Những người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu không còn bị “lóa mắt” bởi những chiếc iPhone, như cách đây một thập kỷ. |
Apple - thương hiệu được coi là biểu tượng thành công của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc - đã có câu trả lời ngay những ngày đầu tiên của năm mới. Họ cắt giảm dự báo doanh số quí 4 vì “suy thoái kinh tế” ở Trung Quốc.
Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, trả lời phỏng vấn CNN tuần trước cho rằng: “Nhiều công ty Mỹ có doanh số bán hàng lớn ở Trung Quốc sẽ chứng kiến thu nhập của họ bị giảm sút trong năm 2019”.
Đối với các công ty Mỹ, triển vọng bán hàng yếu đi ở Trung Quốc làm gia tăng phức tạp cho mối quan hệ vốn đang bị sa lầy giữa hai nước. Cuộc chiến thương mại của Washington với Bắc Kinh đã buộc nhiều công ty Mỹ phải cân nhắc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế.
Cuộc chiến đó xuất phát từ sự thất vọng gia tăng ở Mỹ rằng Trung Quốc đang đánh cắp công nghệ của Mỹ, ngăn chặn các công ty phương Tây tham gia sâu vào thị trường và không chấp nhận cách chơi công bằng trong thương mại toàn cầu.
“Trung Quốc chắc chắn đã trở thành một môi trường phức tạp hơn cho các doanh nghiệp Mỹ”, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, nói với Washington Post.
Các nhà kinh tế cho rằng, “suy thoái kinh tế ở Trung Quốc” sẽ là thứ mà các công ty phương Tây khác có thể sẽ sớm phải đối mặt. Dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực. Hãng Jaguar Land Rover mới đây đã đóng cửa một nhà máy ở Anh sau khi doanh số bán hàng tháng 9 ở Trung Quốc giảm còn một nửa. LVMH, công ty sở hữu thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, thứ đồ xa xỉ thường được coi là phong vũ biểu cho tiêu dùng ở Trung Quốc, cũng thừa nhận người Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn.
Việc Apple nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân khiến họ sụt giảm doanh thu không chỉ là lời giải cho câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, mà nó còn làm sáng tỏ thực chất về tình hình ở một đất nước nơi các dữ liệu kinh tế mà chính phủ đưa ra thường ít khi chính xác.
Ông Philip Levy, thành viên Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago nói với Washington Post: Mặc dù các quan chức Trung Quốc liên tục báo cáo GDP tăng hơn 6% trong vài năm qua, song “chúng tôi chưa bao giờ thực sự nắm bắt được mức tăng trưởng của Trung Quốc là thế nào”.
Theo Bloomberg, gần đây các nhà quản lý Trung Quốc đã gặp chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng và công ty môi giới để lưu ý họ khi công bố các số liệu, phải tính đến lợi ích của đất nước, hàm ý rằng không nên đưa ra những thông số bất lợi.
Nhưng các con số liên quan vẫn liên tục được rò rỉ trong 12 tháng qua bất chấp những cảnh báo đó. Doanh số bán ô tô đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1990. Và chính các nhà đầu tư Trung Quốc lại là những người bi quan nhất về triển vọng kinh tế của họ, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 2.300 tỉ đô la, tương đương khoảng một phần tư giá trị, trong năm 2018, mức sụt giảm tồi tệ nhất trong một thập kỷ.
Tuần trước, Henry Zhu, một sinh viên đến từ Thâm Quyến, đã tới ngắm nghía chiếc điện thoại Xiaomi tại trung tâm thương mại cao cấp Parkview Green ở Bắc Kinh. Điện thoại thông minh đầu tiên của anh là một chiếc iPhone 6. Song giờ đây Henry quyết định chuyển sang dùng máy Trung Quốc vì giá thấp hơn.
“Nếu có nhiều tiền hơn, tôi sẽ không ngần ngại mua iPhone đời mới nhất”, Zhu nói. Nhưng giờ tôi hài lòng với chiếc điện thoại Trung Quốc, anh nói và giơ chiếc OnePlus 6 có hình thức giống hệt iPhone.
Ngay cả những người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu giờ cũng không còn bị “lóa mắt” bởi những chiếc iPhone, như cách đây một thập kỷ.
Minh Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn