Chi gần 200 triệu USD để tiếp quản, một gia đình Trung Quốc đã đẩy thương hiệu xa xỉ châu Âu vào cảnh 'túng quẫn' như thế nào?

17/09/2020 09:46

Baccarat - công ty kinh doanh sản xuất pha lê thủ công cao cấp của Pháp, vẫn đứng vững sau dịch cúm Tây Ban Nha, 2 cuộc chiến tranh thế giới và Cách mạng Pháp năm 1789. Nhưng giờ đây, việc chủ sở hữu người Trung Quốc chứng kiến khối tài sản gần như "bay biến" đã khiến tòa án Pháp đưa nhà sản xuất này liên tiếp bị "đổi chủ".

Cổ đông lớn Coco Chu đã chứng kiến sự thay đổi từ tham gia cùng ngôi sao nhạc rock Lenny Kravitz trong một bữa tiệc của Baccarat Goldfinge tại Paris vào năm 2017 cho đến việc xích mích với các chủ nợ và bị tước tài sản – bao gồm cả căn hộ hàng triệu USD ở Hong Kong.

Baccarat là công ty được niêm yết tại châu Âu, là "chiến trường" giữa công ty gia đình của Coco Chu - Fortune Fountain Capital và các chủ nợ của họ. Nguồn tin thân cận tiết lộ, Fortune Fountain đã rơi vào cảnh nợ nần khi không thể thanh toán các khoản vay và vi phạm luật pháp của Pháp khi làm ngơ trước những đề xuất của chủ nợ về vị trí giám đốc điều hành mới.

Hành trình từ một thương vụ tiềm năng cho đến công ty bị chủ sở hữu "làm ngơ"

Được thành lập tại vùng Lorraine của Pháp, Baccarat là công ty chế tác những món đồ bằng pha lê cho hoàng gia châu Âu và những ngôi sao đến từ Hollywood. Một chiếc ly uống champagne được bán lẻ với giá 300 USD và một chiếc đèn chùm có thể "tiêu tốn" của bạn khoảng 200.000 USD.

Fortune Fountain đã đồng ý mua 88,8% cổ phần trong Baccarat với giá khoảng 164 triệu euro (194 triệu USD) vào năm 2017. Công ty Trung Quốc sau đó đã tìm đến 2 quỹ tín dụng tư nhân Sammasan Capital và Tor Investment Management cho khoản nợ đáng giá hơn 1 nửa giá trị của Baccarat ở mức 200 triệu euro.

Hiện tại, các cổ đông của Fortune Fountain bao gồm Wang Liang Ping và con gái Coco Chu cùng chồng là Jack Sun. Được thành lập vào năm 2017, Fortune Fountain miêu tả các hoạt động của công ty là đầu tư vốn, kinh doanh dịch vụ tài chính và quản lý tài sản – bao gồm việc hỗ trợ cho người siêu giàu nhập cư, du học và sắp xếp các chuyến bay tư nhân.

Mạnh tay chi gần 200 triệu USD để tiếp quản, một gia đình Trung Quốc đã đẩy thương hiệu xa xỉ châu Âu vào cảnh túng quẫn như thế nào? - Ảnh 1.

Lenny Kravitz chụp ảnh cùng Coco Chu (bên phải) trong bữa tiệc năm 2017.

Hoạt động kinh doanh của Fortune Fountain đã trở nên đáng báo động sau khi thương vụ thâu tóm Baccarat được hoàn tất. Công ty này không thể nộp các tài liệu liên quan đến khoản vay vào cuối năm ngoái và sau đó bắt đầu vỡ nợ vào tháng 1. Nguồn tin thân cận tiết lộ với SCMP rằng các chủ nợ đã yêu cầu công ty này phải giải trình và đưa ra biện pháp khắc phục, nhưng không được phản hồi.

Sau đó, một nhân viên mảng thanh lý phá sản được tòa án chỉ định đã chuẩn bị yêu cầu giải thể một chi nhánh của Fortune Fountain tại Hong Kong, sau khi công ty luật Allen & Overy yêu cầu họ chi trả hóa đơn pháp lý trị giá 300.000 USD.

Hiện tại, trang web của Fortune Fountain tại Hong Kong không thể truy cập. Văn phòng của công ty ở thành phố này cũng tối đèn và có 1 bức thư ở lối vào chính thức chưa được mở ra. Bàn ghế bên trong cũng trống trơn và thậm chí không có máy tính.

Những vấn đề về tài chính của Fortune Fountain tại Trung Quốc cũng đang dần hiện rõ. Chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4, Tòa án quận Shanghai Pudong đã đưa công ty này vào danh sách "con nợ không trung thực" (dishonest debtor) vì không tuân thủ ít nhất 7 lần được yêu cầu, chủ yếu là không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, một tòa án tài chính tại Thượng Hải hôm 31/7 đã cấm nhân viên của Fortune Fountain thực hiện mua bán những thương vụ đắt tiền, ví dụ như vé máy bay hoặc cho con đi học ở trường có học phí cao, bởi chi nhánh đại lục của công ty này đã không thanh toán khoản nợ 304,7 triệu CNY (45 triệu USD).

Tại Baccarat, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường cho đến khi đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu đã giảm gần 1/3 xuống còn 52,3 triệu euro so với cùng kỳ năm trước.

Hồi tháng 3, CEO Daniela Riccardi của Baccarat đã từ chức và cổ đông của Fortune Fountain là ông Sun tiếp quản vị trí này. Các chủ nợ của Fortune Fountain không thể phản đối việc Sun đảm nhiệm chức vụ mới vì sẽ vi phạm điều khoản nhân sự chủ chốt trong khoản vay. Nguồn tin thân cận với các chủ nợ cho hay: "Chỉ một vấn đề dù rất nhỏ cũng khiến công ty phải lao đao."

Cuộc họp hội đồng cổ đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9, các chủ nợ sẽ bỏ phiếu chống lại 3 giám đốc điều hành bao gồm ông Sun và thay thế họ bằng 1 đại diện bên chủ nợ, 2 người Pháp trong ngành và chuyên gia tài chính doanh nghiệp. Họ muốn các thành viên hội đồng quản trị mới tìm ra một CEO và lên kế hoạch kinh doanh mới.

Trong nỗ lực để vượt qua những khó khăn do Fortune Fountain mang lại, các nhà cho vay đã tiếp quản một công ty thuộc cấu trúc quyền sở hữu phức tạp của Baccarat – tương tự như búp bê lồng nhau của Nga, trao cho họ kiểm soát 97% quyền biểu quyết trong công ty. Nguồn tin thân cận cho biết, Fortune Fountain đã làm các giám đốc được chủ nợ đề xuất trong nội dung cuộc họp đại hội cổ đông.

Mới đây, Baccarat cho biết một tòa án tại Pháp đã vào cuộc và chỉ định thành viên quản trị tạm thời để đánh giá tình hình tài chính của nhà sản xuất đồ pha lê và những vi phạm luật pháp.

Giờ đây, lợi thế của Fortune Fountain đã không còn khi các chủ nợ thu giữ tài sản thế chấp khi đi vay, bắt đầu từ những tài sản không liên quan đến Baccarat để giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động. Một trong những tài sản như vậy là căn hộ ở Hong Kong của Coco Chu và họ cũng đang chú ý tới khu đất của gia đình này trên đảo St Kitts tại Caribbean.

Trong động thái mạnh mẽ cuối cùng, các chủ nợ có thể hoán đổi nợ lấy cổ phần và nắm quyền kiểm soát Baccarat. Hiện tại, họ sẽ phối hợp với các nhà chức trách và báo cáo lại với tòa án trong thời gian 4 tháng.

Hồi chuông cảnh báo từ những vụ vỡ nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc 

Dẫu vậy, Fortune Fountain chỉ là một trường hợp mới nhất về một công ty Trung Quốc mua tài sản đắt tiền bằng tiền đi vay và hiện đang phải chật vật để tồn tại, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến khả năng tài chính bị cạn kiệt.

Từ năm 2016 đến năm 2018, các công ty Trung Quốc đã mạnh tay chi tiêu cho những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài với tổng giá trị lên đến 411 tỷ USD. Khi Bắc Kinh không cho phép ngân hàng tung ra các khoản vay lãi suất thấp vào năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các công ty cho vay tín dụng tư nhân ở Hong Kong để rót tiền cho những thương vụ của họ - với lãi suất cao hơn.

Mạnh tay chi gần 200 triệu USD để tiếp quản, một gia đình Trung Quốc đã đẩy thương hiệu xa xỉ châu Âu vào cảnh túng quẫn như thế nào? - Ảnh 2.

Đèn chùm và bộ ly pha lê do Baccarat chế tác.

Trong những tuần gần đây, 2 thương vụ thâu tóm lớn của Trung Quốc đã bị nhiều nhà cho vay gây áp lực. Fosun Internationalcủa Trung Quốc đã mất quyền kiểm soát đối với Cirque du Soleilvà tập đoàn có liên quan là HNA cũng phải cắt bỏ cổ phần trong công ty vận chuyển hành lý sân bay Swissport để thanh toán các khoản nợ.

Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu, các cơ quan xếp hạng tín dụng đang rà soát những địa điểm có khả năng tài chính yếu kém trong cấu trúc vốn. Matthew Ginsburg– chủ tịch Fitch Ratings khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho hay: "Bạn có thể nhận thấy tác động nếu 1 cổ đông hoặc 1 công ty liên kết tạo áp lực, ngay cả khi chính xếp hạng của công ty đó không hề ở mức tồi tệ tương đương."

Sau khi ChemChina đang "ôm" khoản nợ 44 tỷ USD thâu tóm công ty nông nghiệp Syngenta vào năm 2017, các nhà phân tích lo ngại rằng tài sản của công ty có trụ sở tại Basel có thể không được chủ sở hữu mới bảo vệ. Các nhà phân tích của cơ quan xếp hạng Moody’s cho biết vào tháng 1: "Mức nợ cao tại ChemChina là một yếu tố hạn chế đối với xếp hạng của Syngenta."

Ở một vụ việc khác, hãng thời trang Shandong Ruyi– có trụ sở tại Tế Ninh (Trung Quốc), với kỳ vọng trở thành LVMH của Trung Quốc, đang tranh cãi với các chủ nợ về việc bán cổ phần trong nhà máy dệt Lycra trong vòng 1 năm, sau khi thực hiện thương vụ thâu tóm. Moody’s trước đó đã hạ tín nhiệm của Lycra, một phần do cuộc khủng hoảng tài chính mà Shandong Ruyi gặp phải.

Các quỹ hưu trí cho đến các công ty bảo hiểm đã và đang rót vốn vào những quỹ tín dụng tư nhân, nhằm nỗ lực kiếm thêm lợi nhuận trong môi trường lãi suất thấp hoặc bằng 0. Các quỹ tín dụng tư nhân thường yêu cầu mức lãi suất cao hơn mức vay trung bình từ 3-5% so với khoản vay từ ngân hàng thương mại, tương đương với rủi ro mà họ phải chịu.

Theo Tổ Quốc