gia tài đáng giá chục tỷ của ông sau này đều truyền lại cho tôi, cần gì phải mạo hiểm chỉ để lấy 1 tỷ trong số đó?"
Vị lãnh đạo nghe vậy thì hỏi lại: "Nếu đã như vậy thì anh còn đi làm làm gì?"
Ứng cử viên thứ ba tiếp tục nói: "Biết vậy nhưng tiền của ông ấy thì là của ông ấy, chứ không phải của tôi. Tôi muốn dựa vào năng lực của chính mình để chứng tỏ bản lĩnh. Huống chi, chưa chắc sau này tôi đã thua kém ông ấy bây giờ.
Vừa nghe vậy, Tiểu Hoa cảm thấy cơ hội được thăng chức của mình đã hết. Thấy vị lãnh đạo quay ra nhìn, cô lại hóm hỉnh đáp: "Vấn đề này tôi nghĩ mình phải cùng Boss thương lượng trước đã. Dù sao 1 tỷ cũng không phải con số nhỏ bé gì, nếu sếp đồng ý hợp tác, tôi nguyện cưa đôi biếu ông ấy một nửa, coi như kiếm chút tiền uống nước."
Vị lãnh đạo vừa nghe xong thì bật cười, sau đó, ông thông báo tất cả mọi người trở về cương vị làm việc của chính mình và chờ kết quả.
Một tuần sau, quả nhiên chức vụ Phó Giám đốc tài chính thuộc về ứng cử viên thứ ba, vị con trai của Tổng giám đốc. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Tiểu Hoa cũng có cơ hội được thăng chức, trở thành trợ lý Tổng giám đốc. Hóa ra, câu hỏi phỏng vấn ấy vốn không có đáp án cố định, mà chỉ để kiểm tra mức độ tư duy linh hoạt của các ứng cử viên. Phải là người có đủ bản lĩnh mới giữ được sự tự chủ và bình tĩnh để nhanh chóng thích nghi với mọi tình huống bất ngờ. Mà Tiểu Hoa cũng đã chứng minh được khả năng quan sát, tìm hiểu, đánh giá nhanh chóng tình huống xảy ra và phản ứng một cách hợp lý, ít bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực nhất trong số các ứng cử viên khác. Cộng với sự hóm hỉnh và khả năng sáng tạo trong công việc, cô nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà lãnh đạo và được lựa chọn làm cánh tay đắc lực cực kỳ quan trọng bên cạnh Tổng giám đốc.
Có thể thấy rằng, tư duy linh hoạt sẽ tác động rất lớn tới phương pháp và chiến thuật ứng xử trong mọi việc, mọi tình huống mà không làm thay đổi mục tiêu và giá trị của bản thân. Thay vì bảo thủ, đưa ra những kết luận vội vàng, triệt tiêu sự sáng tạo của bản thân thì người linh hoạt có thể biến tình huống khó khăn nhất trở thành cơ hội tốt để phát huy năng lực của chính mình.
Theo Dương Mộc
Trí thức trẻ