Người cha và cô con gái nhỏ nằm úp mặt xuống bùn cạnh bờ sông Rio Grand. Đầu có bé vẫn đang nằm bên trong chiếc áo phông của cha trong khi một cánh tay quàng qua cổ như muốn ôm chặt bố.
Bức ảnh của sự tuyệt vọng được nhà báo Julia Le Duc chụp hôm 24/6, vài giờ sau khi Óscar Alberto Martínez Ramírez chết đuối cùng với Valeria, cô con gái 23 tháng tuổi của anh. Hai cha con xấu số đang trên đường vượt Mexico để vào Mỹ tìm miền đất hứa, nơi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang rất mạnh tay với người nhập cư.
Bức ảnh, được mô tả là thay ngàn lời nói, về hành trình nguy hiểm mà hàng trăm nghìn người di cư phải vượt qua trên hành trình đến Mỹ. Tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, người ta bất chấp nguy hiểm tới tính mạng của bản thân và những đứa trẻ để tìm đường tới Mỹ, bất chấp việc người ta đang làm mọi cách để không phải chào đón dòng người.
Bức ảnh bi thương gọi nhớ lại những khoảnh khắc khủng khiếp với người tị nạn trong quá khứ, những người đánh đổi mạng sống để chạy trốn bạo lực, đói nghèo nơi quê nhà. Số người tị nạn quá lớn và câu chuyện cá nhân của họ thường bị lu mờ trước những vấn đề to tát hơn. Cũng chỉ có sốt ít những cái chết khiến người ta giật mình nhìn thẳng vào thực trạng đau khổ tới tột cùng của người tị nạn.
Thế giới, chắc hẳn không thể quên hình ảnh một con kền kền đứng cạnh đứa bé sắp chết vì đói khát ở Sudan năm 1993 để chờ ăn thịt. Người ta cũng chưa thể quên hình ảnh một thi thể một đứa trẻ tị nạn Libya bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi chiếc thuyền ọp ẹp chở gia đình cậu bé gặp nạn giữa biển. Thế giới, giờ đây lại có thể một khoảnh khắc chẳng đáng nhớ nhưng lại không thể nào quên.
Khi bức ảnh xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội ngày 25/6, lương tâm của công chúng đã được đánh thức. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã tiến hành cuộc bỏ phiếu giữa đêm khuya về dự luật viện trợ nhân đạo trị giá 4,5 tỷ USD để giải quyết một phần thảm cảnh của những người di cư đang mắc kẹt tại biên giới Mỹ và Mexico.
Joaquin Castro, một nghị sĩ dân chủ tại Texas, đã không giấu được cảm xúc khi nói về bức ảnh trong cuộc họp ở Washington. Castro hy vọng có thể tạo ra được sự khác biệt lớn giữa các nhà lập pháp với các nhân viên công vụ ở biên giới.
"Thật khó khăn khi phải nhìn bức ảnh đó. Nó là phiên bản khác của bức ảnh em bé Syria, cậu bé 3 tuổi nằm trên bãi biển với cơ thể không còn sự sống. Nó chẳng khác gì cả", ông Castro nói về bức ảnh.
Người cha xấu số trong bức ảnh là Martinez, 25 tuổi. Gia đình họ tới biên giới thành phố Matamoros, Mexico vào cuối tuần trước với hy vọng được chấp thuận tị nạn ở Mỹ. Tuy nhiên, cây cầu đã bị đóng cửa và họ bắt đầu tìm cách vượt sông để tới bờ bên kia. Martinez bơi trước cùng cô con gái nhỏ trước khi quay trở lại giúp vợ vượt sông.
Tuy nhiên, đứa trẻ quá sợ hãi và cả hai cha con cùng chới với. Cố gắng nhét con gái nhỏ qua cổ áo phông để đảm bảo đứa trẻ không bị cuốn trôi mất nhưng Martinez đã không đủ sức để đưa hai cha con vượt quan dòng nước xiết.
Thi thể hai cha con được tìm thấy cách nơi họ bị cuốn đi chừng vài trăm mét. Hình ảnh hai cha con cố gắng giữ chặt lấy nhau trong giây phút cuối cùng khiến những người mạnh mẽ nhất cũng không khỏi xúc động và bị ám ảnh.
Khi được hỏi về bức hình, Tổng thống Mexico Manuel López Obrador nói rằng đó là điều vô cùng đáng tiếc. "Chúng tôi đã luôn cảnh báo với phía Mỹ rằng sẽ có nhiều người mất mạng hơn do băng sa mạc hay vượt sông khi họ từ chối yêu cầu tị nạn nhiều hơn", ông Obrador nói.
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận khi dòng người di cư tìm đường vào Mỹ nhưng đa phần chìm vào quên lãng.
Răn đe là một chiến lược được giới chức Mỹ ưa chuộng để ngăn chặn dòng người di cư, ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Năm 2014, ông Obama đã ép Mexico phải làm nhiều hơn khi hàng chục nghìn trẻ em không có người thân đi dọc biên giới phía nam để tìm người thân đang sống tại Mỹ.
Tuy nhiên, người ta nhắc nhiều tới Tổng thống Trump và kế hoạch ngăn chặn người nhập cử của ông hơn. Hiện tại, chính quyền Trump đang tìm cách hình sự hóa những người di cư bất hợp pháp vào Mỹ, tách con cái khỏi cha mẹ và làm chậm đáng kể tiến trình giải quyết đơn xin tị nạn vào Mỹ của dòng người nhập cư.
Gần đây, chính quyền ông Trump đã đưa hàng nghìn người tị nạn trở lại Mexico để chờ đợi. Dưới áp lực từ ông Trump, Mexico cũng tăng cường trấn áp người di cư. Thậm chí, Mỹ còn dọa đánh thuế hàng hóa nhập khẩu để Mexico phải đẩy nhanh tiến trình này. 20.000 binh sĩ đã được Mexico đưa tới biên giới phía bắc và phía nam đất nước để ngăn chặn người di cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhân quyền, người nhập cư và các nhà phân tích về an ninh đều cho rằng việc bổ sung lực lượng này có thể khiến người di cư chọn đi những tuyến đường nguy hiểm hơn trong hành trình tới Mỹ. Các chính sách càng cứng rắn sẽ càng đẩy thêm nhiều nguy hiểm cho người di cư, những người trốn chạy đói nghèo, bạo lực nơi quê nhà với niềm tin về một miền đất hứa nơi xứ người.
theo NY Times