Vị CEO Aaron Feuerstein đã từng được ca ngợi như người hùng trong giới kinh doanh thời điểm ấy nhưng sự lụi tàn sau đó khiến không ít người tiếc nuối.
Thảm họa ập đến
Malden Mills Industries được thành lập vào năm 1906, là một nhà sản xuất lông cừu và hàng dệt may tại Lawrence, Massachusetts. Danh tiếng của công ty gắn liền với việc phát minh ra lông cừu tổng hợp nhưng cũng không ít biến cố.
Ngày 11 tháng 12 năm 1995, ngay trước Giáng sinh, hỏa hoạn đã thiêu rụi nhà máy dệt của Malden, là một trong những vụ cháy tồi tệ nhất trong lịch sử thế kỷ 20 tại tiểu bang Massachusetts.
Hình ảnh kinh hoàng từ vụ cháy tại nhà máy Malden Mills năm 1995.
Vào thời điểm trước đó, Malden đã được cấp bằng sáng chế và sản xuất lông cừu tổng hợp Polartec. Công ty là một trong những trung tâm của ngành công nghiệp dệt may Mỹ, sử dụng đến 3.000 lao động.
Quyết định từ một trái tim "nóng"
Chủ sở hữu của Malden Mills là Aaron Feuerstein, lúc ấy đã 70 tuổi. Theo logic kinh doanh thông thường, nhiều người nghĩ vị CEO có thể nhận tiền bảo hiểm và nghỉ hưu hoặc chuyển nhà máy sang thị trường lao động rẻ hơn như hầu hết các công ty trong ngành dệt may đã làm.
Nhưng ông quyết định không đóng cửa nhà máy: "Tôi sẽ không để 3.000 người mất việc khi chỉ còn hai tuần nữa là Giáng sinh rồi."
Ông Aaron Feuerstein
Feuerstein và vợ quyết tâm xây dựng lại nhà máy. Hơn nữa, trong thời gian chờ đợi công ty hoạt động trở lại, ông trả lương cho hơn 1.4000 công nhân đang phải tạm nghỉ việc suốt ba tháng tiếp theo, trang trải bảo hiểm y tế của họ trong 180 ngày. Đồng thời, công cuộc tái thiết cũng đã "ngốn" hết 450 triệu USD.
Khi được hỏi lý do tại sao vị chủ tịch quyết định như vậy thay vì đóng cửa nhà máy và nhận bảo hiểm, ông giải thích rằng mình bị ảnh hưởng bởi triết lý đạo đức của Talmud (Do Thái giáo Rabbinic).
"Tôi phải có trách nhiệm với công nhân, cả cổ áo xanh và cổ áo trắng. Bỏ mặc 3.000 người và khiến các thành phố Lawrence phải chịu thiệt hại là điều không tận tâm. Đối với Phố Wall, chúng tôi có thể chẳng còn giá trị, nhưng tôi có thể nói rằng nó đáng giá hơn nhiều.", ông bộc bạch.
Quyết định đầy lòng trắc ẩn khiến Feuerstein trở thành anh hùng dân tộc vào thời điểm đó. Ông thậm chí được Tổng thống Bill Clinton mời tham dự một hội nghị tại Washington vào tháng sau đó.
Vươn lên từ đống tro tàn, "nở hoa" hay "bế tắc"?
Feuerstein dường như đã làm điều đúng đắn, không chỉ ở khía cạnh con người, mà cả kinh tế. Công nhân được trở lại làm việc, doanh số sản phẩm và năng suất nhân viên đã tăng 40%, giữ chân 95% khách hàng trước kia.
Năm 1996, sau khi đi vào hoạt động bình thường, Feuerstein và vợ được nhận giải thưởng từ Ủy ban Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử cho những nỗ lực đã bỏ ra.
Vị CEO của Malden Mills và vợ.
Đáng tiếc, Feuerstein không thể giữ cho mọi chuyện thuận buồm xuôi gió. Chi phí xây dựng lại nhà máy cao, vượt quá 150 triệu USD so với khoản thanh toán từ bảo hiểm, khiến công ty phải gánh một khoản nợ ngày càng tăng. Trong khi đó, họ chỉ tận dụng được tối đa 25% công suất tối đa.
Chưa kể đến chi phí nhân công tăng cùng sự cạnh tranh gay gắt trong ngành dệt may thời điểm đó, Malden Mills không còn giữ được lợi thế với loại vải mà chính công ty đã phát minh ra.
Kết quả là, Malden Mills tuyên bố phá sản, lần đầu tiên vào năm 2001 sau khi không thể thể thanh toán cho các chủ nợ liên quan đến các cam kết xây dựng lại nhà máy và trả lương. Còn Feuerstein phải từ bỏ vị trí CEO.
Năm 2007, Malden buộc phải đệ đơn phá sản lần thứ hai. Công ty được bán cho Tập đoàn Gordon Brothers có trụ sở tại Boston - với giá 44 triệu USD và đã đổi tên thành Polartec. Số nhân viên chỉ còn lại 800. Đau đớn hơn, Feuerstein mất quyền kiểm soát công ty gia đình (vốn là gia tài của ông nội) và bị sa thải.
Đến 28 tháng 6 năm 2007, công ty vẫn còn nợ lương 1.500 nhân viên với tổng số tiền 1,7 triệu USD.
Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh sự sụp đổ của công ty có bề dày lịch sử hàng trăm năm và cách giải quyết của Feuerstein ngày ấy.
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng điều kiện thị trường là nguyên nhân chính, khi mà mức độ cạnh tranh càng gay gắt cũng như sự nóng lên toàn cầu khiến mùa đông ngắn và bớt lạnh hơn, làm doanh số sụt giảm.
Mặt khác, cũng không ít người đổ lỗi cho chủ nghĩa lý tưởng đạo đức mà vị CEO theo đuổi. Ông đã đưa ra quyết định bằng cả trái tim nóng nhưng thiếu đi cái nhìn thực tế của một chiếc đầu lạnh, không cân đối được chi phí.
Năng suất gia tăng có thể minh chứng cho thành công của Feuerstein trong chiến lược chăm sóc nhân viên. Tuy nhiên, trong một thị trường biến động và khó đoán, lực lượng lao động trung thành hay lý tưởng kinh doanh cao đẹp chỉ là điều kiện cần nhưng không thể đảm bảo cho thành công của doanh nghiệp.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp