Chân dung kỹ sư công nghệ đại học Bách Khoa bỏ thành phố về quê trồng chanh, tạo ra sản phẩm trở thành đối thủ lớn của Knorr

17/04/2019 13:57

Từ "hiện tượng" Chanh Việt, đến nay Bến Lức, Long An đã có vùng trồng nguyên liệu chanh không hạt lên đến 1.000 ha.


Từ "hiện tượng" Chanh Việt, đến nay Bến Lức, Long An đã có vùng trồng nguyên liệu chanh không hạt lên đến 1.000 ha.

Vùng đất Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An trước đây vốn là một vùng đất nhiễm phèn, rất khó canh tác các loại cây trồng trong khi diện tích đất lại rộng lớn. Người dân ở đây chủ yếu trồng những loại cây cho năng suất thấp và hiệu quả không cao.

Năm 2012, một kỹ sư 42 tuổi quê Quảng Nam quyết định biến đổi vùng đất phèn và cỏ dại này. Ông là Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Công ty xây dựng Nam Việt. Ông Hiển vốn là một kỹ sư công nghệ của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM.

Sau một thời gian tích lũy đủ tài chính, ban đầu ông Hiển định biến khu đất 30 ha này thành khu nghỉ mát, tuy nhiên sau đó thay đổi sang lập trang trại. Tận dụng lợi thế xây dựng, ông Hiển cho phương tiện, máy móc và nhân công đến để cày xới, khai mương, đắp đường, lên luống,... sẵn sàng biến vùng đất này trở thành vùng trồng chanh không hạt. Từ thời điểm này CTCP Chanh Việt ra đời.

Chân dung kỹ sư công nghệ đại học Bách Khoa bỏ thành phố về quê trồng chanh, tạo ra sản phẩm trở thành đối thủ lớn của Knorr - Ảnh 1.

Trang trại Chanh Việt.

Khi vùng trồng đầu tiên của Chanh Việt hình thành thì chính quyền địa phương cũng đầu tư hạ tầng đường, điện, nước cho cả vùng xung quanh. Từ 30 hecta ban đầu sau gần 10 năm phát triển đến nay diện tích của trang trại Chanh Việt đã mở rộng đến 150 ha, lớn nhất Long An. Từ hiện tượng Chanh Việt, hiện Bến Lức, Long An có vùng trồng nguyên liệu chanh không hạt lên đến 1.000 ha.

Chia sẻ trên Tạp chí Forbes, ông Hiển cho biết mình không có kiến thức về trồng trọt quy mô lớn cũng như công nghiệp thực phẩm do đó ông rất cầu thị hợp tác với các nhà khoa học đển từ đại học Nông Lâm.

Theo đó các giảng viên tại trường là thạc sỹ, tiến sỹ giúp ông nghiên cứu về mẫu đất, không khí, thổ nhưỡng, giống cây phù hợp, cách chăm sóc, năng suất. Các nhà khoa học cũng tư vấn ngay từ đầu cho ông Hiển chuẩn quản lý trang trại Global GAP cũng như quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật.

Hằng năm một số trường Đại học ở Hoa Kỳ đưa sinh viên đến trang trại Chanh Việt tham quan và gửi chuyên gia tinh dầu sang hỗ trợ. Hiện Công ty Chanh Việt đã ký kết nghiên cứu với Chapman University của Hoa Kỳ và Universiti Putra của Malaysia. 

Cây chanh được chọn đưa vào vùng đất phèn Long An bởi ngoài giá trị về sức khỏe như giàu vitamin (C, B1, B2, B3, B6, B9), nhiều khoáng (kali, canxi, sắt, magie, đồng và kẽm) còn chịu được thổ nhưỡng cũng như không bị bấp bênh theo mùa vụ.

Từ những trái chanh chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu của Chanh Việt với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học, giáo sư đầu ngành đã tạo ra những sản phẩm khác biệt trên thị trường, có giá trị dinh dưỡng lẫn bổ trợ sức khỏe như: nước cốt chanh, bột chanh, vỏ chanh sấy, chanh lát sấy, chanh sấy nguyên trái, các loại muối chanh, sốt chanh, tinh dầu chanh…

Chân dung kỹ sư công nghệ đại học Bách Khoa bỏ thành phố về quê trồng chanh, tạo ra sản phẩm trở thành đối thủ lớn của Knorr - Ảnh 2.

Sản phẩm chế biến sâu nhất của Chanh Việt có thể kể đến là bột chanh gia vị. Hàng năm, công ty đưa ra thị trường khoảng 20 tần bột chanh, trở thành đối thủ cạnh tranh với Knorr. Theo Forbes, sản phẩm này được tiêu thụ chính ở các chuỗi nhà hàng, đặc biệt ở những chuỗi lẩu Thái, mì cay, nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...

 Theo ông Hiển trào lưu mì cay nổi lên từ năm 2015 kéo theo nhu cầu về bột chanh. Tuy nhiên nhiều nhà hàng phải đa dạng nguồn cùng vì không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Knorr và là cơ hội mở thị phần rất nhanh của Chanh Việt.

"Giả sử doanh thu từ bột chanh gia vị 1 đồng thì giá tị nước chế biến đem về có thể gấp 10 đồng đó là tính toán khiêm tốn", ông Hiển cho biết. Vị CEO kiêm chủ tịch HĐQT Chanh Việt nhắm tới thị trường nước đóng lon đầy tiềm năng. Hiện công ty này đã cho ra mắt những thức uống kết hợp với chanh như gấc, mãng cầu, sâm linh chi.

Ông Hiển cũng thừa nhận thách thức của Chanh Việt trong thị trường đầy tiềm năng này là thương hiệu. Theo ông điều này là cả hành trình dài và không thể vội vàng và phải từ từ từng bước.

Với vùng nguyên liệu chanh xanh không hạt rộng lớn cho năng suất ổn định, Công ty này không chỉ nhắm đến mục tiêu xuất khẩu chanh tươi mà còn đi vào chế biến chuyên sâu.

Đầu năm 2019, ông Nguyễn Văn Hiển (CEO, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt) nhận định và xác quyết mục tiêu: "Chỉ bằng con đường chế biến chuyên sâu thì mới nâng cao chuỗi giá trị của trái chanh không hạt của Việt Nam, mới giải quyết một phần bài toán khó được mùa mất giá tồn tại nhiều năm qua mà nông dân là người thiệt hại. 

Chỉ có cách chế biến sâu trái chanh tươi thành chế phẩm tinh tế thì giá cả trái chanh mới được ổn định, đời sống người nông dân từ đó mới bớt đi những khó khăn. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tạo ra những sản phẩm độc đáo hữu ích và gắn liền với trách nhiệm xã hội – gắn liền với đời sống người nông dân vất vả trên cánh đồng."


Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ