Cho dù Grab đang là startup ‘kỳ lân’ nổi bật nhất nhì Đông Nam Á, song hành trình phát triển của họ không hề dễ dàng và toàn màu hồng, tiêu biểu như ở Việt Nam.
Chỉ sau hơn 3 năm nắm giữ vị trí cao nhất ở Grab Việt Nam, tóc của CEO Jerry Lim đã bạc đi không ít. Nếu soi vào những "biến cố" khác nhau mà vị Giám đốc này đã giải quyết trong thời gian qua, chúng ta có thể hiểu vì sao lại thế. Từ cuộc chiến căng thẳng những năm trước với Uber đến vụ kiện kéo dài dai dẳng cùng Vinasun gần đây, chẳng có vụ việc nào là dễ dàng.
Đó là còn chưa kể sự khó khăn trong việc thu hút người tài trong những ngày đầu bỡ ngỡ vào thị trường và cuộc chiến về giá không hồi kết với rất nhiều đối thủ.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Jerry Lim thổ lộ là mình chưa bao giờ hối hận vì đã rời Singapore để đến môi trường kinh doanh đầy thách thức như Việt Nam. Bởi, tại Việt Nam, ông không chỉ phát triển bản thân lên một tầm mức mới mà còn cùng Grab tạo ra rất nhiều giá trị cho người dân ở đây, từ người dùng, đối tác cho đến nhân viên của mình thông qua công nghệ.
Sau 3 năm ở Việt Nam, ông cảm thấy đâu là thành tựu lớn nhất của ông cùng Grab?
Việt Nam là một đất nước hoàn toàn mới đối với tôi. Trước đây, tôi chưa từng làm việc ở Việt Nam, tôi không nói được tiếng Việt cũng như hiểu văn hóa ở nơi đây, đặc biệt khi văn hóa ở 3 miền rất khác nhau.
Thế nên, việc đầu tiên của tôi khi đến Việt Nam là tìm hiểu về văn hóa, hành vi, cách người dân Việt Nam tư duy cũng như ngôn ngữ bản địa để có thể giao tiếp tốt với nhân viên. Tôi làm việc với các đối tác tài xế - rất nhiều người trong số họ không nói được tiếng Anh và vì không biết Tiếng Việt, chúng tôi buộc phải dùng đến phiên dịch.
Qua thời gian, bây giờ tôi có thể hiểu một số cụm từ tiếng Việt đơn giản và có thể giao tiếp cơ bản được với các bác tài.
Nói về thành tựu, chúng tôi đã đạt được rất nhiều. Trong hơn 7 năm vừa qua, từ một start-up nho nhỏ khởi nghiệp trong một nhà kho thuê tạm ở Kuala Lumpur, Grab đã trở thành công ty công nghệ giá trị lớn nhất Đông Nam Á.
Riêng tại Việt Nam, sau 5 năm, thì hiện tại, cứ 4 người thì có 1 người đang sử dụng dịch vụ Grab và mục tiêu của chúng tôi là cứ 2 người thì có 1 người dùng Grab vào năm 2020. Chúng tôi đang đứng đầu thị trường ở hầu hết dịch vụ, từ di chuyển, giao thức ăn hay giao hàng... Đơn cử như giao nhận thức ăn, khảo sát độc lập vào tháng 8/2019 của Kantar cho thấy, GrabFood được 87% người tham gia lựa chọn là dịch vụ giao nhận thức ăn họ sử dụng thường xuyên nhất.
GrabFood cũng đang dẫn đầu thị trường ở tốc độ giao thức ăn, theo một nghiên cứu độc lập khác của Gcomm. Thông qua công nghệ, chúng tôi cũng đang tạo ra những ảnh hưởng tích cực, góp phần thay đổi cuộc sống của mọi người.
Bên cạnh những thành tựu đó, đâu là những thách thức lớn nhất của Grab trong những năm vừa qua?
Ở thị trường cạnh tranh đầy cam go như Việt Nam, thách thức luôn hiện hữu. Ví dụ như việc các công ty vận tải truyền thống chưa chịu hòa mình vào làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, điều này đã phần nào kềm hãm sự phát triển thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thách thức nữa mà chúng tôi gặp liên quan đến việc tìm nhân tài. Khi tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam, Grab chỉ là một startup nhỏ, ít người biết đến. Tài năng ở Việt Nam rất nhiều, nhưng họ thường chọn làm việc trong các công ty đa quốc gia hay những tập đoàn lớn…, nên chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển nhân sự. Bây giờ, khi Grab đã lớn mạnh cả ở Đông Nam Á lẫn Việt Nam, công tác tuyển dụng đã dễ dàng hơn.
Thách thức nữa là khi làm việc với các đối tác trong những ngày đầu. Nhưng nhờ không ngừng phát triển lớn mạnh, giờ đây Grab đã trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều tập đoàn - công ty lớn như FPT, Vietjet, Sovico...
Grab đã vượt qua những khó khăn ban đầu đó như thế nào?
Chúng tôi tập trung vào hai yếu tố. Thứ nhất, chúng tôi luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm để xác định chính xác sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người dùng từng quốc gia. Ngay cả khi cùng một sản phẩm, người Indonesia, Singapore hay Việt Nam sẽ sử dụng và có những kỳ vọng khác nhau. Chúng tôi hiểu vấn đề người dùng gặp hàng ngày và sử dụng công nghệ để giải quyết chúng.
Ví dụ: Việt Nam là quốc gia đầu tiên có dịch vụ GrabBike. Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng làm xe ôm công nghệ, tất cả mọi người đều nói Grab sẽ thất bại vì gần như mỗi người Việt Nam đều có xe máy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự tin với kế hoạch của mình khi nhìn thấy được hai khó khăn của người đi xe máy.
Trước hết, việc tìm chỗ đậu xe hàng ngày ở các đô thị lớn tốn khá nhiều thời gian và chi phí. Thứ hai, khi đến chỗ làm, chiếc xe máy đậu suốt 8 tiếng ở bãi giữ xe – một điều hết sức lãng phí. Vậy tại sao bạn không sử dụng thời gian nhàn rỗi và chi phí đó hiệu quả hơn bằng cách đi xe máy công nghệ?
GrabBike là một trong những mô hình ‘địa phương hóa’ thành công nhất của Grab.
GrabBike thể hiện việc chúng tôi hiểu rõ nhu cầu thị trường, dự đoán và tạo ra dịch vụ đáp ứng đúng những gì người dùng cần. Đến nay, GrabBike vẫn là mô hình "địa phương hóa" thành công nhất của chúng tôi, từ đó Grab mở rộng dịch vụ này ra các nước khác như Indonesia, Thái Lan...
Yếu tố thứ hai là chúng tôi hiểu rõ thị trường đang vận động thế nào. Vì sao một sản phẩm, tính năng, dịch vụ lại được người dùng lựa chọn? Liệu có điều gì mà chúng tôi đã bỏ qua hoặc chưa từng nghĩ đến? Dĩ nhiên, việc chúng tôi cần làm không phải bắt chước những doanh nghiệp khác, mà là tận dụng ưu thế công nghệ để sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
Thưa ông, ông có chia sẻ gì về việc giá các dịch vụ của Grab có những thời điểm cao hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác?
Trong nền kinh tế thị trường, sẽ luôn có sản phẩm rẻ hơn sản phẩm của bạn. Vậy đâu sẽ là giá "đúng"? Thay vì chạy đua về giá, chúng tôi cho rằng nên nhìn nhận vấn đề giá dịch vụ ở cả hai phương diện. Đầu tiên, làm thế nào để cân bằng giữa việc khách hàng có cước phí đi xe tiết kiệm nhất và đối tác tài xế có thu nhập thỏa đáng, ổn định nhất. Nhưng chỉ cạnh tranh về giá không thôi thì sẽ không giải quyết tốt nhu cầu của người dùng, vì họ luôn cần chất lượng và sự an toàn.
Quan điểm của ông Jerry Lim, thì chất lượng và sự an toàn là 2 tiêu chí quan trọng không kém mức giá.
Do đó, chúng tôi có quy trình kiểm tra đầu vào của đối tác tài xế rất nghiêm ngặt, bao gồm cả lý lịch tư pháp. Mỗi đối tác còn phải trải qua nhiều lớp học về kỹ năng dịch vụ, thái độ phục vụ, lái xe an toàn... trước khi đưa đón hành khách. Trong suốt quá trình họ hoạt động trên ứng dụng Grab, chúng tôi liên tục theo dõi phản hồi của người dùng và chất lượng phục vụ, đồng thời đưa ra các chương trình học online và offline cho các bác tài để đảm bảo sự hài lòng cao nhất từ người dùng.
Chúng tôi nghe rằng, Grab có một team về công nghệ hùng mạnh nhất nhì giới startup Đông Nam Á?
Đội ngũ kỹ sư công nghệ của Grab đang khoảng hơn 2.000 người, phân bổ khắp 7 trung tâm R&D tại Seattle (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Bangalore (Ấn Độ), Singapore, TP.HCM (Việt Nam) và Kuala Lumpur (Malaysia). Chúng tôi luôn chào đón những tài năng công nghệ trên khắp thế giới.
Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm R&D của chúng tôi đang có hơn 100 kỹ sư và dự kiến sẽ tăng lên 150 người vào cuối năm nay. Với năng lực công nghệ của mình, chúng tôi tin mình sẽ mang đến nhiều dịch vụ tốt hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn cho người dân Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Theo Nhịp Sống Kinh Tế