Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO Du lịch Việt: "Tôi hay hỏi nhân viên lâu rồi có gọi điện cho bố mẹ? Ngành dịch vụ mà không trò chuyện được với người trong gia đình thì làm sao quan tâm tới người ngoài?"

14/10/2018 10:55

"Làm ngành nghề gì cũng vậy, phải chiến đấu nhiệt huyết thì mới có cơ hội thành công, riêng đã chọn du lịch để phát triển thì phải đi nhiều, biết tiêu tiền. Nếu nghề du lịch nếu không đi nhiều thì sẽ không biết khách hàng cần gì, muốn gì", Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông Du Lịch Việt - người vừa nhận giải thưởng doanh nhân trẻ xuất sắc Tp.HCM năm 2018 chia sẻ.


"Làm ngành nghề gì cũng vậy, phải chiến đấu nhiệt huyết thì mới có cơ hội thành công, riêng đã chọn du lịch để phát triển thì phải đi nhiều, biết tiêu tiền. Nếu nghề du lịch nếu không đi nhiều thì sẽ không biết khách hàng cần gì, muốn gì", Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông Du Lịch Việt - người vừa nhận giải thưởng doanh nhân trẻ xuất sắc Tp.HCM năm 2018 chia sẻ.

Bén duyên với con đường khởi nghiệp ngành dịch vụ du lịch năm 32 tuổi nhưng anh Trần Văn Long đã có niềm đam mê từ thuở còn thơ với lĩnh vực này. "Tôi rất thích nhìn máy bay và luôn ao ước được ngồi trên đó để đi khắp mọi miền đất nước. Mỗi lần máy bay bay qua nhà, tôi phải nhìn chừng nào máy bay khuất thì mới thôi…", anh Long bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Tốt nghiệp Khoa văn hóa du lịch trường ĐH Văn hóa Hà Hội vào năm 1998, anh Long có 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch tại các công ty nhà nước. Năm 2008, anh chính thức ra ngoài khởi nghiệp ngành nghề du lịch cho riêng mình. Theo cách nói của anh, đó là một hành trình vô cùng gian truân mà nếu kể lại có thể bật khóc.

Làm du lịch là phải biết tiêu tiền….

CEO Du lịch Việt: Tôi hay hỏi nhân viên lâu rồi có gọi điện cho bố mẹ? Ngành dịch vụ mà không trò chuyện được với người trong gia đình thì làm sao quan tâm tới người ngoài? - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền Thông Du Lịch Việt. Ảnh: Phương Nga

Theo anh Long, với ngành dịch vụ du lịch nếu chỉ đam mê "suông" thôi chưa đủ vì đặc thù đây là ngành nghề rất vất vả, phục vụ con người, tiếp xúc thường xuyên giữa người với người nên cần phải biết cách "đi vào lòng người" và có chút duyên.

"Người làm nghề dịch vụ du lịch trước tiên phải biết ăn, biết nói, biết cười nhưng không thể thiếu phần kiến thức xã hội; phải có sự chia sẻ, sống mở lòng và sống có tình. Cái quan trọng nhất là lúc nào cũng phải nghĩ mình mang được gì khách hàng cần chứ không phải bán cái mình muốn. Chính vì xu thế khách hàng luôn thay đổi nên bản thân phải luôn thay đổi hàng ngày nếu không sẽ thua thiệt", anh Long chia sẻ.

"Khi thành lập công ty, mỗi lần đón khách về tôi đều đứng ra phục vụ khách, xem như mình đang đón một người thân. Tôi bưng từng chén cơm, chén mắm, kể họ nghe về câu chuyện, kiến thức văn hóa vùng miền mà mình học được. Dần dà họ cảm mến mình, nhớ đến mình và tìm đến với mình ở những lần sau đó", CEO Trần Văn Long nhớ lại.

Theo vị doanh nhân trẻ này, làm ngành nghề gì cũng vậy, phải chiến đấu nhiệt huyết thì mới có cơ hội thành công, riêng đã chọn du lịch để phát triển thì phải đi nhiều, biết tiêu tiền. Nếu nghề du lịch nếu không đi nhiều thì sẽ không biết khách hàng cần gì, muốn gì.

Với ngành đặc thù này, việc khách hàng phản ánh về dịch vụ của công ty xảy ra hàng ngày. Đây là ngành nghề dịch vụ chăm sóc con người hay còn lại là ngành cộng thêm, phụ thuộc. nhà hàng khách sạn, máy bay, xe cộ đều không phải của mình, khách hàng chỉ biết đến hướng dẫn viên nên khi có sự cố về dịch vụ đa số đều chỉ tìm đến hướng dẫn viên.

"Chính vì nó là ngành kinh tế phụ thuộc, 90-95% là thu hộ nên rất vất vả. Việc khách hàng commet cũng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, giải quyết như thế nào để khách hàng quay trở lại với mình mới khó chứ không phải giải quyết cho xong. Tôi luôn nhắc nhân viên phải biết trân trọng ý kiến khách hàng, có thắc mắc phải đứng ra giải quyết ngay, trực 24/24 đường dây nóng….,", CEO Trần Hữu Long chia sẻ.

"Tôi hay hỏi nhân viên lâu rồi có gọi điện cho bố mẹ, anh chị em không?"

Vị doanh nhân trẻ chia sẻ, khởi nghiệp ở ngành du lịch lúc nào trong người cũng phải hừng hực nhiệt huyết, luôn luôn hành động vì đó là ngành nghề phục vụ con người. Tuy vậy, chính vì ngành liên quan trực tiếp đến con người nên không được phép làm bậy, làm sai.

Quan điểm của vị CEO trẻ này là 1 người làm 10 việc chứ không phải 10 người làm 1 việc. Thời gian đầu khởi nghiệp, chính quan điểm này của anh Long đã tạo nên áp lực cho anh em công ty nhưng sau này họ mới hiểu, đã là ngành dịch vụ chăm sóc con người thì phải chịu khó, không được phép chủ quan, không được làm việc thụ động và phải có sức khỏe tốt.

CEO Du lịch Việt: Tôi hay hỏi nhân viên lâu rồi có gọi điện cho bố mẹ? Ngành dịch vụ mà không trò chuyện được với người trong gia đình thì làm sao quan tâm tới người ngoài? - Ảnh 2.

Theo anh Long, ngành dịch vụ du lịch như làm dâu trăm họ, phải tận tâm, nhiệt huyết, chịu khó hơn những ngành nghề khác. Ảnh: Minh họa

"Khi bước vào guồng đua với ngành du lịch, tôi đã đặt ra những quy định rất khắt khe về nhân sự, cách thức chăm sóc khách hàng, đưa ra khối lượng công việc lớn trong ngày… nhiều người nghĩ mình sống không thực tế hoặc nói khoác nhưng thực tế nếu không làm những điều đó thì công ty của tôi đã không tồn tại đến ngày hôm nay", anh Long cho hay.

Hiện tại doanh thu đem về cho vị CEO này đã đạt đến con số 1.000 tỉ đồng/năm, ngoài lĩnh vực du lịch, anh Trần Hữu Long còn sở hữu các công ty về truyền thông, nhà hàng khách sạn, dịch dụ vận chuyển với gần 1.000 cán bộ nhân viên, trong đó mảng nhân sự ngành du lịch có khoảng 500 người.

"Tôi khởi nghiệp ở độ tuổi 32, đó là khoảng thời gian không quá trẻ, trước đó đã kinh qua rất nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực mình khởi nghiệp. Tuy vậy, khi bắt đầu đi tìm giá trị đích thực cho lĩnh vực đam mê là du lịch thì lại bắt đầu bằng con số 0. Nhưng vì có kinh nghiệm nên tôi đã lấy ngắn nuôi dài, lăn xả đi tư vấn, đầu tư dự án, đầu tư ở các công ty khác, đem lợi nhuận đó về nuôi công ty du lịch cũng là nuôi niềm đam mê lữ hành của mình", anh Long giãi bày.

Theo vị doanh nhân trẻ, khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng vậy, nhắm sức mình đến đâu mình làm đến đó, đừng ảo tưởng quá sẽ dễ thất bại. Việc chủ động tài chính là luôn luôn cần thiết.

"Khởi nghiệp thì phải hiểu về môi trường văn hóa, nên có quá trình thực tế trước khi bắt đầu sự nghiệp khởi nghiệp. Tôi hay hỏi nhân viên của mình, lâu rồi có gọi điện cho bố mẹ, anh chị em không? Với ngành dịch vụ ngay cả khi không nói chuyện với người trong gia đình thì làm sao mà nói chuyện, quan tâm người ngoài được".

"Đặc thù của ngành du lịch không cần quá sáng tạo nhưng phải cần cái tâm và nhiệt huyết hơn những ngành nghề khác thì mới đi lâu dài với nó được. Khách hàng hiện nay đi du lịch không chỉ để ăn ngon, ngắm cảnh đẹp mà cần đến sự chia sẻ, thấu hiểu nền văn hóa. Chỉ có những người làm dịch vụ, giữa con người với con người mới đem lại được điều này", anh Long cho hay.


Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ