Các chính phủ châu Âu đã vào cuộc với mức hỗ trợ tài chính chưa từng có giải cứu các hãng hàng không trong khu vực trong thời kỳ đại dịch. Sự can thiệp tài chính của chính phủ ở châu Âu đã được thực hiện dễ dàng hơn một phần bởi Ủy ban châu Âu đã nới lỏng các quy tắc viện trợ của nhà nước để đối phó với sự bùng phát của đại dịch.
EU đã đưa ra các quy định tạm thời cho phép một số biện pháp, bao gồm các khoản vay trực tiếp, ưu đãi thuế và bảo lãnh khoản vay, để bù đắp tác động tài chính của việc buộc phải hạ cánh các chuyến bay trong thời gian xảy ra đại dịch.
Vào tháng 4/2021, Chính phủ Hà Lan cho biết họ chấp nhận giảm 14% cổ phần của mình trong Air France-KLM theo một thỏa thuận được công bố giữa công ty và chính phủ Pháp. Được biết, Pháp sẽ cung cấp tới 4 tỷ euro (4,7 tỷ USD) để tái cấp vốn cho hãng hàng không, qua đó tăng cổ phần của họ trong tập đoàn hàng không này.
Trong đợt hỗ trợ đầu tiên vào năm ngoái, Pháp đã cung cấp cho Air France-KLM 7 tỷ euro, trong khi Hà Lan cung cấp khoản vay 3,4 tỷ euro cho KLM.
Trong động thái mới nhất, Pháp đã đồng ý với Ủy ban châu Âu rằng Air France phải nhượng lại 18 chỗ tại Sân bay Paris-Orly để đổi lấy viện trợ của nhà nước, nhưng chính phủ Hà Lan vẫn đang đàm phán về những điều kiện nào sẽ được gắn với sự hỗ trợ của họ đối với KLM.
Vào tháng 5/2021, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua khoản viện trợ 12,8 triệu euro mà Italy dành cho hãng hàng không Alitalia đang trên bờ vực phá sản nhằm giúp hãng này khắc phục những thiệt hại do đại dịch COVID-19. Hoạt động kinh doanh của Alitalia vốn đã thua lỗ trong thời gian dài càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngày 15/7, Italy thông báo đạt thỏa thuận với EC về việc thành lập và vận hành một hãng hàng không mới, thay thế hãng hàng không Alitalia. Theo đó, hãng hàng không mới mang tên Italia Trasporto Aereo (ITA) sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/10 tới sau khi Italy đạt được "giải pháp mang tính xây dựng và cân bằng" với EU.
Về phần mình, Tập đoàn hàng không Liên Âu Lufthansa cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ một số chính phủ cho các hãng hàng không của họ. Theo đó, Đức đã đóng góp 6 tỷ euro để tái cấp vốn cho Lufthansa, thông qua quỹ ổn định kinh tế của đất nước (WSF), cũng như cung cấp sự bảo lãnh của nhà nước cho khoản vay trị giá 3 tỷ euro.
Ở những nơi khác, Áo đã cung cấp một khoản vay phụ trị giá 150 triệu euro cho Austrian Airlines để bù đắp cho các chi phí, tổn thất khi ngừng hoạt động.
Bỉ cũng đã cung cấp gói viện trợ trị giá 290 triệu euro cho Hãng hàng không Brussels. Khoản tiền đó chủ yếu bao gồm khoản vay sáu năm lên tới 287,1 triệu euro với lãi suất được trợ cấp, không chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu, cũng như khoản tái cấp vốn 2,9 triệu euro.
Bên cạnh đó, chính phủ Thụy Sĩ đề xuất cung cấp bảo lãnh 85% cho các khoản vay trị giá 1,5 tỷ Swfr (1,52 tỷ USD) cho các công ty con của Lufthansa là Swiss và Edelweiss.
Trong quý I/2021, 11 hãng không lớn nhất Mỹ đã phải chịu khoản lỗ trước thuế là 5,5 tỷ USD, doanh thu hoạt động giảm 56% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước tình hình nghiêm trọng, thông qua Đạo luật Ổn định Kinh tế (CARES Acts) với tổng trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, Chính phủ Mỹ đã đưa ra gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho ngành hàng không (dưới hình thức hỗ trợ tiền mặt trực tiếp và các chương trình cho vay ưu đãi), đây là gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay cho lĩnh vực này.
Theo đó, đối với hình thức hỗ trợ tiền mặt, các doanh nghiệp hàng không vận tải chở khách nhận được 25 tỷ USD, các hãng vận chuyển hàng hóa nhận được 4 tỷ USD, các nhà thầu trong lĩnh vực hành không, như phi hành đoàn mặt đất… nhận được 3 tỷ USD để trả lương cho người lao động.
Đối với các chương trình cho vay ưu đãi, các hãng hàng không chở khách và các hãng hàng không vận chuyển được tiếp cận với các gói cho vay có giá trị lần lượt là 25 tỷ USD và 4 tỷ USD.
Để tránh nguy cơ doanh nghiệp sử dụng nguồn hỗ trợ sai mục đích, nằm ngoài mục tiêu chính hướng tới người lao động của gói cứu trợ, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các hãng hàng không nhận viện trợ không được cắt giảm biên chế và mức lương, không sa thải nhân viên, tiếp tục duy trì dịch vụ và các chặng bay đang vận hành.
Riêng đối với khoản vay ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ phải phát hành chứng quyền cổ phiếu cho Chính phủ, đồng thời Chính phủ Mỹ sẽ được quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp với một mức giá cố định.
Ảnh hưởng của COVID-19 đối với ngành là vô cùng nghiêm trọng, do đó, Chính phủ Mỹ đã tiếp tục đưa ra gói cứu trợ trị giá 14 tỷ USD cho các hãng hàng không, giúp các doanh nghiệp này chi trả chi phí lương cùng điều kiện cấm sa thải người lao động và duy trì các chặng bay.
Đối với lần cứu trợ thứ 3, Tổng thống Joe Biden tiếp tục đưa ra gói trị giá 14 tỷ USD, nằm trong khuôn khổ gói kích thích Kế hoạch giải cứu nước Mỹ. Gói cứu trợ tiếp tục đưa ra các yêu cầu cấm sa thải, cắt giảm lương và có hiệu lực trong vòng 6 tháng (hết hạn vào tháng 9/2021). Theo Bộ Ngân khố Mỹ, có tổng cộng 354 hãng hàng không chở khách đã nhận được hỗ trợ trong đợt 1; 318 hãng trong đợt 2 và 11 hãng trong đợt 3
Tại châu Á, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản cũng đang có kế hoạch đưa vào ngân sách tài khóa 2021 của chính phủ khoảng 120 tỷ yên để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Trong số tiền này, 90 tỷ yên sẽ được sử dụng để giảm hoặc miễn phí sử dụng sân bay và hạ cánh, và 30 tỷ yên để giảm bớt gánh nặng thuế liên quan đến nhiên liệu sử dụng trong các chuyến bay nội địa.
Hiệp hội hàng không của Nhật Bản đã yêu cầu chính phủ và các đảng cầm quyền viện trợ hơn 100 tỷ yên cho ngành hàng không.
Trong khi đó, để đối phó với sự sụt giảm số lượng người sử dụng sân bay, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản hy vọng sẽ đảm bảo 3,1 tỷ yên cho các khoản vay không lãi suất cho các sân bay mà quyền quản lý đã được bán cho khu vực tư nhân và 5 tỷ yên cho sân bay quốc tế Narita gần Tokyo.
Ngân sách tài khóa 2021 của Nhật Bản cũng sẽ bao gồm 50,2 tỷ yên để cải thiện khả năng tiếp cận đường sắt đến Sân bay Quốc tế Tokyo, hoặc Sân bay Haneda, và 7,7 tỷ Yên dành cho phát triển cơ sở vật chất liên quan đến việc mở rộng Nhà ga số 3 tại Narita, với kỳ vọng nhu cầu đi lại hàng không phục hồi sau đại dịch.
Một hãng hàng không lớn tại châu Á là Cathay Pacific cũng phải cầu cứu Hồng Kông để vượt qua đại dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền Hồng Kông sẽ thực hiện kế hoạch tái cấp vốn trị giá 5 tỷ USD cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là gói cứu trợ mà Singapore Airlines nhận được. Nhà đầu tư nhà nước Temasek Holdings và một số tổ chức khác đã cùng nhau đưa ra một gói tài trợ lên tới 19 tỷ SGD (13,27 tỷ USD) cho Singapore Airlines trong cuộc giải cứu lớn nhất và duy nhất cho một hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cổ đông chủ chốt của SIA là Quỹ đầu tư Temasek Holdings cho biết họ sẽ bảo lãnh việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi của hãng với tổng trị giá lên tới 15 tỷ SGD (khoảng 10,46 tỷ USD). Ngân hàng lớn nhất của Singapore là DBS Group cũng sẽ cung cấp cho hãng hàng không này khoản vay trị giá 4 tỷ SGD (khoảng 2,8 tỷ USD) cho đến khi SIA nhận được nguồn tài chính từ việc phát hành quyền mua cổ phiếu.
Theo giới quan sát, đây là gói tài chính lớn nhất mà một hãng hàng không công bố kể từ khi nhu cầu bay sụt giảm vì dịch bệnh, buộc các hãng vận chuyển trên khắp thế giới phải ngừng các tuyến bay, buộc nhân viên nghỉ phép không lương và kêu gọi thêm tiền mặt để đảm bảo sự sống còn cho hãng.