Là tổng giám đốc ngân hàng tư nhân đứng đầu về lợi nhuận như Techcombank nhưng ông Nguyễn Lê Quốc Anh lại tiết lộ mình không đầu tư cổ phiếu nào và cũng chẳng đặt nặng KPI là con số lãi bao nhiêu nghìn tỷ đồng mỗi năm.
- Năm 2018, lần đầu tiên có một ngân hàng tư nhân là Techcombank lọt vào Top 3 về lợi nhuận, vị trí thường thuộc về các "ông lớn" quốc doanh. Techcombank cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 4 chữ số 0 – với hơn 10.000 tỷ đồng trong 2018. Khi "chốt sổ" với những con số ấy, là một CEO, cảm xúc của ông thế nào?
- Cảm xúc đầu tiên khi biết kết quả ấy là tôi nghĩ ngay đến một số mốc lương thưởng nào đó cho toàn thể cán bộ nhân viên sau những gì họ đã cố gắng (Cười - PV).
Nói vậy thôi chứ tôi không có nhiều cảm xúc cho lắm về mấy con số dù mình sống với nó hàng ngày bởi tự thấy nó không có nhiều ý nghĩa. Con số bản chất chỉ minh chứng việc mình làm. Nếu làm đúng thì những con số này sẽ xảy ra và ngược lại, làm sai thì nó không đến.
Trên tất cả, mục đích lớn nhất của kết quả này không phải để so sánh với bên ngoài đâu mà là để ghi nhận nội bộ.
Do đó, khi doanh thu năm 2018 đạt 16.500 tỷ, lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng, chúng tôi hiểu những việc đã làm nhiều năm qua là đúng. Doanh thu và lợi nhuận suy cho cùng phản chiếu sự đánh giá của khách hàng, cho thấy mình đã giúp được những công ty và các cá nhân như thế nào.
- Thế còn với cổ đông, nhà đầu tư, rất có thể áp lực mới chờ đợi các ông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm nay là Techcombank làm sao giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận cao như hai năm qua. Vậy bài toán này sẽ được giải như thế nào?
- Tôi vẫn nhớ, họp cổ đông 4-5 năm trước, những chất vấn nhận được nhiều nhất luôn là vì sao không chia cổ tức hoặc tại sao không trả cổ tức bằng tiền mặt... Chính nhờ có lợi nhuận giữ lại khi đó mà hai ba năm qua chúng tôi đã tăng được quy mô tổng tài sản, vốn, lợi nhuận các năm sau có thể nói là tăng gần như gấp đôi năm trước. Rõ ràng là sự kiên nhẫn của các cổ đông với chúng tôi đến nay đã được đền đáp.
Năm 2019, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.750 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 13% hoặc cao hơn, tuỳ vào sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước. Cũng như các năm trước, ban điều hành sẽ giải thích để cổ đông hiểu và tin vào kế hoạch và kiên định đồng hành cùng ngân hàng. Techcombank không chỉ chủ trương "cho vay thật nhiều" với những khách hàng lớn mà xác định là ngân hàng phục vụ những nhu cầu tài chính căn bản nhất của người dân và doanh nghiệp.
Tôi tin khi phục vụ tốt, khách hàng sẽ đến, ở lại nhiều hơn, giá trị của ngân hàng trong mắt họ sẽ cao hơn. Đó chính là doanh thu và lợi nhuận.
- Nếu nói về con người, Techcombank từng được nhắc đến trên thị trường với hình ảnh liên tục chảy máu chất xám. Vậy năm nay, Techcombank đã trải qua tháng 3, "mùa di cư" trong lĩnh vực nhân sự, như thế nào?
- Đúng là một trong những vấn đề chúng tôi phải quan tâm nhiều năm qua liên quan tới số lượng người rời bỏ ngân hàng. Nhưng rất may mắn là hai năm trở lại đây, nỗi lo này không còn đau đáu nữa khi số người nghỉ việc, từ các bạn trẻ tới những nhân sự có kinh nghiệm ở vị trí cao ngày một giảm. Năm nay cũng vậy.
Nếu trước đây, Techcombank bị ví là nơi đào tạo hộ "cả làng" thì nay chúng tôi thu hút được rất nhiều nhân sự cấp cao (cả Việt Nam và thế giới) tới. Tôi tin khi hệ thống được đầu tư nhiều hơn và công nghệ được vận hành tốt hơn sẽ giúp giảm áp lực cho các nhân viên hơn.
- Nói tới áp lực của một nhân viên ngân hàng có lẽ đầu tiên phải kể tới chuyện giờ giấc. Rất nhiều nhân viên Techcombank phải ở lại làm đến 8-9h tối. Còn ông, mấy giờ ông về?
- Hầu hết mỗi lần tôi về, thường là sau 9h tối, đi xuống dưới thì thấy chỉ còn hai xe đậu là xe của anh Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh – PV) và tôi.
Nói chung Chủ tịch và CEO về muộn là bình thường nhưng việc nhân viên về muộn có lẽ là lỗi của tôi. Nếu tôi rời văn phòng sớm hơn thì chắc mọi người có thể đứng lên sớm hơn (Cười lớn - PV).
Nói đùa về lý do vậy thôi chứ việc tôi nói "có lỗi" là hoàn toàn nghiêm túc đấy!
Nói cho cùng, cái khó của nghề này là làm sao đừng mất tiền của khách hàng, nên từ các bạn giao dịch viên đến kiểm soát viên hay các vị trí khác, công việc đều khá căng thẳng. Để không xảy ra sơ sót nào thì thời gian làm việc của họ có thể phải kéo dài hơn so với quy định. Do đó, việc của lãnh đạo là làm sao phải hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để giảm tải khối lượng công việc, cho họ về sớm.
Tôi cũng rất ái ngại cho các nhân viên của mình. Mỗi lần đi đến các đơn vị tôi vẫn nói vui với giám đốc, lãnh đạo các chi nhánh, phòng ban là, mấy anh chị phải làm sao thu xếp cho các bạn trẻ được về sớm chứ ngồi ở đây đến 8h tối thì làm sao có người yêu, có gia đình. Nếu có người yêu mà hẹn đi ăn tối, rồi 8 rưỡi 9h tối mới có mặt thì người ta cũng sợ!
- Nếu gặp người yêu, người thân của các nhân viên tan sở muộn, ông sẽ nói gì với họ?
- Trước tiên là phải cảm ơn họ đã hiểu và thông cảm cho các nhân viên của tôi. Ngoài ra, tôi tin sẽ qua rất sớm giai đoạn này thôi, nhất là khi Techcombank đang mạnh mẽ chuyển đổi số với với nhiều thành công bước đầu như hiện nay.
Thực tế hai năm trở lại đây khi Techcombank miễn phí mọi giao dịch online, nghiệp vụ tiền mặt có giảm nhờ số lượng giao dịch điện tử gấp 10 lần hai năm trước. Lượng giao dịch ấy mà phải làm bằng tay thì quả là còn mệt hơn nữa.
- Thực ra nhân viên ngân hàng không chỉ sợ đi làm về muộn, họ còn nhiều nỗi lo khác, ví như trong đó vài năm gần đây đáng kể nhất là những cám dỗ về rủi ro đạo đức, là nỗi ám ảnh vướng vòng lao lý... Ông nói sao về những điều này?
- Để xảy ra những chuyện đáng buồn về rủi ro đạo đức hoặc xấu nhất là câu chuyện vướng lao lý, đương nhiên có lỗi từ chính các nhân viên - những đương sự. Nhưng theo tôi, một phần lỗi rất lớn là từ lãnh đạo các ngân hàng đã không lường trước được những vấn đề này để phòng ngừa.
Rủi ro đạo đức là do hệ thống mập mờ chứ không phải họ cố tình. Lãnh đạo ngân hàng đáng ra cần xây dựng được một hệ thống những rào cản chống rủi ro. Ví dụ, anh bắt nhân viên phải xách xe chạy thật nhanh trên đường đèo gian khó mà không làm đường đàng hoàng cho an toàn, không dạy họ cách phải chạy sao cho đúng, hiệu quả... thì đó là lỗi của lãnh đạo.
Hệ thống cần có khả năng bảo vệ cá nhân. Đương nhiên, sẽ có một số người cố tình gian lận và hệ thống cần hiểu, biết được những người nào có chủ đích như vậy, cơ hội gian lận ở đâu, để chặn lại nhằm bảo vệ cho khách hàng, cho nhân viên, những người liên quan và chính tổ chức đó.
Nhưng may mắn là gần đây những chuyện này tôi cảm thấy ngày một ít lại, một phần do hệ thống ngân hàng với các quy định mới đã minh bạch và được siết chặt hơn.
- Tiền bạc chính là một trong những lý do khiến mọi người dễ sa vào cạm bẫy và đánh mất đạo đức khi làm nghề. Là CEO của ngân hàng, ở vị trí mà nhiều người bên ngoài vẫn nghĩ là chẳng khác gì "ngồi trên núi tiền", ông thấy tiền nhiều để làm gì?
- Nói cho cùng, tiền chỉ là một công cụ, và nó cũng có mặt trái mặt phải. Như một con dao, có thể dùng để gọt xoài trong trường hợp này nhưng cũng được dùng để gây tai nạn ở một bối cảnh khác. Vấn đề đã là công cụ thì người cầm nó phải áp dụng cho đúng. Tự đồng tiền không có ý nghĩa tốt hay xấu mà do con người dùng nó sai mục đích mà thôi.
Còn "tiền nhiều để làm gì" ư, tôi nghĩ mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Với riêng tôi, khi đam mê làm việc thì tiền sẽ gác sang một bên, tôi tin những người giàu có và rất nhiều tiền cũng thế. Bản chất khi tới một mức độ nào đó, tiền nhiều chỉ để gác sang một bên mà thôi.
Lúc ấy, họ làm việc với đam mê không còn là để kiếm được bao nhiêu tiền nữa mà muốn mang lại giá trị gì khác cho xã hội. Nói cách khác, nếu những việc họ làm không vì mang lại giá trị thực sự cho xã hội thì những khoản tiền rất lớn đó đã không đến với họ. Tôi thấy, thường những người gom góp rất nhiều tiền và không chú tâm làm gì đó cho xã hội, chỉ chăm chăm để lại cho con cháu dùng thì chưa hết ba đời cũng tiêu tán hết.
- Nhưng với các bạn trẻ, những người vẫn cần "có thực mới vực được đạo" thì nên làm việc vì điều gì, thưa ông, nếu đó không phải là vì tiền?
- Suy cho cùng, theo tôi với các bạn trẻ, công thức chung nên là chăm chỉ, phấn đấu và làm việc có đam mê.
Tôi thường hay nói các bạn trẻ, nếu mục đích của mình chỉ là đi kiếm tiền thì khá đơn giản. Làm việc để kiếm lý lẽ sống thì có ý nghĩa hơn. Dĩ nhiên, nói "lý lẽ sống" có vẻ hơi xa vời nhưng các bạn cứ để ý, những người thành công và làm ra rất nhiều tiền là do họ làm việc có đam mê và tiền thực ra đến sau những đam mê đó. Ngược lại nếu chỉ làm việc vì tiền thì mình rất dễ bị chi phối vì chăm chăm hướng đến những món tiền nhỏ.
Cái ham muốn, thể hiện giá trị bản thân là điều kiện cần để chúng ta hăng say với công việc. Tương tự ở Techcombank, nếu sau một thời gian ngân hàng không ghi nhận lương thưởng đúng mực thì sẽ mất người tài.
Nhưng đồng thời, tôi sẽ không mất nhân sự giỏi nếu tôi luôn giao cho họ những trách nhiệm với áp lực cao hơn bởi chinh phục điều đó mới thực sự là các nhân viên của tôi muốn.
Là CEO, KPI của tôi có lẽ không phải năm nay chinh phục mốc lợi nhuận nào mà chính là trách nhiệm đưa ra được tầm nhìn cho từng nhân viên và động viên được họ làm tốt. Cần sắp xếp được cho họ làm những việc mà họ muốn nhất để phát triển thêm, đạt mục đích cao hơn. Nếu giao đúng việc, phát triển được những đam mê cho họ thì họ sẽ không cảm thấy áp lực.
Theo VnExpress