Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, bán hàng online khiến nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ truyền thống như đế chế Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài hay FPT Retail của ông Trương Gia Bình... đối mặt với nhiều thách thức.
Đại gia gặp khó
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) của ông Trương Gia Bình vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu 2018 với lợi nhuận sau thuế đạt gần 150 tỷ đồng, chỉ hoàn thành chưa tới 40% kế hoạch năm.
Doanh thu của FPT Retail tăng 2 con số với cùng kỳ với nhiều cửa hàng mới mở ra nhưng biên lợi nhuận có xu hướng giảm, trong quý 2 chỉ đạt khoảng 13,8%, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Các chi phí trong kỳ đều tăng, trong đó chi phí bán hàng tăng mạnh gần 14% lên 310 tỷ đồng. Chi phí cho mặt bằng thương mại ở những vị trí đẹp và chi phí cho khối lượng nhân viên khổng lồ là điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng chứng kiến doanh thu chuỗi điện thoại tiếp tục giảm xuống trong năm 2018, sau một năm 2017 đi ngang. Doanh nghiệp bán lẻ điện thoại lớn nhất cả nước gần đây phải đóng cửa nhiều cửa hàng, với con số lên tới cả chục đơn vị, tính trong khoảng thời gian từ đầu 2018.
Doanh thu của Thế Giới Di Động được duy trì ở mức cao không phải nhờ mảng kinh doanh điện thoại mà nhờ vào sự gia tăng về số lượng chuỗi điện máy trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Tuy nhiên, chính mảng điện máy của MWG cũng đang có xu hướng chững lại. Số lượng cửa hàng Điện Máy Xanh được mở thêm trong những tháng đầu năm 2018 ít hơn nhiều so với năm trước đó, chỉ bằng 15-20% so với trung bình 2017.
Doanh thu trên từng điểm bán lẻ của MWG có xu hướng giảm, theo tình trạng chung khi mà thị trường có dấu hiệu bão hòa. MWG có kế hoạch phát triển mảng bán lẻ dược phẩm nhưng đây cũng là hướng mà nhiều đại gia khác đang hướng tới, mức độ cạnh tranh cũng rất cao.
Ông lớn điện máy một thời Nguyễn Kim chứng kiến nhiều năm liền không tăng trưởng cho dù đại gia Thái Lan Tập đoàn Central Group năm 2015 đã mua lại 49% cổ phần của công ty quản lý chuỗi bán lẻ Nguyễn Kim.
Từng là anh cả ngành điện máy và có mặt từ rất sớm vào năm 1996, Nguyễn Kim đã đạt được doanh thu 8,4 ngàn tỷ đồng từ năm 2012 nhưng sau nhiều năm vẫn không vượt qua được ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Viettel Store cũng ra đời từ rất sớm, 2006, nhưng đơn vị này gặp khó khăn trong phát triển mạng lưới. Doanh nghiệp này hiện mới có khoảng 350 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Viettel Store sẽ có tổng cộng 400 cửa hàng.
Bán lẻ truyền thống thua lỗ
Tại ĐHCĐ 2018, đại diện của FPT Retail cũng chia sẻ sự khó khăn trong thị trường bán lẻ di động. Thị trường bán lẻ di động đã phân chia xong và doanh nghiệp muốn phát triển thì phải đi khai phá vùng đất mới. Cũng tại ĐHCĐ, FPT Retail đã chính thức tuyên bố đẩy mạng mảng bán lẻ dược phẩm với chuỗi cửa hàng Châu Long nhằm cải thiện doanh thu trong bối cảnh các mảng khác đang bão hòa.
Với FPT Shop, dự kiến trong 2 năm tới, FPT Retail sẽ ngưng mở mới các cửa hàng, và tập trung vào sự thay đổi trong cách dịch vụ, trải nghiệm mua sắm, duy trì chất lượng sản phẩm, hậu mãi và bảo hành tốt.
Trong khi MWG của ông Nguyên Đức Tài gặp khó khăn khi 2 mảng điện thoại và điện máy đều hết room tăng trưởng thì các ông lớn thương mại điện tử đang phát triển dữ dội và đua nhau bơm tiền để chiếm thị phần của một thị trường được Euromonitor dự báo trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2020 (gấp đôi 2017).
Gần đây, đại gia Tiki báo lô lũy kế lên đến gần 600 tỷ đồng, một kết quả được xem là của cuộc đua tiêu tiền để chiếm thị phần cho một tương lai tươi sáng của những kẻ chiến thắng, đứng đầu ngành bán lẻ trực tuyến.
Ông trùm thương mại điện tử Amazon của Mỹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos (tài sản 150 tỷ USD) đã có kế hoạch vào Việt Nam, trong khi Alibama của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Lazada - một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á.
Alibaba đã chi 1 tỷ USD mua lại 51% cổ phần Lazada hồi đầu 2016 và đang đổ thêm hàng tỷ USD cho một cuộc chạy đua ở thị trường khu vực.
Trong khi các đại gia thương mại điện tử đang ồ ạt đổ tiền vào thị trường Việt Nam thì các đại gia bán lẻ truyền thống như Thế giới Di Dộng của ông Nguyễn Đức Tài, FPT Retail của ông Trương Gia Bình,... vẫn đang nỗ lực mở rộng mạng lưới bán lẻ ở những vị trí đẹp trên phạm vi toàn quốc.
Các đại gia Việt như MWG hay FPT Retail,... cũng đầu tư vào hoạt động bán hàng online nhưng kết quả không thực sự ấn tượng và hầu hết đang gặp khó trong việc đảm bảo tăng trưởng doanh thu. Giải pháp của hầu hết các doanh nghiệp này là: mở rộng lĩnh vực kinh doanh, sang các mảng khác như dược phẩm, bách hóa,... Rủi ro từ đầu tư dàn trải là không nhỏ.
Gần đây, Bách Hóa Xanh của MWG cũng đã bắt đầu mở rộng ra ngoài phạm vi TP.HCM, về các tỉnh lẻ với thông báo tuyển dụng nhân sự cho cửa hàng tại Long An. Trước đó, MWG dự kiến mở 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh vào cuối năm 2018 nhưng cho tới thời điểm hiện tại con số mở được mới chỉ ở mức dưới 400 cửa hàng. Ông Nguyễn Đức Tài cũng đã phải giảm kế hoạch xuống còn 500 cửa hàng.
Trên thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống chịu tác động rất lớn từ làn sóng mua bán online và hình thức thanh toán hiện đại. Những nhà bán lẻ truyền thống hàng đầu như Best Buy của Mỹ, Gome và Shining của Trung Quốc,... gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua và phải đóng cửa nhiều cửa hàng.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ. Doanh số có thể đạt 2.100 tỷ USD năm 2020.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử 20% mỗi năm, nhiều chuyên gia cho rằng kỷ nguyên của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn, trong đó có Amazon và Alibaba mới chỉ bắt đầu. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc: ngành bán lẻ truyền thống có thể gặp những khó khăn rất lớn. Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ qua đó thay đổi xu hướng tiêu dùng đã từng giết chết những đế chế lớn trên thế giới như trường hợp thương hiệu máy ảnh phim số 1 thế giới Kodak.
H. Tú
Theo Vietnamnet