Cuốn “Nhà đầu tư thông minh” của người thầy Benjamin Graham chính là cảm hứng bất tận cho sự nghiệp của Buffett. Ông đã chọn cuốn sách này lần đầu tiên khi mới 19 tuổi, và triết lý “đầu tư giá trị” đã thay đổi cuộc đời ông.
Vậy cốt lõi triết lý đầu tư theo giá trị gồm những điều cơ bản gì? Theo Graham, việc đầu tư theo giá trị là các hoạt động đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu ít được chú ý trên thị trường do không hấp dẫn các nhà đầu tư và có giá cả thị trường thấp hơn giá trị thật của cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ cổ tức do doanh nghiệp mang lại.
Về mặt hình thức, các cổ phiếu dạng này khởi điểm không được các nhà đầu tư chú ý tới nên nó sẽ dẫn tới việc giá thị trường của cổ phiếu sẽ bị đẩy giảm xuống thấp hơn so với giá trị thật xét về cơ hội và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp phát hành chúng; nhà đầu tư theo giá trị sẽ chớp lấy thời cơ này, dựa trên việc xác định được giá trị thật của cổ phiếu thông qua việc phân tích tài chính, đánh giá doanh nghiệp trong nhiều mối tương quan và đầu tư vào chúng với kỳ vọng về giá trị do doanh nghiệp mang lại (thường là cổ tức) chứ không phải là bằng việc “lướt sóng”, hưởng chênh lệch giá trị thị trường.
Xem xét về lịch sử phát triển của triết lý đầu tư này, lịch sử thị trường chứng khoán đã ghi lại rất nhiều cái tên tầm cỡ thế giới thành công bằng việc áp dụng các triết lý này trong hoạt động đầu tư của họ và cũng chính họ là các minh chứng cho hiệu quả bền vững của triết lý đầu tư này. Trong số họ, có thể kể đến một số các nhà đầu tư thành công nhất như: Warren Buffett, Charlie Munger, Walter Schloss, William J. Ruane, Irving Kahn, Charles Brandes, Mario Gabelli, Bruce Greenwald, Seth Klarman, John Templeman, Joel Greenblatt, Martin J. Whitman, và Max Heine – điểm chung của họ là đều áp dụng một cách sáng tạo các triết lý về đầu tư theo giá trị của Graham trong việc đầu tư. Và như tỷ phú Warren Buffett – người học trò thành công nhất của Graham – đã từng phát biểu: “Đi theo các triết lý của Graham tức là bạn sẽ có được các lợi ích từ sự điên rồ của thị trường hơn là việc bạn là một phần của sự điên rồ đó”.
Thời gian ở New York, Buffett có cơ hội thực hành lý thuyết trên. Buffett đã tiếp thu tinh hoa nhưng đã có sự quan tâm đến việc phát huy nó lên một bước xa hơn nữa. Không giống Graham, ông còn muốn xem xét cả bên ngoài những con số và tập trung vào đội ngũ quản lý của công ty cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm công ty trên thị trường.
Với triết lý đó, Buffet đã quyết định mua Berkshire Hathaway, một xưởng dệt đang sắp đóng cửa. Bắt đầu bằng việc vận dụng thuyết giá trị cổ điển của Braham để sau đó khi việc kinh doanh hé mở những tín hiệu hồi sinh thì nó trở thành những khoản đầu tư chiến lược dài hạn. Nguồn vốn sinh ra từ việc kinh doanh dệt may được sử dụng để thực hiện những khoản đầu tư khác. Cuối cùng, chính cổ phần từ thương vụ ban đầu lại bị những khoản cổ phần khác làm cho lu mờ. Chính vì thế, đến năm 1985, Buffett ngừng kinh doanh dệt may để chuyển sang bảo hiểm nhưng ông vẫn tiếp tục giữ tên công ty đó. Triết lý đầu tư của Buffett dựa trên nguyên tắc chỉ mua cổ phần của những công ty mà ông tin chắc rằng chúng được quản lý tốt và đang bị đánh giá thấp hơn giá trị của nó. Khi mua chứng khoán, ông có xu hướng nắm giữ chúng dường như vô thời hạn. Tất cả những công ty như Coca Cola, American Express và Gillette đều đáp ứng những tiêu chí của ông và được giữ lại trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway trong nhiều năm. Trong nhiều trường hợp, thậm chí ông mua lại toàn bộ công ty nhưng vẫn để ban lãnh đạo công ty tiếp tục điều hành công việc kinh doanh hàng ngày. Một vài công ty nổi tiếng trong danh sách này có See’ Candies, Fruit of the Loom, Dairy Queen, The Pampered Chef và GEICO Auto Insurance.
Bí quyết của Buffett vẫn còn giữ nguyên vẹn đến khi cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ trở nên phổ biến. Thuộc tuýp người kiên định không thích công nghệ mới, Buffett đứng ngoài cuộc chơi những cổ phiếu ngành công nghệ suốt cuối thập niên 90. Giữ vững lập trường và khước từ đầu tư vào những công ty không đảm bảo niềm tin để ông ủy thác, Buffett đã nhận được sự coi thường của những chuyên gia phố Wall và bị nhiều người tẩy chay như một người đã hết thời. Đến khi dấu hiệu suy nhược trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện, hàng loạt vụ nổ bong bóng trong lĩnh vực kinh doanh mạng khiến nhiều chuyên gia trắng tay; trong khi đó, lợi nhuận của Buffett vẫn tăng gấp đôi.
Lại nói đến những bức thư ông gửi cho các cổ đông trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Giá trị to lớn của những bức thư này nằm ở chỗ chúng cho bạn thấy rõ cách suy nghĩ, tư duy của nhà đầu tư trẻ Warrren Buffett lúc khởi sự với khoản tiền ít ỏi – thứ tư duy mà các nhà đầu tư có thể vận dụng để đạt được thành công lâu dài khi họ dấn thân vào thương trường.
Những bức thư toát nên một điều chính yếu, nổi bật nhất trong triết lí đầu tư của Warrren Buffett đó là chiến lược dài hạn, hướng đến giá trị. Đây là điều mà các nhà đầu tư trẻ thường dễ bỏ qua để chạy theo đầu cơ, sử dụng đòn bẩy nợ cao và chú trọng vào ngắn hạn, những điều vốn hiếm khi mang lại hiệu quả lâu dài. Chúng chỉ ra những nguyên tắc vượt thời gian về tính cẩn trọng và kỷ luật, về đầu tư dài hạn, hướng đến giá trị thực sự của công ty và cổ phiếu, những nguyên tắc đã theo ông trong suốt sự nghiệp bắt đầu từ khi còn là một chàng trai trẻ đã giúp ông trở thành nhà đầu tư thành công nhất thế giới.
Ngay từ những ngày đầu sự nghiệp của mình, chàng trai trẻ Warrren Buffett khi đó mới 25 tuổi đã xác định rất rõ những nguyên tắc đầu tư kinh doanh của mình, những nguyên tắc kiên định đã theo ông trong suốt sự nghiệp. Đó là khi ông cùng 4 thành viên của gia đình và 3 người bạn thành lập công ty hợp danh đầu tiên của mình – công ty trách nhiệm hữu hạn Buffett Associates vào năm 1956. Trong buổi họp mặt đầu tiên với các thành viên góp vốn của mình, Buffett đã đưa cho họ vài trang pháp lí về các thỏa thuận hợp danh chính thức trong đó ông không hề nói gì về những gì mà công ty hợp danh này sẽ làm hay thông tin về cổ phần thực tế, tất cả những gì ông tập trung vào là những nguyên tắc cơ bản, những điều mà theo ông là quan trọng hơn nhiều vì đó chính là các triết lí hành động của cả công ty. Ông cũng kiên quyết yêu cầu các thành viên góp vốn phải đồng ý thì họ mới tiến hành. Trong đó có 1 nguyên tắc là những khoản đầu tư của công ty sẽ được chọn lựa dựa trên cơ sở giá trị chứ không dựa theo xu hướng.
Trong những năm sau đó, Buffett chia sẻ hiệu quả làm việc và các hoạt động của mình qua hàng loạt lá thư ông gửi cho các thành viên góp vốn của mình. Ông dùng những lá thư đó làm công cụ giảng dạy nhằm củng cố và bổ sung cho những ý tưởng đằng sau các nguyên tắc cơ bản. Những bức thư này giống như một biên niên sử ghi lại những phương pháp, ý tưởng, lối tư duy và suy nghĩ của Buffett sẽ là những định hướng có giá trị vượt thời gian cho các nhà đầu tư từ những người mới bắt đầu, những nhà đầu tư nghiệp dư cho tới những nhà đầu tư lão luyện.
Ý Nhi
Mời các bạn đón xem các bài đọc kỳ trước tại đây: