Khúc Hải Vân là cái tên vô cùng quen thuộc trong cộng đồng những người khiếm thị. Bị dị tật mắt bẩm sinh nhưng tạo hóa không để Hải Vân thua thiệt về nghị lực lẫn tài năng.
Sinh ra trong một gia đình lao động bình thường trong con ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), chàng hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân từng gây ấn tượng bởi một phần mềm dành cho người khiếm thị anh tự mày mò và viết năm 2006. Cái tên hiệp sĩ công nghệ thông tin gắn với Vân từ giải thưởng năm đó. Nhưng những gì mà chàng trai khiếm thị này làm được, không chỉ dừng lại ở đó.
Trải qua đủ nghề, từ việc dạy học cho những người khiếm thị, làm biên tập âm thanh, CTV các dự án trợ giúp xã hội đến việc nghiên cứu sáng lập ra Trung tâm tin học Tia sáng để giúp cho những người khiếm thị như anh có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin. Những dự định, những công việc anh Vân đã làm, chỉ với một lý do giản dị, là làm thế nào để thuận lợi cho mình và cho những người đồng cảnh ngộ với mình. Tất cả những danh hiệu hay sự xưng tụng của bạn bè đối với chàng trai họ Khúc này đều không có ý nghĩa, khi niềm đam mê công nghệ thông tin đã giúp Vân sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa.
Đôi mắt trên những ngón tay
Nhờ công nghệ thông tin, chàng trai trẻ này đã bén duyên với công việc kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo thông qua sự hỗ trợ của người thân và bạn bè. Những việc như chuẩn bị nội dung, kịch bản đều do anh Vân tự làm. Còn ảnh góc quay hay bố cục sắp xếp, mã sản phẩm đều có sự giúp đỡ của vợ anh.
Cũng như bao người khiếm thị khác, anh Vân sử dụng chiếc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm có công cụ hỗ trợ người khiếm thị sử dụng thiết bị để thông báo tất cả các thông tin và phản hồi bằng giọng nói. Đây là phần mềm giúp anh Vân có thể sử dụng các ứng dụng và chức năng của điện thoại như một người bình thường. Từ tin nhắn Facebook, cuộc gọi đến hay bất kì thông báo khác, công cụ sẽ phát giọng nói để anh nghe được nội dung. Chính ứng dụng này đã hỗ trợ anh rất nhiều, đặc biệt là công việc bán hàng online.
Như bao người bán hàng online khác, anh Vân cũng sử dụng điện thoại làm công cụ đắc lực trong công việc. Mỗi lần anh chỉ cần livestream bán hàng từ 5 đến 10 phút, thời gian không nhiều, chủ yếu anh giới thiệu các mặt hàng mình bán.
Nếu khách hàng đặt hàng, anh sẽ kiểm tra trong tin nhắn (tất cả đều được thông báo bằng giọng nói). Việc kiểm tra hàng còn hay không, giá bán của sản phẩm, đóng gói sẽ do vợ anh đảm nhận. Việc vận chuyển hàng thì anh Vân thuê các dịch vụ như grap, now... để thực hiện các giao dịch với khách hàng. Mọi thanh toán sẽ được chuyển qua tài khoản ngân hàng của anh Vân.
Tất cả các giao dịch với đối tác, anh Vân đều thực hiện qua điện thoại. Khi sản phẩm công ty chuyển đến, chị Ánh - vợ anh Vân chính là trợ thủ đắc lực để giúp anh kiểm tra tất cả các mặt hàng, nhận hàng từ phía công ty phân phối.
Để tính doanh thu hàng tháng, anh Vân thực hiện trên chiếc máy tính thân thuộc đã được trang bị bảng hiển thị 14 dòng chữ braille cho người mù. Việc kiểm tra lại độ chính xác sẽ do vợ anh thực hiện.
Bên cạnh việc bán hàng online, anh Vân còn thường xuyên đăng kí tham gia bán hàng tại các hội chợ thương mại nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Nói về cơ duyên ở hiện tại, anh Vân đã có những trải lòng về người bạn đã giúp đỡ mình trong một lần tình cờ gặp lại. Người bạn của anh làm tại một công ty lớn chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu liên quan đến nước tẩy rửa như: Nước giặt, nước rửa tay, nước rửa bát,… Được bạn giới thiệu để anh làm bán hàng online, anh đã suy nghĩ và đồng ý. Lúc đó, anh cũng thấy mình may mắn vì gặp đúng thời điểm các sản phẩm của công ty chưa được phổ biến trên thị trường nội địa. Trước đề xuất về việc sẽ bán sản phẩm trên mạng xã hội với ban lãnh đạo công ty, anh Vân đã nhận được cái gật đầu đồng ý từ phía hội đồng.
Những ngày đầu tiên, đơn hàng chuyển lên Hà Nội chỉ là 8 triệu đồng, anh Vân vô cùng lo lắng vì không biết có thành công hay không và làm thế nào để bán được hàng. Anh gần như đã huy động tất cả các mối quan hệ để giới thiệu sản phẩm. Và anh thực sự cảm thấy may mắn, vì những người bạn này vẫn một lòng chung thủy sử dụng sản phẩm mà mình bán, hơn nữa còn giới thiệu thêm cho anh rất nhiều khách hàng mới.
Những ngày đầu năm 2014, công việc còn gặp nhiều khó khăn. Anh Vân phải nhờ bố mẹ khâu vận chuyển hàng cho khách. Trải qua 1 năm, càng nhiều người biết đến sản phẩm mà anh bán, chính những phản hồi tốt của khách hàng đã giúp anh có thu nhập ngày càng ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu trung bình hàng tháng của anh Vân dao động trên dưới 100 triệu đồng.
Không bỏ cuộc trước những khó khăn trong cuộc sống
Chàng trai khiếm thị không ngại chia sẻ về việc bản thân từng bị phân biệt đối xử khi làm việc cùng những đối tác. “Khi chỉ nói chuyện qua điện thoại, họ khá hài lòng về những đề xuất của tôi, hơn nữa lúc đấy họ không biết tôi bị mù. Tuy nhiên khi gặp trực tiếp, nhiều đối tác bất ngờ, thậm chí họ tỏ ra khá thất vọng và nghĩ rằng tôi không thể làm được việc. Đã có những lúc họ gọi điện cho tôi nhưng lại muốn gặp người thân của tôi để trao đổi công việc. Lúc đó tôi cảm thấy thực sự buồn và thất vọng khi họ có những suy nghĩ rằng tôi bị mù, không đủ khả năng và tư cách làm việc với họ”.
Có những lúc nản lòng, muốn bỏ việc, nhưng anh đã tự nhủ nếu bỏ cuộc chính là tự nhận mình thua cuộc. Sự quyết tâm đã khiến anh Vân thành công trong công việc hiện tại và có một mức thu nhập ổn định từ công việc này.
Nơi anh Vân sống là khu lao động nghèo, khi việc bán hàng online cho thu nhập tốt, anh đã tạo điều kiện để những người hàng xóm có thêm thu nhập, từ những việc đơn giản như: Đóng gói đơn hàng, chuyển hàng đến địa chỉ khách hàng yêu cầu.
“Nhiều người họ vui lắm, vì lần đầu tiên họ được cầm trên tay đồng tiền do chính bản thân làm ra. Lúc ấy tôi cũng thấy vui lây vì giúp đỡ được thêm những người xung quanh”, anh Vân vui vẻ kể.
Xóa tan suy nghĩ người mù không thể bán hàng online
Trong xã hội ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày càng được ưu ái. Tận dụng thế mạnh vốn có, chàng trai khiếm thị đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về mức thu nhập “khủng”.
Anh Vân đã từng được nhiều bạn bè, đối tác hỏi về cách anh bán hàng online như thế nào? Những lúc ấy, anh cảm nhận mọi người nghi ngờ về khả năng của anh. “Họ thường hỏi tôi những câu hỏi như: Một người khiếm thị thì sao có thể nhìn thấy mà bán hàng? Bán hàng thông qua kênh nào? Kiểm tra đơn hàng ra sao? Gửi hàng cho khách như thế nào?... Lúc ấy tôi đã nói rằng tôi bán như những người bình thường và tôi tự tin sẽ bán được sản phẩm”, anh Vân chia sẻ.
“Đối với bán hàng online, đó là cơ duyên, và với tôi đó cũng chính là may mắn. Công việc này mang đến cho tôi thêm niềm vui, thêm nhiều bạn bè. Cũng nhờ đó, tôi có được thu nhập ổn định để chăm sóc cho gia đình”.
Tưởng chừng một người khiếm thị không thể bán hàng online, nhưng với mức thu nhập hiện tại, chàng trai Khúc Hải Vân đã chứng minh được năng lực của mình trong lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, anh chính là tấm gương phản chiếu, xóa tan đi những suy nghĩ về việc người mù không thể bán hàng trên mạng xã hội.
Theo Người đưa tin