Việt Nam đang trở thành một nơi thuận lợi để ươm mầm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ mới của khu vực và thế giới.
Tại phiên toàn thể Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu: "Trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều thay đổi dựa trên sự phát triển của một số ngành công nghệ mới, nắm bắt rõ xu hướng này, Bộ Khoa học Công nghệ đã có những tham mưu đi trước, kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng một số chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo".
Ngay từ năm 2014, Thủ tướng đã có quyết định Danh mục Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó công nghệ AI đã được xác định. Tiếp theo là chỉ định của Thủ tướng năm 2017 đã xác định công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn cần được triển khai, nghiên cứu.
Đề án Phát triển hệ tri thức về số hóa hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp, được xây dựng dựa trên các ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Gần đây, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã phê duyệt chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, với trọng tâm là tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Mục tiêu đến năm 2025, liên kết các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà quản lý trong việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ bày tỏ mong muốn: "Tôi hi vọng các chuyên gia sẽ trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để trí tuệ nhân tạo có thể thực sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam? Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo? Với vai trò của mình, mỗi người có thể làm gì để phát triển trí tệ nhân tạo Việt Nam và sẽ có những hoạt động cụ thể ra sao trong thời gian tới".
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: "Sau hơn 30 năm đổi mới thì Việt Nam đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã thực sự thay đổi, vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động, hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á Thái Bình Dương".
Với môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, nguồn nhân lực trẻ được đào tạo kỹ về toán học có niềm đam mê công nghệ, cũng như sự gắn kết của thị trường 96 triệu dân với ASEAN và các khu vực khác về đầu tư, Việt Nam đang trở thành một nơi thuận lợi để ươm mầm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ mới của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 chuyển hóa mạnh mẽ, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn cầu cung đã có phát triển vượt bậc. Gartner đánh giá trong năm 2018 ngành này đã có sự tăng trưởng đột phá hơn 70% so với 2017, đạt gần 1.200 tỷ USD.
AI có khả năng sẽ trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới. Do vậy, Chính phủ đã xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ mũi nhọn, cần được tổ chức triển khai nghiên cứu cụ thể để thúc đẩy phát triển.
Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ đã đặt AI là nhóm tập trung phát triển và nguồn ngân lực là ưu tiên hàng đầu, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Về khơi thông nguồn vốn, Bộ trưởng thông tin, sau sự kiện Vietnam Venture Summit được Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức tháng 6 vừa qua đã có 18 quỹ đầu tư tên tuổi trong nước và quốc tế cam kết đầu tư 425 triệu USD, tương đương 10.000 tỷ đồng cho các startup trong 3 năm 2019-2021.
Để đẩy mạnh nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhằm kêu gọi quy tụ tập hợp các chuyên gia công nghệ, tri thức Việt trên khắp thế giới chung tay xây dựng Việt Nam hùng cường.
Theo Hoàng An
Trí Thức Trẻ