Airbus A320 và Boeing 737 là hai mẫu máy bay được bán nhiều nhất mọi thời đại. Dù đi sau nhưng Airbus A320 đã trở thành kẻ thù lớn nhất với Boeing 737.
Tính tới cuối tháng 8 vừa qua, Boeing đã bán được 14.956 chiếc Boeing 737 và các phiên bản cùng dòng. Trong khi đó, Airbus cũng đã bán được 14.281 chiếc phi cơ thuộc gia đình A320. Con số này càng trở nên đáng chú ý hơn khi Boeing bắt đầu bắn những chiếc 737 từ 2 thập kỷ trước khi Airbus cho ra mắt A320 vào năm 1984.
Boeing, hãng hàng không trứ danh của Mỹ, dẫn đầu thế giới khi là hãng đầu tiên phát triển phi cơ thương mại chở khách sử dụng động cơ phản lực. Airbus, nhà sản xuất phi cơ châu Âu, dù là kẻ theo sau nhưng vẫn gặt hái được những thành công vượt trội. Cuộc chiến giữa những chiếc 737 với A320 cũng đại diện cho cuộc chiến giữa hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Cả 737 và A320 đều là phi cơ thân hẹp, phục vụ các lộ trình ngắn và trung bình. Vì là kẻ đi sau, Airbus buộc phải tập trung vào cải tiến công nghệ nhằm đuổi kịp đối thủ nằm ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Đây cũng được ghi nhận là dòng máy bay thương mại đưa công nghệ fly-by-wire (điều khiển phi cơ thông qua tín hiệu điện), hệ thống lái bằn cần điều khiển (side-stick controls) và buồng lái tiêu chuẩn vào hàng không dân dụng.
Buồng lái Airbus A320.
Ngay từ chuyến bay đầu tiên năm 1987, A320 đã trở thành con ngựa thồ lý tưởng cho các hãng hàng không trong các chuyến bay ngắn và trung bình. Airbus tiếp tục phát triển các thế hệ sau của A320 gồm A320neo and A321neo để giúp nó thực hiện các đường bay xa hơn, bao gồm cả những chuyến đi vượt Đại Tây Dương.
Hệ thống fly-by-wire, kết hợp với sự hỗ trợ của máy tính, giúp phi công điều khiển phi cơ một cách an toàn và chuẩn xác. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Airbus có thể thiết kế cần điều khiển nhỏ gọn nằm ở một bên của máy bay thay vì sử dụng hệ thống lái phức tạp đặt phía trước mặt. Tất cả buồng lái của các máy bay Airbus đều được thiết kế theo một chuẩn chung, giúp phi công dễ dàng làm quen khi điều khiển các mẫu máy bay khác nhau.
Cả Boeing 737 và Airbus A320 đều có hai dãy ghế, với 3 chiếc mỗi dãy, và một lối đi ở giữa. Tuy nhiên, khoang chở khách của Airbus A320 rộng hơn một chút so với Boeing 737, giúp việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Airbus cũng ra mắt những phiên bản A319 và A318 với chiều dài ngắn hơn và A321 với kích thước lớn hơn so với A320 để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Điểm đặc biệt là phi công có thể lái bất cứ chiếc máy bay nào thuộc gia đình A320 nhờ thiết kế buồng lái tương đồng. Nó giúp các hãng hàng không giảm thiểu chi phí đào tạo phi công khi đưa những chiếc máy bay mới gia nhập đội ngũ.
Hiện tại, Airbus vẫn tiếp tục cải tiến phi đội A320. Năm 2010, hãng sản xuất máy bay châu Âu cho ra mắt những chiếc máy bay mới vào gia đình A320. Chúng được nhận biết với tên mã "neo". Cải tiến vượt bậc về hiệu suất, trong đó có các loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu, là điểm nhấn đặc biệt của những chiếc A320 neo.
Hệ thống buồng lái cũng được nâng cấp với những công nghệ hiện đại nhất, thiết kế thân, cấu tạo cánh cũng được Airbus cải tiến để giúp máy bay đạt hiệu suất hoạt động cao và tiết kiệm nhiên liệu nhất. Nó sẽ là đối thủ với những chiếc 737MAX mà Boeing phát triển.
Trí Thức Trẻ