Căn hộ gặp khó, giá trị hợp đồng giảm, Coteccons đang đẩy mạnh xây dựng công nghiệp nhằm "tranh thủ" căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

07/11/2018 10:45

Đáng chú ý, theo BSC, kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm nay nhiều khả năng sẽ bị hủy và Coteccons dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ sớm vào tháng 3/2019. Sau đó, Công ty có thể công bố thông tin M&A với Ricons.


Đáng chú ý, theo BSC, kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm nay nhiều khả năng sẽ bị hủy và Coteccons dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ sớm vào tháng 3/2019. Sau đó, Công ty có thể công bố thông tin M&A với Ricons.

Như nhiều dự báo trước đó, dòng vốn xây dựng nhà xưởng từ Trung Quốc sẽ tăng cường dịch chuyển sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao thời gian qua, và như vậy nhóm xây dựng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi.

Tỷ trọng xây dựng công nghiệp tăng mạnh lên gấp 3 cùng kỳ

Riêng Coteccons, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực thầu tại Việt Nam đã có những hợp đồng trước đó với đối tác Trung Quốc, Hồng Kông và cả Đài Loan. Thậm chí, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, lãnh đạo Coteccons cho biết đã thành lập văn phòng đại diện tại Quảng Châu để đón đầu xu hướng các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong và cả khu vực Đài Loan, nhằm hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP, tập trung tại những dự án liên quan đến lĩnh vực nhà xưởng công nghiệp.

Đồng ý với quan điểm này, Chứng khoán Bảo Việt trong báo cáo mới đây cũng nhận định phân khúc khu công nghiệp tại Coteccons đang có sự tăng trưởng tốt nhờ vào chuyển dịch dòng vốn FDI từ phía Trung Quốc vào khu công nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại lên cao, nhiều mặt hàng Trung Quốc theo đó bị Mỹ áp thuế gay gắt. Chi tiết, sau 9 tháng đầu năm 2018, cơ cấu doanh thu xây dựng của Coteccons thay đổi đáng kể với sự gia tăng của mảng xây dựng khu công nghiệp, tỷ trọng theo đó tăng mạnh lên mức 28%, gấp 3 lần so với con số cùng kỳ là 9%.

Cơ cấu doanh thu Coteccons 9T.2017 (vòng trong) và 9T.2018 (vòng ngoài)

Căn hộ gặp khó, giá trị hợp đồng giảm, Coteccons đang đẩy mạnh xây dựng công nghiệp nhằm tranh thủ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Chiều ngược lại, phân khúc căn hộ cho thấy sự cắt giảm mạnh từ mức tỷ trọng 73% về chỉ còn 47%, nguyên nhân hợp đồng xây dựng mảng căn hộ hiện đang giảm dần do ngành bất động sản đang khó khăn. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển sang mảng bất động sản bình dân - trung cấp khiến biên lợi nhuận xây dựng Coteccons đang co hẹp lại.

Điểm lại kết quả quý 3/2018, Coteccons (CTD) ghi nhận lượng việc tăng tốt nhờ các hợp đồng ký mới gia tăng, trong đó doanh thu đạt 8.124 tỷ, tương ứng mức lãi ròng hơn 473 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lãi sau thuế CTD lần lượt đạt 20.737 tỷ (tăng gần 14%) và 1.192 tỷ, qua đó lần lượt thực hiện được 74% và 79,4% chỉ tiêu năm 2018.

Giá trị hợp đồng giảm, ước lợi nhuận 2018 giảm

Đáng chú ý, trị hợp đồng ký mới và backlog tính tới 9 tháng đầu năm nay Coteccons lần lượt đạt 20.000 tỷ, 22.065 tỷ đồng, đồng thuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các dự án lớn đã được ký kết 3 quý vừa qua bao gồm: Tây Hồ View (1.600 tỷ đồng), Timberland Manwah (1.500 tỷ đồng), Grandeur Palace – Giảng Võ (1.400 tỷ đồng), và VinFast (4.100 tỷ đồng).

Căn hộ gặp khó, giá trị hợp đồng giảm, Coteccons đang đẩy mạnh xây dựng công nghiệp nhằm tranh thủ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Theo đánh giá của BSC, 3 dự án cuối năm 2018 sẽ đóng góp lớn vào giá trị hợp đồng ký mới của Coteccons là Vincity Ocean Park Gia Lâm, Friendship Tower, và Nguyễn Đình Chiểu. Tương ứng, BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 Công ty ước đạt lần lượt 28.386 tỷ (tăng 4,5% so với năm ngoái), và 1.581 tỷ, giảm hơn 4%. Tương ứng, biên lợi nhuận gộp ước tính 6,6%; tương đương EPS kỳ vọng là 18.544 đồng.

Có thể hoãn kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm

Một điểm đáng quan tâm khác, theo BSC, kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm nay nhiều khả năng sẽ bị hủy và Coteccons dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ sớm vào tháng 3/2019. Sau đó, Công ty có thể công bố thông tin M&A với Ricons.

Nhắc lại, việc M&A Ricons từng là vấn đề nóng được cổ đông đồng loạt ý kiến tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay. Một cổ đông chiến lược Coteccons khẳng định đồng thuận với phương án sáp nhập nhưng cần suy sét kỹ các giải pháp để làm sao đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và công ty, cần có chiến lược về thời gian để các cổ đông thực hiện sáp nhập theo phương án bỏ phiếu.

Ngoài ra, liên quan đến việc sáp nhập các công ty thành viên vào Coteccons, cổ đông đề nghị cần có lộ trình rõ ràng về việc sáp nhập các công ty thành viên để tránh những lùm xùm về "sân sau"… Cổ đông cũng đề nghị Coteccons thuê 1-3 công ty định giá Coteccons, định giá các công ty con để tránh thất thoát tài sản, ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông, hay ảnh hưởng đến tương lai khi sáp nhập các công ty con vào Coteccons. Hội đồng quản trị có cam kết được rằng sau khi sáp nhập các công ty thành viên vào Coteccons cổ tức tăng, giá trị doanh nghiệp tăng không?

Dự báo thêm, BSC cho rằng Coteccons cũng dự kiến kế hoạch M&A thêm các công ty xây dựng SME nhằm mở rộng thị trường đáp ứng nhu cầu nhà ở phân khúc thấp và quy mô nhỏ cho giai đoạn 2019-2020.