Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO dẫn dắt start-up kỳ lân Indonesia huy động 1,5 tỷ USD thông qua IPO, quyết chiến thắng Shopee và Tokopedia

03/08/2021 09:30

Bukalapak vừa trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Indonesia niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, được định giá 6 tỷ USD.

Người thay thế hoàn hảo

Bukalapak có nghĩa là "mở một gian hàng" trong tiếng Bahasa. Chàng sinh viên 23 tuổi Achmad Zaky thành lập công ty vào năm 2010 sau khi nhận ra anh có thể giúp các cửa hàng bán lẻ nhỏ địa phương (gọi là warung) cải thiện doanh số nhờ bán trực tuyến. 

Bukalapak tiếp tục mở rộng danh mục hàng hóa, chuyển sang kinh doanh cả sản phẩm kỹ thuật số như dữ liệu di động, mã thông báo tiền điện, phiếu mua hàng trò chơi, dịch vụ tài chính,...

Nhà sáng lập nền tảng thương mại trực tuyến Bukalapak - Achmad Zaky. Ảnh: Bukalapak.

Nhà sáng lập nền tảng thương mại trực tuyến Bukalapak - Achmad Zaky. Ảnh: Bukalapak.

Trong gần một thập kỷ hoạt động, nhà đồng sáng lập Achmad Zaky kiêm vai trò CEO và đưa Bukalapak đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên nhiều năm chạy đua giành thị phần khiến tập đoàn luôn bị đặt trong tình trạng thua lỗ. Các báo cáo cho thấy Bukalapak đã phải sa thải khoảng 10% nhân viên trong năm 2019 như một biện pháp để cải thiện tình hình. 

Cuối cùng, sau nhiều chỉ trích, Achmad Zaky quyết định nhường vị trí CEO cho Kaimuddin vào năm 2020. Hiện tại, Zaky nắm giữ 4,3% cổ phần tập đoàn, trị giá khoảng 260 triệu USD và vẫn tiếp tục làm việc với vai trò cố vấn tại đây. 

Khác với Achmad Zaky, Kaimuddin là một chuyên gia về tài chính. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là cộng sự cấp cao tại tập đoàn tư vấn Boston và giữ nhiều vai trò khác nhau tại các công ty đầu tư, tiêu biểu như vị trí giám đốc tài chính và kế hoạch tại Ngân hàng Bukopin. 

Xác định lấy warung làm cốt lõi, CEO Kaimuddin thường xuyên trực tiếp đến thăm các cửa hàng nhỏ trên khắp Indonesia để tìm hiểu nhu cầu của họ. Khi đại dịch ập đến, họ tổ chức các cuộc họp trực tuyến và quay video bằng nhiều phương ngữ địa phương để dạy chủ cửa hàng cách duy trì hoạt động kinh doanh. 

Không dừng lại ở đó, với chuyên môn tài chính, Kaimuddin còn dẫn dắt công ty mở rộng sang mảng fintech. Ngay trong năm đầu tiên CEO mới nhậm chức, Bukalapak đã hợp tác với Bank Mandiri, tổ chức tài chính lớn nhất Indonesia để ra mắt chương trình biến các warung thành những đại lý ngân hàng. Từ đây, người dân Indonesia ở các khu vực hẻo lánh có thể đến các ki-ốt liên kết với Bukalapak để chuyển tiền. 

Đưa Bukalapak vượt qua đại dịch

Việc Rachmat Kaimuddin được thăng chức lên làm CEO tập đoàn thương mại điện tử Bukalapak vào đầu năm ngoái đã gây bất ngờ cho nhiều người. Doanh nhân 42 tuổi là người được chọn bởi cổ đông tập đoàn tin tưởng ông là người phù hợp giúp Bukalapak thoát lỗ và bắt đầu tạo ra lợi nhuận. 

Thế nhưng chỉ sau 2 tháng sau khi Kaimuddin bắt đầu nhiệm kỳ, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Đại dịch bắt đầu lây lan tại Indonesia, khiến mọi thứ rơi vào hỗn loạn và nhân viên hoang mang. 

"Đối với hầu hết các đồng nghiệp của tôi tại Bukalapak, Covid-19 có lẽ là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà họ phải đối mặt với tư cách một người lao động trưởng thành. Tuy nhiên kinh nghiệm sống đã giúp tôi tìm ra giải pháp", Kaimuddin tự tin nói. 

Doanh nhân Kaimuddin. Ảnh: Forbes Doanh nhân Kaimuddin. Ảnh: Forbes

Bản thân CEO Bukalapak đã trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1997 và 2008. Ông dùng những kinh nghiệm này làm ví dụ và nói với các đồng nghiệp: "Chúng ta đã từng chứng kiến những chu kỳ như vậy trước đây... Bất kể nó có tồi tệ thế nào, chỉ cần chúng ta tồn tại và mọi thứ rồi sẽ qua". 

Bất chấp tất cả những khó khăn này, Kaimuddin - với sự tín nhiệm từ các nhân viên và nhà đầu tư, vẫn đang đưa tập đoàn đi đúng hướng. Bukalapak vừa trở thành start-up kỳ lân công nghệ Indonesia đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Theo Forbes, Bukalapak đã huy động được 1,5 tỷ USD thông qua đợt IPO lớn nhất lịch sử Indonesia, qua đó nâng định giá tập đoàn lên 6 tỷ USD. 

"Chúng tôi rất ngạc nhiên với mức độ quan tâm mà các nhà đầu tư trong nước và quốc tế dành cho Bukalapak", Alvin Sariaatmadja, chủ tịch Emtek, cổ đông lớn nhất của Bukalapak cho biết. 

Danh sách các nhà đầu tư mới vào Bukalapak bao gồm nhiều quỹ và tập đoàn hàng đầu thế giới như Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore, Ant Group (Trung Quốc), Microsoft (Mỹ), ngân hàng Standard Chartered, Naver (Hàn Quốc)...

Tiếp tục cuộc đua với Shopee, Tokopedia

Trong năm 2020, Bukalapak ghi nhận doanh thu tăng 25,5% lên 93 triệu USD, tuy nhiên lỗ ròng cũng lên tới 93 triệu USD. Mặc dù khoản lỗ đã được thu hẹp đáng kể tới 51,7% so với năm 2019, tập đoàn thừa nhận nhiều khả năng không thu được lợi nhuận trong thời gian gần bởi việc "đốt tiền" vào các đợt khuyến mãi giành thị phần vẫn chưa thể dừng lại.

Các ki-ốt nhỏ trải rộng khắp Indonesia là thế mạnh của Bukalapak. Ảnh: Expandana Các ki-ốt nhỏ trải rộng khắp Indonesia là thế mạnh của Bukalapak. Ảnh: Expandana

Một số nhà phân tích cho rằng mức định giá 6 tỷ USD với Bukalapak là quá đắt đỏ.

 "Thị phần mà Bukalapak nắm giữ trong lĩnh vực thương mại điện tử Indonesia không phản ánh đúng mức định giá IPO. Các nhà đầu tư muốn xâm nhập thị trường công nghệ Đông Nam Á nhưng lại thiếu lựa chọn thay thế, điều này đã làm tăng giá Bukalapak", nhà phân tích Nathan Naidu và Matthew Kanterman tại Bloomberg Intelligence nhận định. 

1,5 tỷ USD thu được thông qua IPO sẽ giúp Bukalapak có thêm nguồn lực trong cuộc chiến giành thị phần thương mại điện tử khốc liệt tại Indonesia cũng như toàn Đông Nam Á. Báo cáo của Google tiết lộ tổng giá trị hàng hóa được bán trên các nền tảng thương mại điện tử tại Indonesia có thể chạm mốc 83 tỷ USD vào năm 2025. 

Bukalapak cho biết họ hiện có 104,9 triệu người dùng đã đăng ký, 70% trong số đó đến từ các thành phố nhỏ ở Indonesia. Tính trên chỉ số lượng truy cập trang web trong quý I/2021, Bukalapak đứng ở vị thứ 3, xếp sau Shopee và Tokopedia. 

Theo Như Quỳnh/Doanh nhân và Pháp luật