Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cầm 2 bằng đại học về quê, chiều chiều lùa đàn vịt trắng ra đồng

06/06/2019 23:35

Đi dọc triền đê từ xã Xuân Lai đến xã Đại Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), cứ khoảng 200 - 500m, tôi bắt gặp một màu trắng như mây của những đàn vịt trông thật đẹp mắt.

Tò mò đến gần và hỏi thăm, được biết đó là đàn vịt nuôi của anh Nguyễn Sỹ Quý, thôn Trung Thành, xã Đại Lai, huyện Gia Bình.

Trò chuyện với anh Quý được biết: Năm 2006, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, sau này anh học thêm một bằng quản trị kinh doanh nữa.Với 2 tấm bằng đại học trong tay, anh đã bôn ba khắp nơi và cũng thử sức với nhiều lĩnh vực, khi thì làm ở công ty xây dựng cầu đường, khi thì làm ở bộ phận kinh doanh của công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Hòa Bình… Nhưng anh thấy bản thân không phù hợp với các công việc này nên từ năm 2016, anh đã về quê làm kinh tế và xây dựng trang trại chăn nuôi.

Cầm 2 bằng đại học về quê, chiều chiều lùa đàn vịt trắng ra đồng
Hiện, trang trại của anh Quý đang nuôi trên 12.000 con vịt thịt

Khi mới bắt đầu xây dựng trang trại, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và kinh nghiệm chưa nhiều nên năm đầu anh chỉ nuôi từ 10.000 - 20.000 con vịt. Sau một, hai năm, khi kinh tế đã tương đối ổn định, anh đã đầu tư nhiều hơn.

Hiện nay, anh Quý đang nuôi trên 12.000 con vịt, chia ra làm 03 đàn lớn nhỏ ở các cỡ tuổi khác nhau, mỗi đàn cách nhau khoảng 01 tháng. Cứ như vậy, một năm anh nuôi khoảng 7-8 đàn, mỗi đàn từ 3.000 – 5.000 con.

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi vịt, anh Quý chia sẻ rất cởi mở: Nuôi vịt không phải là khó mà quan trọng phải luôn theo dõi, để ý đến tình trạng của đàn vịt để có điều chỉnh, bổ sung lượng thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh cho hợp lý. Sử dụng con giống nào, mua ở đâu cũng rất quan trọng.

Giống vịt anh Quý nuôi là giống vịt bầu lai bơ, được mua tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Đây là giống vịt siêu thịt, toàn thân có lông màu trắng, sức sống mạnh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt, phát triển nhanh, tỷ lệ thịt đùi, ức cao và được các thương lái ưa chuộng. Từ vịt mới nở, nuôi khoảng 02 tháng là đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 3,0 kg/con.

Trong quá trình nuôi, anh thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc- xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi để phòng bệnh viêm gan và bệnh dịch tả vịt; định kỳ bổ sung thuốc phòng bệnh và vitamin tăng sức đề kháng. Để có địa điểm nuôi vịt, anh Quý phải đi tìm gặp các chủ hồ cá để thuê lại phần mặt nước và tận dụng sườn đê làm nơi cho vịt lên ăn nghỉ. Bên cạnh đó, với vịt tuổi nhỏ, anh làm bè nổi có mái che ở giữa hồ để vịt tránh mưa, nắng.

Nuôi vịt quả thật là nềm đam mê của anh, từ khi nuôi vịt đến nay, không ngày nào anh không có mặt ở quây vịt, dù có việc bận đến mấy anh cũng phải tranh thủ để đến thăm đàn vịt. Cứ 03 lần/ngày, anh có mặt ở quây vịt để cho vịt ăn và cũng để theo dõi quá trình sinh trưởng của vịt.

Được hỏi về hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra của đàn vịt nuôi, anh Quý cho biết: Đầu ra anh không lo, cứ nuôi đến đâu có thương lái đến tận nơi mua nhưng giá cả thì không ổn định, giá vịt cao nhất từ trước đến nay là 49.000 đồng/kg, có năm giá vịt xuống thấp chỉ còn 19.000 đồng/kg.

Nhìn chung, với giá bán trung bình 35.000 - 38.000 đồng/kg, mỗi đàn vịt nuôi khoảng 3.000 con, anh xuất bán cũng cho doanh thu khoảng gần 300 triệu đồng. Không chỉ nuôi vịt, anh Quý còn nuôi thêm 20 con lợn nái và 200 con lợn thịt, 2.000 gà thịt, mỗi năm cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Trong thời gian tới, anh Quý có dự định sẽ cùng một số hộ trong thôn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi để liên kết, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm của mình. Anh rất mong được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền hỗ trợ cho người chăn nuôi về kỹ thuật mới cũng như các loại vắc xin phòng trừ dịch bệnh. Với tuổi trẻ và lòng đam mê của mình, anh Quý đã thu được những thành quả xứng đáng. Đây là mô hình cần được quan tâm và nhân rộng.

(Theo Dân Việt)