Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Câu chuyện người Hoa nhập cư trở thành đại gia Singapore: Thâu tóm dự án của Sheraton để mở ra đế chế khách sạn riêng, tuyên bố chưa bao giờ thua lỗ

31/08/2019 14:35

Năm 2009, ông trùm vận tải Michael Kum nghỉ hưu với khối tài sản 350 triệu USD. Ông dùng 170 triệu USD để đầu tư mạo hiểm vào khách sạn Four Points của Sheraton ở Sydney và chẳng mấy mốc "canh bạc" này mở ra hành trình cho một đế chế kinh doanh khách sạn lúc Michael Kum đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy".


Năm 2009, ông trùm vận tải Michael Kum nghỉ hưu với khối tài sản 350 triệu USD. Ông dùng 170 triệu USD để đầu tư mạo hiểm vào khách sạn Four Points của Sheraton ở Sydney và chẳng mấy mốc "canh bạc" này mở ra hành trình cho một đế chế kinh doanh khách sạn lúc Michael Kum đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy".

Câu chuyện khởi nghiệp của người Hoa di cư

Michael Kum (Cam Liệt Minh) là một doanh nhân Singapore gốc Hoa. Bố mẹ ông đến Singapore bằng một chiếc sà lan nhỏ. Gia đình ông sống trong ngôi nhà gác mái tạm bợ bên bờ sông Kallang ở Singapore.

Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ông vẫn dành dụm cho ông ăn học để thoát khỏi cảnh nghèo. Michael Kum theo học tại Phòng Thương Mại London ở Singapore và hoàn thành chứng chỉ Kế toán Chi phí với điểm xuất sắc.

Từ năm 1969, ông bắt đầu làm việc trong ngành vận tải của Singapore. Lợi thế địa chính trị của Singapore từ sau khi được độc lập khiến họ trở thành một trạm trung chuyển không thể thay thế ở khu vực eo biển Malacca và ngành vận tải trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất đảo quốc sư tử.

Michael Kum thực hiện canh bạc đầu tư đầu tiên trong đời vào năm 1976. Ông dồn toàn bộ số vốn tiết kiệm ít ỏi của mình thành lập công ty vận tải PTE, cho thuê tàu ở Singapore. Đối tác của công ty là các công ty dầu khí ở Trung Đông và Đông Nam Á có nhu cầu chuyên chở dầu thô hoặc khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquified Natural Gas – LNG).

Công ty PTE nhanh chóng trở thành một trong những công ty vận tải biển lớn nhất ở Singapore và mua lại một số cầu cảng ở Singapore và Indonesia nhằm phục vụ mạng lưới vận chuyển của công ty PTE. Ngoài ra, ông còn thành lập một quỹ đầu tư mang tên Grandline để quản lý và đầu tư các bất động sản của mình.

Duyên nợ đến với ngành kinh doanh khách sạn của Michael Kum xuất hiện năm 2009. Ông đọc được thông tin chuỗi khách sạn Sheraton đang mời gọi đối tác đầu tư vào dự án khách sạn Four Points 630 phòng ở Sydney, Úc.

Câu chuyện người Hoa nhập cư trở thành đại gia Singapore: Thâu tóm dự án của Sheraton để mở ra đế chế khách sạn riêng, tuyên bố chưa bao giờ thua lỗ - Ảnh 1.

Một không gian phòng của hệ thống khách sạn M&L Hospitality

 

Kinh doanh theo nguyên tắc truyền thống nhưng "không bao giờ thua lỗ"

Sau vài tháng đàm phán với Sheraton, ông Kum quyết định bỏ 170 triệu USD để mua lại khách sạn trên, đặt nền tảng đế chế khách sạn của Michael Kum gồm 19 khách sạn trải dài 12 thành phố ở Úc, Nhật Bản, Singapore, Canada và Anh với gần 5.400 phòng.

Các khách sạn của Michael Kum đều đặt dưới sự quản trị của công ty M&L Hospitality – công ty đặt tên theo chữ cái đầu của tên ông và tên vợ là Lynda. Chuỗi khách sạn của M&L hiện duy trì tỷ lệ lấp đầy các phòng khoảng 80-85% - một tỷ lệ lý tưởng trong ngành kinh doanh khách sạn. Tổng tài sản của M&L hiện đã hơn 1,6 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.

Michael Kum khá kín tiếng đối với báo chí. Trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi tổ chức tại văn phòng M&L ở Singapore, ông Kum tiết lộ: "Chúng tôi chưa bao giờ thua lỗ trong kinh doanh, kể cả ngành vận tải hay khách sạn".

Hiện tại, gia đình ông Michael Kum chia nhau vai trò quản trị M&L Hospitality. Ông và con gái Jocelyn cùng CEO Nei Maxwell điều hành thường xuyên công việc của M&L.

Cô con gái thứ hai của Kum là Gwen phụ trách quản lý các khoản đầu tư trong ngành vận tải của gia đình Michael. Người con trẻ nhất là Steven hiện làm bác sĩ và cố vấn về các khoản đầu tư trong lĩnh vực y tế cho tập đoàn.

Các khách sạn của M&L đều tọa lạc trong khu vực trung tâm thành phố hoặc gần ga tàu, sân bay. Đây là những điểm đến của giới trung lưu trẻ ở châu Á. Tuy nhiên, phong cách kinh doanh của gia tộc Kum không tuân theo tập quán thị trường.

M&L từng nộp đơn xin IPO ở Singapore vào tháng 4/2012 nhưng sau đó ông Kum quyết định rút đơn. Theo ông, M&L nên thuộc sở hữu của gia đình và IPO sẽ khiến M&L mất đi tính độc lập, sự nhanh nhẹn và kín đáo vốn là ba tính cách thiết yếu quyết định thành bại trong ngành khách sạn.

Họ sẵn sàng bán lại khách sạn nếu xác định hiệu quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Trong mười năm qua, M&L đã bán 6 khách sạn cho các đối tác nước ngoài, bao gồm khách sạn Ibis Novena có 241 phòng. Chỉ tính riêng thương vụ Ibis Novena, M&L thu lợi 24 triệu USD.

M&L từng thâm nhập thị trường Nhật Bản năm 2011 bằng cách mua 4 khách sạn nhưng sau đó họ bán đi và rời Nhật vào năm 2016.

Theo lộ trình được công bố, M&L sẽ mua và phát triển bất động sản ở Úc, New Zealand và châu Âu để tăng gấp đôi quy mô đế chế khách sạn trong năm năm sắp tới.


Ứng Minh

Theo Trí Thức Trẻ