Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, giờ là thời điểm rất cần sửa đổi để thị trường bảo hiểm có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, nhưng đang đứng trước thách thức, cạnh tranh lớn. Nhiều tập đoàn, công ty bảo hiểm lớn đến từ các nước trên thế giới đang thu hút nguồn lực rất lớn từ thị trường bảo hiểm Việt Nam. Họ có lợi thế là bề dày kinh nghiệm, sản phẩm dịch vụ phong phú hấp dẫn.
Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, đây là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mất thị trường trong nước, giống như thị trường bán lẻ. Vì vậy, cần nhìn nhận nghiêm túc để sửa luật cho đúng, thích ứng với những thay đổi hiện nay của đất nước. Cùng với đó, cần quan tâm đặc biệt đến sự tham gia thị trường bảo hiểm của khối doanh nghiệp tư nhân.
“Đã là kinh doanh thì phải mở cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, cần cho cả khu vực tư nhân trong nước. Tôi rất muốn, tới đây sẽ có tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn của thế giới”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm
Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro...
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) góp ý, hợp đồng bảo hiểm hiện nay các điều khoản hợp đồng đều thiết kế theo hướng có lợi cho người cung cấp bảo hiểm, nên khi xảy ra các vụ việc bảo đảm quyền lợi cho người mua khó khăn do gặp phải các điều kiện, điều khoản hợp đồng bất lợi.
Đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra cần có đánh giá và xây dựng theo hướng các điều luật khung; còn nội dung cụ thể phải để cho người mua bảo hiểm và người cung cấp bảo hiểm thỏa thuận với nhau.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Quảng đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các công ty kinh doanh bảo hiểm vì thời gian qua xảy ra lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị quy định trong dự thảo Luật phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Bên lề Quốc hội, Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) khẳng định, việc Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này rất quan trọng, giúp kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu(EVFTA)…, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh bảo hiểm đã có hơn 20 năm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, việc mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như bổ sung quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo hành lang an toàn cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều hơn với các quy định mới.