Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chàng 9x Hà thành kiếm ngàn đô mỗi tháng nhờ công việc lạ lùng 'ôm giày thiên hạ'

28/07/2018 21:57

Khởi nghiệp với công việc làm sạch giày hàng hiệu, Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1991 đã có thu nhập đáng mơ ước. Điều quan trọng hơn là anh đã có một trải nghiệm thú vị với công việc độc đáo này.

Khởi nghiệp với công việc làm sạch giày hàng hiệu, Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1991 đã có thu nhập đáng mơ ước. Điều quan trọng hơn là anh đã có một trải nghiệm thú vị với công việc độc đáo này.

“Ôm” tiền đi du học chuyển sang kinh doanh

Từng bỏ dở học Đại học vào năm thứ tư bởi cảm thấy “không thích”, đi làm nhiều công việc khác nhau nhưng mãi chưa tìm được lối đi của mình. Đó là bản “profile” về chàng trai Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1991 tại Hà thành.

Nguyễn Trọng Nghĩa, chàng 9x khởi nghiệp bằng công việc lạ lùng: vệ sinh giày hiệu.

Bản thân Nghĩa là một “tín đồ” của giày hiệu. Mỗi lần muốn làm sạch giày, anh đều khá khó khăn. “Mọi thứ đều phải lên google, youtube để mày mò. Vừa làm vừa học hỏi mọi thứ”, Nghĩa kể.

Tự làm sạch giày cho mình, Nghĩa nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng mà lúc đó ở Hà Nội vẫn còn “trống”, chưa có ai tiên phong làm một dịch vụ chuyên làm sạch giày hiệu bài bản như Nghĩa mong muốn.

Từ nhu cầu vệ sinh, trang trí giày hiệu của bản thân, Nghĩa đã mày mò, học hỏi và trở thành ông chủ dịch vụ dù chưa có bằng Đại học "vắt vai".

Cũng thời điểm đó, tháng 5 – 2016, đáng lẽ Nghĩa sẽ lên đường du học nhưng một lần nữa, vì lý do “không thích”, chàng 9x này lại thuyết phục bố mẹ để được ở nhà. Nghĩa muốn dành tiền đi du học để kinh doanh vì đây là sở thích của anh.

Nghĩa đã xin bố mẹ 100 triệu đồng để khởi nghiệp. Số tiền đó được dùng để đầu tư cửa hàng, làm Fanpage, website và đăng ký bảo hộ thương hiệu. Một cửa hàng nhỏ xinh nhưng chứa đựng bao nhiêu hoài bão, tâm huyết của tuổi trẻ.

Vượt qua cú sốc đầu đời

Sau khoảng nửa năm, cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội phát triển rất nhanh, mang lại doanh thu. Nghĩa huy động cổ đông góp vốn và sau 3 tháng, chuỗi ba cửa hàng liên tiếp mở ra.

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” này đã gây ra hệ lụy Nghĩa không tưởng tượng được. Chỉ sau ba tháng hoạt động, chuỗi ba cửa hàng “vỡ” vì không quản lý được. Nghĩa căng thẳng kinh khủng, trong khi bố mẹ thì bảo “hãy từ bỏ công việc này”.

Vệ sinh giày ngay trên chân khách hàng là niềm đam mê của những chàng trai này.

Để duy trì sự sống cho thương hiệu của mình, Nghĩa đã chọn “gánh nợ”, mua lại hết cổ phần. Anh phải làm cùng một lúc hai công việc. Đó là làm công việc ở cửa hàng, đi làm thuê chốn công sở. Cửa hàng vẫn hoạt động nhưng Nghĩa phải thuê người làm. Còn Nghĩa thì đi “cày” thuê để…trả nợ, quên đi cú sốc đầu đời. Anh làm việc hùng hục quên ăn quên ngủ, lên tới 16 tiếng/ ngày.

Sau một năm đi làm thuê, Nghĩa trả hết món nợ 300 triệu đồng. Mọi thứ dần dần ổn định, anh quyết định nghỉ việc để toàn tâm toàn ý với dịch vụ làm sạch giày hiệu của mình.

Sự tò mò của các em nhỏ về công việc vẽ trang trí giày.

Bạn bè ai cũng thắc mắc về công việc “lạ lùng” mà Nghĩa làm hàng ngày. Lúc nào cũng thấy Nghĩa cùng nhân viên “ôm khư khư” những đôi giày của “thiên hạ”.

Nghĩa cho biết ban đầu chưa có quy trình chuẩn “nhận – kiểm tra - làm sạch – kiểm tra - trả giày” cho khách, anh cũng gặp khá nhiều rủi ro. Bởi đây là toàn là những đôi giày đắt tiền, đôi nào rẻ cũng có giá mười mấy triệu đồng. Có đôi giày lên tới cả trăm triệu đồng. Đôi giày trị giá 50 triệu đồng thì “đếm không xuể”.

Khách “cưng” đôi giày hiệu thế nào thì người làm dịch vụ phải cưng gấp đôi, gấp ba lần. Bởi chỉ một sơ xuất không kiểm tra kỹ, phát hiện giày có sẵn vết xước trong lúc nhận hàng là có thể “đền giày như chơi”.

Một trong những pha "cứu giày" ngoạn mục.

Hồi đầu, Nghĩa không nghĩ việc khai báo giá trị giày khi chuyển phát lại quan trọng đến thế. Cho đến một lần, trong lúc chuyển phát giày cho khách, đơn vị chuyển phát làm hỏng giày, Nghĩa phải đền bù cho khách tới 4 triệu đồng. Rồi có khách “bù lu bù loa” bắt đền. Rất nhiều chuyện hỉ nộ ái ố phát sinh từ công việc “spa” giày hiệu khiến Nghĩa mất ăn mất ngủ.

Đôi bốt đã được "lột xác" một cách "thần thánh".

Bằng sự nỗ lực, tỉ mỉ của mình và những bài học kinh doanh đầu đời, sau 2 năm phát triển, cửa hàng của Nghĩa đã có tới 30 nhân viên. Mọi thứ đã có quy trình chuẩn, bài bản nên rất hiếm khi xảy ra sự cố. Và nếu xảy ra sự cố thì đã có chính sách đền bù rõ ràng từ cửa hàng.

Bây giờ, câu hỏi Nghĩa nhận được nhiều nhất là “Cần góp vốn không?”. Tuy nhiên, bài toán đầu tư, tìm cộng sự giờ đã có sự chọn lọc. Con đường đi “không giống ai” này đã giúp Nghĩa vượt qua chính mình, đúng sở thích và có mức thu nhập xứng đáng.

Thu Hà

(Ảnh: NVCC)

Theo Em Đẹp