Các startup có giá trị từ 1 tỷ USD đang nổi lên là lực đẩy lớn nhất cho hoạt động exit của các startup trong khu vực.
Những thương vụ M&A mới nhất trên thị trường Nam và Đông Nam Á – startup kỳ lân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử Tokopedia mua lại công ty cung cấp dịch vụ cưới Bridestory và Gojek thâu tóm nền tảng tuyển dụng AirCTO của Ấn Độ - cho thấy các startup có giá trị từ 1 tỷ USD đang nổi lên là lực đẩy lớn nhất cho hoạt động exit của các startup trong khu vực.
Đến hôm qua, thông báo thâu tóm ứng dụng Shopkick (có trụ sở ở Mỹ) của Trax, 1 startup kỳ lân của Singapore, càng khẳng định thêm "khẩu vị" của các startup kỳ lân ở Đông Nam Á trong bối cảnh họ đang tìm kiếm đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 2 năm qua 11 startup kỳ lân của Đông Nam Á đã thực hiện khoảng 40 vụ thâu tóm (tính cả các vụ mua lại startup không nằm trong khu vực), bên cạnh đó còn mua cổ phần tại hơn một chục công ty công nghệ mới. Một số công ty như Grab và Gojek đã lập quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình, từ đó đóng vai trò vừa là nguồn cấp vốn vừa là bên mua tiềm năng mà các nhà đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có thể tìm đến.
Các startup này có thể đạt quy mô 100 – 200 triệu USD trong 3-4 năm tới. Tuy nhiên thường thì cuối cùng các nhà đầu tư sớm sẽ sở hữu 1 lượng nhỏ cổ phần tại các startup kỳ lân vì phần lớn các thương vụ được thực hiện theo hình thức hoán đổi cổ phiếu chứ không phải thanh toán bằng tiền mặt.
Khi 1 startup tiến hành exit để hoàn vốn cho các nhà đầu tư, người khởi nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 cách: bán công ty hoặc IPO. Theo 1 báo cáo mới đây, tính đến tháng 6/2018 tại Đông Nam Á tổng cộng đã có 66 startup thực hiện thoái vốn. Đến cuối năm nay con số sẽ lên đến gần 200, trong đó exit bằng cách IPO chiếm tỷ trọng rất thấp.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Indonesia là nơi sôi động nhất với cả 4 startup kỳ lân của nước này đều rất năng nổ mua lại các startup. Kể từ năm 2016 đến nay GoJek đã mua 12 startup. Nếu như các startup địa phương (như nền tảng đặt vé Loket, công ty thanh toán MVCommerce, công ty quảng cáo Promogo) giúp hãng mở rộng hệ thống dịch vụ mà GoJek có thể cung cấp cho khách hàng thì các startup của Ấn Độ (gồm C42 Engineering, Pianta và AirCTO) giúp gia tăng khả năng thiết kế và quản lý công nghệ.
Một startup kỳ lân khác của Indonesia là Traveloka cũng đã thâu tóm 3 công ty du lịch trực tuyến, trong khi ngoài Bridestory thì Tokopedia còn thâu tóm ứng dụng dành cho các bậc phụ huynh Parentstory.
Ở Singapore, trong năm 2017 Sea bỏ ra gần 20 triệu USD để mua 3 công ty chưa được tiết lộ danh tính. Grab thâu tóm 2 ứng dụng thanh toán Kudo và Ikaaz. Trước khi mua Shopkick, Trax cũng đã mua Quri (của Mỹ) và LenzTech (của Trung Quốc).
Năm ngoái startup bất động sản PropertyGuru thâu tóm trang Batdonsan.com.vn của Việt Nam. Trước đó hãng đã mua công ty marketing ePropertyTrack và RumahDijual của Indonesia.
Theo Teddy Oetomo, CSO của kỳ lân Bukalapak (Indonesia), các kỳ lân trong khu vực đều đang có muốn trở thành "siêu ứng dụng", với mong muốn có thể đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch hàng ngày của người dùng. "Các công ty muốn trở thành siêu ứng dụng đang thâu tóm các startup nhỏ vì rõ ràng họ không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, do đó cách dễ nhất là mua lại 1 startup khác, như vậy sẽ nhanh hơn là tự phát triển mảng mới".
Grab đã mua cổ phần tại các công ty Ninja Van (Singapore), Moca (Việt Nam) và Ovo (Indonesia). Đó cũng là chiến lược tương tự khi GoJek thâu tóm Halodoc, Pathao và Pasarpolis. Cả Grab và GoJek đều có quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình để tập trung vào những thương vụ như vậy.
Vừa gọi được 4,5 tỷ USD trong vòng Series H và đang tìm kiếm thêm 2 tỷ USD nữa, Grab thông báo kế hoạch thâu tóm hoặc đầu tư vào ít nhất là 6 startup công nghệ trong năm nay.
Akshay Garg, đồng sáng lập kiêm CEO của Kredivo (1 startup của Indonesia) nhận xét hoạt động thâu tóm của các kỳ lân sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho toàn bộ hệ sinh thái startup khu vực. Trong mắt các startup kỳ lân, sự hấp dẫn của các startup nhỏ hơn nằm ở mức giá trị phải chăng và khả năng tiếp cận với công nghệ và nguồn nhân tài ở các công ty này. Nhưng đối với các nhà sáng lập thì bán công ty cho 1 kỳ lân không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt.
"Điều này thực sự phụ thuộc vào bản chất của thương vụ. Nếu như startup không còn đường phát triển và không có lựa chọn nào khác để có thể tồn tại, các nhà sáng lập không coi đó là 1 thành tựu. Nhưng nếu kỳ lân thâu tóm startup vì thứ gì đó mang lại giá trị cao mà startup đã xây dựng được, đó lại là 1 thành công".
theo Nikkei