CEO ở Việt Nam điều hành startup tại Mỹ: ‘Điểm mạnh của chúng tôi là kiếm tiền đô, tiêu tiền đồng’

13/01/2020 13:19

- Cơ duyên nào đưa anh đến Mỹ?

- Năm 2007, tôi đi du học theo diện tự túc ngành Quản lý hệ thống thông tin tại Iowa State University. Vì tiếng Anh không tốt, tôi quyết định chọn một thành phố có ít du học sinh Việt, để có cơ hội trải nghiệm trong môi trường bản địa.

- Tiếng Anh không tốt nhưng vẫn đi du học, những ngày đầu tại Mỹ có khiến anh bị “shock”?

- Tôi từng hoang mang khi mình không hiểu các bạn trong ký túc xá nói chuyện gì. Thời gian sau, tôi rút ra bài học là cứ ngồi lì ở đó và mỉm cười lắng nghe để cho họ thoải mái trao đổi, sau đó tôi về sẽ hỏi bạn cùng phòng, tra thông tin tìm hiểu. Đó là cách tôi chọn để học ngoài sách vở.

- Sau khi tốt nghiệp đại học, anh có gặp khó khăn khi tìm việc?

- Cuối năm 2009 đầu năm 2010, tôi tốt nghiệp đại học. Khi ấy kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp sa thải hàng nghìn nhân viên, nhưng đó lại là “may mắn” giúp tôi tìm được việc.

Tôi gọi nó là “may mắn” vì chưa có giai đoạn nào mà một thanh niên vừa ra trường như tôi lại được làm “tỷ thứ”: từ lập trình, quản lý dự án, chăm sóc khách hàng, bán hàng… chỉ trong một thời gian ngắn tại một công ty. Các doanh nghiệp khi đó thường muốn tuyển người làm được nhiều việc, giá rẻ và ít kêu ca.

Tôi nhớ ngày đầu tiên vào làm “full-time” tại Boston Scientific – một tập đoàn chuyên sản xuất công nghệ y khoa với quy mô khoảng 25.000 nhân viên, cũng là thời điểm họ vừa sa thải khoảng 200 nhân viên ở văn phòng Minnesota. Tôi đã làm việc tại đây gần 5 năm. Nơi này cũng tạo điều kiện tài trợ kinh phí để tôi tiếp tục học thạc sĩ tại trường Minnesota.

- Ý tưởng khởi nghiệp Rakuna đến với anh như thế nào?

- Trong thời gian làm việc tại Boston Scientific, tôi có tham gia một cuộc thi dành cho các dự án khởi nghiệp nội bộ và may mắn giành được giải thưởng để phát triển một công nghệ trên iPhone/iPad chuyên cho tuyển dụng. Ứng dụng này giúp bỏ hồ sơ giấy và ghi chép so với cách thức tuyển dụng truyền thống.

Sau này khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp của toàn tiểu bang, dự án của tôi được một nhà đầu tư thiên thần (cũng là giám khảo của cuộc thi) đầu tư 10.000 USD nhưng không có pháp danh nào để nhận tiền. Vì vậy, tôi và vợ của mình quyết định thành lập công ty Rakuna.

- Chính nhà đầu tư thiên thần này đã truyền rất nhiều cảm hứng cho anh trong quá trình khởi nghiệp?

- Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này để nói với mọi người rằng “Khi một cánh cửa khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Năm 2015, tôi mang ý tưởng Rakuna tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tiểu bang Minnesota và lọt vào vòng chung kết (top 16 trên 1.400 công ty). Trong ngày thi chung kết, tôi có chia sẻ thông tin về việc Rakuna vừa được chọn vào một chương trình vườn ươm khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon vì nghĩ rằng nó sẽ giúp tôi ghi thêm điểm. Tuy nhiên, sau đó dự án của tôi bị truất quyền nhận giải.

Một thành viên ban giám khảo tiết lộ với tôi rằng, cuộc thi khởi nghiệp này sử dụng tiền của tiểu bang. Họ sẽ không thể trao giải thưởng cho một công ty sắp chuyển sang một tiểu bang khác. Buồn và thất vọng, tôi quyết định lái xe từ Minnesota sang California. Trên đường đi, một giám khảo của cuộc thi gọi điện cho tôi, kể cho tôi nghe về câu chuyện của ông ấy và ngỏ ý đầu tư cho tôi 10.000 USD.

“Khi tôi còn trẻ như cậu, tôi cũng khởi nghiệp với một công ty công nghệ nhưng không may bị phá sản. Trong lúc túng quẫn, tôi đến thăm mẹ. Bà vỗ vai tôi và đưa cho tôi 10.000 USD tiền bà tiết kiệm”, ông ấy kể với tôi.

Với 10.000 USD tiền mẹ cho, ông ấy tái cấu trúc công ty và sau này bán nó được một số tiền lớn. Ông quyết định dùng số tiền này để thành lập một quỹ đầu tư khởi nghiệp và đó cũng là lý do ông đầu tư cho Rakuna 10.000 USD chứ không phải một con số khác. Đây không phải là số tiền lớn nhưng nó là động lực giúp tôi khởi nghiệp.

- Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô hình hoạt động của Rakuna?

- Rakuna là một công ty công nghệ trong mảng nhân sự, hướng đến đối tượng là các công ty đi tuyển dụng sinh viên ở các trường đại học, tuyển dụng các quân nhân, những người da màu… Khi đi tuyển dụng họ cần công cụ hiệu quả hơn. Trước đây mọi thứ qua giấy tờ, trung bình mỗi kỳ học, một công ty đi 50-80 sự kiện, họ đi liên tục và không có nhiều thời gian cho việc lựa chọn ứng viên. Để giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ và tiết kiệm thời gian, Rakuna tạo ra giải pháp giúp những nhà tuyển dụng số hóa các quy trình. Khách hàng của công ty hiện chủ yếu tập trung ở Bắc Mỹ.

- So với các công ty tuyển dụng thông thường, Rakuna có gì khác biệt?

- Giải pháp của Rakuna không bán cho ứng viên, chỉ bán cho các công ty có nhu cầu tuyển dụng. Rakuna cũng không tìm kiếm các ứng viên mà cung cấp công cụ cho các công ty mang theo trong quá trình tuyển dụng.

Giả sử công ty của bạn đi tuyển dụng tại Đại học Stanford, thay vì mang theo giấy tờ, những người tuyển dụng chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Họ sẽ chụp ảnh sẽ giúp số hoá hồ sơ CV của ứng viên - thay vì phải mang CV giấy về văn phòng. Ứng dụng cho phép nhà tuyển dụng phỏng vấn người ứng tuyển qua form đánh giá được thiết lập từ trước. Trưởng phòng nhân sự ngồi ở văn phòng - và trực tiếp thấy được thông tin ứng viên cập nhật trong thời gian thực và nhanh chóng đưa ra được quyết định cho bước tiếp theo.

- Ở Mỹ có nhiều công ty có mô hình tương tự Rakuna?

- Rakuna không phải công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đối thủ lớn nhất của chúng tôi vẫn là việc sử dụng giấy tờ như cách tuyển dụng truyền thống. Chúng tôi cố gắng thay đổi thói quen cũ bằng công nghệ tuyển dụng mới.

- Thời gian đầu, anh thuyết phục khách hàng như thế nào để họ sử dụng sản phẩm của mình?

- Câu trả lời rất đơn giản, đó là “mặt dày”. Để chốt được đơn đầu tiên tôi đã có 112 cuộc gặp mặt, nói chuyện thất bại. Cuối cùng, tôi gặp được một khách hàng từng sử dụng sản phẩm tương tự của đối thủ, nhưng không hài lòng. Sau 6 tháng theo đuổi, chúng tôi đã ký được hợp đồng 3 năm.

Gia đình chúng tôi có em bé đầu tiên chỉ 7 ngày sau khi công ty thành lập. Tôi vừa trông con vừa phát triển công ty vì vợ được nghỉ 2 tháng rồi phải đi làm lại. Hồi đó, vợ còn làm ở tập đoàn VISA để có bảo hiểm và trang trải chi phí cho gia đình nhỏ. Tôi địu em bé ở trước ngực, có một chiếc bàn làm việc đứng - tôi vừa có thể bán hàng hoặc lập trình, trông em bé ngủ. Việc này thực tế rất vui. Nhiều khách của Rakuna thuộc nhóm HR là phụ nữ trẻ. Phần nào đó cũng dễ đồng cảm và kết nối hơn với khách. Sau 3 năm, việc bán hàng với Rakuna không còn quá nhức đầu vì chúng tôi đã có những nhân viên bán hàng bản địa tại Mỹ.

- Mỗi lần sử dụng giải pháp của Rakuna, các công ty sẽ phải chi bao nhiêu tiền?

- Rakuna có gói cho sự kiện và gói dài hạn. Giá tùy thuộc và quy mô của công ty, khoảng 500 USD cho một sự kiện hoặc 10.000-100.000 USD/năm đối với hợp đồng dài hạn.

- Liệu có trường hợp sau khi sử dụng dịch vụ của Rakuna một lần, khách hàng sẽ sao chép để sử dụng trong những lần sau mà không phải mất phí?

- Các công ty ở Mỹ có bộ phận pháp chế, những vấn đề liên quan đến pháp luật đều rất rõ ràng. Khi hết thời hạn hợp đồng, tài khoản của các công ty sẽ tự động đóng lại.

- Theo anh, vì sao các công ty không thông qua các trang web tuyển dụng để tiết kiệm thời gian thay vì trực tiếp đi tuyển dụng và trả tiền cho những ứng dụng như Rakuna?

- Trong tuyển dụng chia thành 2 dạng. Đầu tiên là “Passive hiring” - bạn có nhu cầu tuyển dụng và đăng trên các trang web sau đó chờ các ứng viên nộp hồ sơ. Thứ hai là “Active hiring” để tìm kiếm các ứng viên xuất sắc. Với những trường như Stanford sẽ có rất nhiều nhà tuyển dụng đến tận trường để tìm ứng viên. Các công ty muốn được người giỏi phải đi săn, và phải để thể hiện mình là một công ty khác biệt, họ sẵn sàng trả tiền để ứng dụng công nghệ trong tuyển dụng.

- Kể từ khi thành lập đến nay, công ty đã có bao nhiêu khách hàng?

- Chúng tôi có khoảng 300 khách hàng sử dụng dịch vụ, trong đó bao gồm Master Card, Apply Material…. Tháng 10/2018, Rakuna bắt đầu có lãi, từ đó đến nay vẫn lãi đều và tăng trưởng tốt. Ngay từ đầu 2 bạn founder (tôi và vợ của mình) và sau này là cả công ty đều thống nhất lấy sức mình nuôi mình. Công ty tiết kiệm một đồng thì mình lãi một đồng, lãi nhiều thì anh em có thưởng cuối năm, không có lãi thì anh em hiểu cho.

Mọi người đồng lòng vì vậy 2 năm đầu không có lãi, không có tháng lương thứ 13, anh em vẫn chấp nhận, đến năm 2018-2019 có lãi thì mọi người rất vui vẻ. Dù công ty không lớn nhưng chúng tôi tập trung vào con người và bán hàng. Tôi quan điểm khách hàng phải thích dùng sản phẩm của mình thì mới dùng lại và bán được hàng. Ở vai trò CEO, tôi chưa bao giờ tập trung vào việc tìm nhà đầu tư, gọi vốn.

- Đặt trụ sở công ty tại Mỹ, vì sao vợ chồng anh quyết định về Việt Nam?

- Khoảng 7 tháng sau khi thành lập công ty, vợ chồng tôi quyết định về Việt Nam. Quyết định về nước một phần vì vợ tôi bị trượt visa tại Mỹ, khi đó tôi cũng không muốn xa gia đình. Bên cạnh đó, chi phí tuyển dụng tài chính tại Mỹ rất cao, với mô hình này nếu không tiết kiệm thì có thể phá sản.

Việc điều hành công ty tại Việt Nam lại trở thành điểm mạnh của Rakuna, vì nói vui là “kiếm tiền đô mà tiêu tiền đồng”. Điều khó là làm sao bán hàng từ xa mà khiến khách hàng tin tưởng được. Hồi đầu về Việt Nam chưa có văn phòng, tôi bán hàng qua máy tính hàng đêm từ trong bếp của mẹ. Nhưng thực tế chứng minh là mọi việc đều có thể làm được.

- Điều hành công ty từ xa khó khăn như thế nào?

- Tôi cho rằng khởi nghiệp không bao giờ hết khó khăn. Điều quan trọng là chọn đúng người. Chúng tôi từng vài lần bị lừa khi tuyển dụng các bạn nhân viên sale tại Mỹ. Sau 2 tuần họ nhận lương và xin nghỉ việc dù chưa có đóng góp gì cho công ty.

- Anh hay ai là người phụ trách công nghệ của công ty?

- Tôi là người phụ trách công nghệ, thậm chí cả bán hàng của công ty. Quan điểm của tôi ngay từ đầu là nếu CEO không bán được hàng thì không ai bán được. Đến thời điểm này, tôi có nhiều bạn khác hỗ trợ để phát triển công ty.

- Anh có ý định cung cấp giải pháp của Rakuna cho các công ty Việt Nam?

- Tôi hy vọng là có thể triển khai sớm tại Việt Nam vì công nghệ sẽ ngày càng phát triển, không có chuyện chúng ta mãi mãi dùng giấy tờ. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam rất khó để công ty nào đó chi 500 USD để mua giải pháp của Rakuna cho một sự kiện tuyển dụng. Vì vậy, tôi mong rằng 3-5 năm tới, Việt Nam có thể chấp nhận sản phẩm này.

- Rakuna hiện có bao nhiêu nhân viên?

- Thời gian đầu công ty chỉ có 8 người, trong đó ngoài 2 vợ chồng tôi còn lại đều là người Mỹ. Hiện nay, cả ở Mỹ, Việt Nam (Hà Nội và TP HCM) chúng tôi có 25 nhân viên, gồm cả “part-time” và “full-time”.

Trong 2 năm đầu chưa có lãi, công ty từng phải tìm mọi cách để sống như tổng hợp dữ liệu về tuyển dụng để bán, vợ chồng tôi cũng phải bán xe và nhiều thứ khác. Trong nhà tôi khi đó không có giường, không tủ quần áo, chỉ có tấm nệm. Khi bố mẹ tôi sang thăm đã vô cùng bất ngờ vì mọi thứ khác hẳn với những gì mọi người nghĩ về cuộc sống tại Mỹ.

- Được biết gia đình anh có một doanh nghiệp thép. Tại sao sau khi du học anh không về nước kế nghiệp gia đình, mà lại “chịu khổ” để khởi nghiệp như vậy?

- Nhiều bạn bè và ngay cả các thành viên trong gia đình cũng đặt cho tôi câu hỏi đó. Các anh chị em của tôi sau khi du học đều về làm việc cho gia đình. Lựa chọn của tôi thuộc về lý do cá nhân. Tôi là một người rất “ương”, không muốn chọn con đường dễ khi chưa thử thách bản thân mình. Tôi hay nói một câu với các nhân viên của Rakuna là “đừng trở thành nô lệ của nỗi sợ hãi của bạn”. Chỉ có sợ hãi thì gia đình mới muốn bạn về sớm, không phải bươn chải ngoài kia.

Bên cạnh Rakuna, sau khi về nước, tôi cũng thành lập một công ty công nghệ thép. Công ty này thừa hưởng sản phẩm thô từ nhà máy thép của gia đình, bỏ thêm thời gian làm R&D (nghiên cứu và phát triển) và tạo ra các sản phẩm cuối cùng mới. Ví dụ như hệ thống sản phẩm chuồng trại nông nghiệp, sản phẩm hàng rào xây dựng hay như hệ thống thang thiết bị cho "server farm" (Amazon và Google sử dụng trong server farm của họ). Sau đó chúng tôi tìm cách tối ưu đóng container và xuất khẩu sang Mỹ, Australia và các nước châu Âu.

- Tại sao các công ty của anh lại thường chọn thị trường nước ngoài thay vì Việt Nam?

- Tôi nghĩ điểm mạnh của mình là bán hàng tại thị trường quốc tế. Bán hàng ở Việt Nam cần xây dựng các mối quan hệ, nhiều khi cần đi nhậu - điểm này tôi không mạnh. Cuối ngày làm việc tôi chỉ có sở thích là chơi với con hoặc đá bóng.

- Cùng lúc điều hành 2 công ty có phải thử thách lớn?

- Điều hành một hay nhiều công ty đều có khó khăn, quan trọng là mình học cách quản lý thời gian, xây dựng được con người và có thể chuyển giao được quyền lực cho những người khác.

- Mục tiêu 5 năm tới của anh là gì?

- Tôi mong muốn công ty công nghệ thép trở thành một công ty công nghệ cho sản xuất công nghiệp, đưa công nghệ vào các sản phẩm thép khiến chúng thông minh hơn. Còn với Rakuna, tôi hy vọng sẽ phát triển được các bộ sản phẩm mới bên cạnh dòng sản phẩm tuyển dụng Rakuna Recruit. Để đạt được mục tiêu đó, cả hai doanh nghiệp này đều rất khao khát thêm nhân lực với thái độ và tầm nhìn toàn cầu.

- Cảm ơn anh !

Bài: Diệu Tuyết

Thiết kế: Bảo Linh

Theo Người Đồng Hành