Lợi nhuận của chuỗi cửa hàng bán lẻ Watson chiếm tới 22% doanh thu, con số tương tự của Amazon chỉ là 1,35%.
Theo thông tin mới đưa, chuỗi cửa hàng Watson của tỷ phú Lý Gia Thành vừa chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Đây là thông tin rất đáng quan tâm trong lĩnh vực bán lẻ bởi Watson vốn là một cái tên "có số má" trên thị trường.
Trong bối cảnh từ nhiều năm nay, các chuyên gia đều bầy tỏ sự lo ngại rằng các cửa hàng bán lẻ vật lý đã hết thời thì với riêng câu chuyện của Watson, có lẽ họ sẽ phải suy nghĩ lại.
Cửa hàng A. S. Watson & Co được mở đầu tiên vào năm 1841 khi ấy vẫn không được nhiều người chú ý. Kể từ đó cho tới nay đã hơn 100 năm, Watson phát triển thành một gã khổng lồ trong ngành bán lẻ.
Watson hiện có khoảng 6.800 cửa hàng tại 12 quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia… Cách đây không lâu, Watson vừa khai trương cửa hàng thứ 500 tại Thái Lan.
Bên cạnh đó, A.S Watson còn sở hữu các thương hiệu bán lẻ khác như Drogas, Superdrug và Watsons’ Wine với hơn 14.500 cửa hàng tại 24 thị trường khác nhau trên thế giới. Tổng cộng A.S Watson tạo ra doanh thu mỗi năm lên tới trên 19 tỷ USD, sử dụng 140.000 lao động trên toàn cầu.
Tỷ phú Lý Gia Thành hiện đang nằm top 5 người giàu nhất châu Á
Tính ra, cứ sau mỗi 7 giờ trôi qua, A.S Watson Group lại mở thêm một cửa hàng mới. Riêng mảng kinh doanh bán các sản phẩm chăm sóc da và dành cho trẻ em tại Trung Quốc tạo ra mức biên lợi nhuận khổng lồ cho họ khiến ngay cả gã khổng lồ Amazon cũng "nằm mơ" mới có được.
Chia sẻ với tờ SCMP, CEO Malina Ngai tiết lộ rằng A.S Watson đã lên kế hoạch mở thêm 1.300 cửa hàng trong năm 2018, hơn 1/3 trong số đó là ở Trung Quốc. Nhu cầu tại Trung Quốc cao tới nỗi tập đoàn CK Hutchison Holdings - đơn vị chủ quản của chuỗi bán lẻ này chỉ cần chưa đầy 1 năm đã kiếm đủ tiền đã bỏ ra đầu tư vào việc mở cửa hàng tại Trung Quốc.
Sự mở rộng của Watson hoàn toàn trái ngược với quyết định của Marks & Spencer Group khi rút lui khỏi quốc gia đông dân bậc nhất thế giới này cũng như tình trạng ảm đạm mà nhiều thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Burberry đang phải đối mặt.
Lợi nhuận tại mảng kinh doanh ở Trung Quốc của Watson chiếm tới 22% doanh thu vào năm 2016 – mức cao nhất trong tất cả các thị trường mà chuỗi cửa hàng này có mặt. Trong khi đó, con số tương tự của Amazon chỉ là 1,35%.
Để có được thành công như vậy là nhờ cách chọn địa điểm và thuê địa điểm đặt cửa hàng. Watson chọn những khu vực có giao thông đông đúc như ga tàu điện hoặc những con phố sầm uất thay vì trong các trung tâm thương mại đắt đỏ. Điều này giúp công ty giảm được khá nhiều chi phí tại Trung Quốc – nơi chi phí thuê mặt bằng đã trở nên quá đắt đỏ và là nỗi đau đầu với nhiều nhà bán lẻ. Chi phí thuê mặt bằng đã vượt quá khả năng của các hãng bán lẻ để có thể thu hồi vốn đầu tư sau 2 – 3 năm.
Trung Quốc là thị trường tạo ra lợi nhuận cao nhất cho mảng kinh doanh bán lẻ của tỷ phú Lý Gia Thành.
"Những số liệu cho chúng tôi thấy nhu cầu vẫn còn rất cao", Ngai nói.
Tuy nhiên, công ty không chỉ đơn thuần là một chuỗi cửa hàng vật lý và thành công của họ vẫn còn khá khiêm tốn khi so sánh với gã khổng lồ bán lẻ địa phương như Alibaba. Watson lên kế hoạch đầu tư 160 triệu USD trong 3 năm tới để cải thiện các nền tảng công nghệ và phân tích dữ liệu lớn, xây dựng nhà kho mới. Mục tiêu là đưa doanh số bán trực tuyến toàn cầu của công ty tăng trưởng ít nhất 40% một năm trong 3 năm tới.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg,InsideRetail