Bên cạnh việc đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo, Sabeco sau khi về tay tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đồng loạt tiến hành các biện pháp tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng như giảm thiểu lãng phí lon nhôm và hộp giấy, tham gia mua chung nguyên liệu với ThaiBev, thay đổi cơ cấu nhà cung cấp dịch vụ vận tải...
Quý I/2019, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần 9.337 tỷ đồng, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng doanh thu kỷ lục của Sabeco kể từ quý I/2017. Và thành quả này không phải ngẫu nhiên.
Theo báo cáo nhận định về Sabeco vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây, quý I/2019, Sabeco đã tăng trưởng vượt thị trường về sản lượng tiêu thụ. Các công ty lớn trong thị trường bia trong nước như Heineken và Habeco đều công bố mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bia ở mức một chữ số trong quý I/2019.
SSI cho hay, sản lượng tiêu thụ của Sabeco tăng là do nỗ lực tăng cường nhận diện thương hiệu, cũng như các chiến dịch tiếp thị quảng cáo trong quý I/2019, như chiến dịch đóng gói bao bì và xây dựng thương hiệu cho dịp Tết Nguyên Đán. Thêm vào đó, Sabeco gần đây đã triển khai chương trình ưu đãi cho nhà phân phối kể từ ngày 1/1/2019. Chương trình ưu đãi hỗ trợ các nhà phân phối cấp 1 của Sabeco về mặt tài chính cũng như tạo điều kiện cải thiện chất lượng.
"Đây là dấu hiệu đầu của quá trình tái cấu trúc công ty toàn diện đem lại hiệu quả", SSI đánh giá.
Tăng trưởng doanh thu thuần của Sabeco từ quý I/2017 đến quý I/2019
Bên cạnh những động thái nhằm tăng doanh thu, Sabeco hiện cũng triển khai một loạt biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, đến cuối quý I/2019, Sabeco đã hoàn thành thực hiện các giải pháp như: giảm việc sử dụng nguyên liệu thô về nhôm, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng lon bia; giảm trọng lượng cơ bản của hộp bằng cách giảm sử dụng giấy, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng thùng carton; tham gia mua chung malt và hops với ThaiBev để hạn chế rủi ro tăng giá và đảm bảo nguồn cung.
Điều này phần nào giúp tỷ suất lợi nhuận gộp quý I/2019 của Sabeco đạt 23,5%, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái (24,9%) trong bối cảnh chi phí malt và hops (hai nguyên liệu đầu vào rất quan trọng) tăng tới 20% trong quý vừa qua; và cải thiện so với tỷ suất lợi nhuận gộp cả năm ngoái (22,5%).
Cùng với đó, giúp tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) trên doanh thu giảm nhẹ xuống 9,2% (từ mức 9,9% trong quý I/2018), dù trong quý vừa qua, Sabeco đã tăng mạnh chi phí quảng cáo và khuyến mãi (tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái) nhằm thúc đẩy doanh thu và cải thiện hình ảnh thương hiệu; đồng thời tăng chi phí lương (tăng 3%).
Được biết, Sabeco gần đây đã hoàn thành dự án chuẩn hóa hệ thống lương so với 13 công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước và thế giới và thiết kế cấu trúc trả lương theo hiệu suất kể từ tháng 1/2019 cho nhân viên tại hội sở (thay thế hệ thống lương theo cơ chế Nhà nước trước đó). Cơ cấu tiền lương mới này cho các công ty con sẽ được triển khai trong quý IV/2019 hoặc quý I/2020.
Một động thái cải tổ nữa mà Sabeco tiến hành là trong hoạt động vận tải. Trước đây, Sabeco chi có 1 nhà cung cấp vận tải là Sabecoetran (Sabeco hiện đang nắm giữ 17% cổ phần của Sabecoetran). Nhà cung cấp trước đây đã chịu trách nhiệm cho 80% nhu cầu vận chuyển của Sabeco.
Trong đợt đấu thầu vào tháng 2/2019, Sabeco đã ký hợp đồng vận chuyển với 5 nhà cung cấp khác nhau với mức giá thấp hơn và sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019. Theo Sabeco, chi phí vận chuyển cũng được hạch toán vào giá vốn hàng bán. Do đó, công ty hy vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ cải thiện hơn nữa trong các quý tới.
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chính thức thâu tóm Sabeco sau thương vụ thoái vốn nhà nước với mức giá cao chưa từng có. Cuối năm 2017, Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,6% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Vietnam Beverage, thành lập năm 2017, đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm Sabeco. |
Theo VietnamFinance