Lũ lụt đã giết chết ít nhất 20 người khi cơn bão Ida tràn đến New York, New Jersey và Pennsylvania vào đêm 1/9. Trước đó, khi quét qua Louisiana, Mississippi và Alabama, nó đã cướp đi sinh mạng 13 người, làm mất điện trên diện rộng, khiến cuộc sống của hàng triệu người gặp khó khăn.
Sau khi cơn bão đi qua, New York đối mặt với những câu hỏi về việc vì sao thành phố này vẫn "thất thủ" dù được đầu tư lớn về mặt công nghệ.
Đầu tư hàng tỷ USD
Từ năm 2014, tức 2 năm sau khi siêu bão Sandy quét ngang và gây hậu quả nặng nề, các nhà khoa học đã dùng siêu máy tính để mô phỏng các cơn bão xảy ra trong tương lai, đồng thời tìm cách giúp New York chống lại thảm họa tự nhiên.
Có nhiều giải pháp được đề xuất, bao gồm tăng cường hệ thống đê chắn sóng khổng lồ, thay đổi cách thức xây dựng các kiến trúc nội ô, bổ sung những công trình có khả năng chống ngập và điều tiết nước.
Năm 2017, New York hoàn thành việc xây dựng Hunter's Point South Waterfront Park ở Long Island City, Queens. Đây là một công viên ven sông, hình thành trên nền khu công nghiệp cũ.
Ngoài việc mang lại không gian thư giãn cho cư dân, Waterfront Park còn đóng vai trò điều tiết nước, hạn chế ngập lụt cho thành phố. Bên trong, nó có một đầm lầy nhân tạo chứa đầy cỏ, có tác dụng hấp thu nước khi bão và thủy triều dâng gây ngập. Các bức tường bê tông ngăn dòng chảy mạnh, bảo vệ khu vực lân cận.
Trả lời phỏng vấn MIT Technology Review năm 2019, bà Jainey Bavishi, Giám đốc cơ quan Phục hồi và Khả năng tái thiết New York cho biết thành phố đang chi 20 tỷ USD cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Trong đó, những dự án quan trọng gồm trồng nhiều cây xanh hơn, gia tăng bề mặt phản quang, nâng cao nền của các khu vực thấp, nghiên cứu vật liệu xây dựng mới và phát triển hệ thống cảm biến để tăng cường giám sát môi trường theo thời gian thực.
Theo New York Times, nguy cơ lũ lụt trong tương lai cũng thay đổi cách thiết kế các tòa nhà trong thành phố. Chẳng hạn, những căn hộ áp mái trên tầng cao nhất được thay bằng nơi chứa máy phát điện khẩn cấp, có thể cung cấp đủ điện cho cư dân bên trong khoảng một tuần. Hệ thống thoát nước đặc biệt dẫn nước đi trong nền móng và tầng trệt của các tòa được xây dựng bằng vật liệu có thể chịu được lũ lụt.
Công nghệ không theo kịp biến đổi khí hậu
“Vấn đề ở đây là chúng ta đang thấy những tác động, nhưng các cơn bão thay đổi nhanh hơn, việc thích ứng không theo kịp”, Lauren McPhillips, chuyên gia thủy văn tại Đại học Penn State, người nghiên cứu về ngập lụt đô thị cho biết.
Theo MIT Technology Review, lượng mưa hơn 76 mm kéo dài trong vòng 1h, trút xuống Công viên Trung tâm của New York đã khiến khu vực xung quanh ngập sâu, biến các con phố thành sông và bậc thang tàu điện ngầm thành thác nước.
Tất cả điều này xảy ra, bất chấp việc New York đã chi hàng tỷ USD cho các công nghệ hiện đại, cải thiện khả năng phòng tránh lũ lụt sau siêu bão Sandy năm 2012.
Các cơn bão cực đoan đang trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu. Lượng mưa nó mang theo ngày càng lớn. Trong thời gian tới, tình trạng này sẽ tiếp tục nghiêm trọng.
Các thành phố lớn còn rất nhiều việc phải chuẩn bị, đề phòng mối đe dọa tiềm ẩn từ lũ quét và triều cường. Việc thích nghi đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc, thậm chí tốn hàng trăm tỷ USD.
McPhillips nói rằng New York có tư duy tương đối tiến bộ khi chuẩn bị cho lũ lụt. Nhiều năm qua, sau cơn bão lịch sử Sandy, thành phố đã đưa vào các kiến trúc dễ thấm hơn, như mái nhà xanh và vườn mưa, đồng thời nâng cấp máy bơm và đường ống thoát nước.
“Chúng tôi đã học được rất nhiều từ Sandy”, Thống đốc New York, Kathy Hochul cho biết trong một cuộc họp báo cơn bão. Ông nói rằng chính quyền đã chuẩn bị kịch bản khôi phục sau thiên tai, đê biển có sức chống chịu tốt hơn trước, tuy nhiên, vấn đề ngập lụt đô thị vẫn còn là điểm yếu.
Mặt trái của đô thị hóa
Sandy đã gây ra một trận triều cường dữ dội, khiến cho nước biển tràn vào thành phố. Đến lượt Ida, siêu bão này trút mưa xuống khu vực bên trong nội ô, khiến cho các hàng rào chắn ven biển trở nên vô dụng.
New York và các khu vực ven biển khác dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, nhưng bất kỳ đô thị nào cũng có thể trải qua lũ lụt do mưa gây ra.
“Cách chúng ta phát triển thành phố New York đã gây ra vấn đề lũ lụt”, Timon McPhearson, một nhà nghiên cứu về khả năng chống chịu với khí hậu đô thị tại New School, đồng thời là thành viên của Ủy ban Biến đổi Khí hậu New York cho biết.
Các bề mặt không thấm như bê tông khiến nước đổ xuống các cống thoát nhanh thay vì ngấm vào đất như ở đồng cỏ hoặc rừng. Khi lượng nước bề mặt đủ lớn, nó sẽ tạo ra thảm họa chết người.
Với ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu như McPhearson, New York đã lên kế hoạch cải thiện khả năng phòng thủ trước lũ lụt do bão gây ra.
Theo MIT Technology Review, kế hoạch ứng phó với nước mưa được phát hành vào tháng 5, bao gồm đánh giá khả năng xảy ra lũ lụt trên toàn thành phố, đề xuất những giải pháp khác nhau, từ nâng cao hiểu biết về rủi ro lũ lụt, đến các kỹ thuật như tạo nhiều mái nhà xanh và vườn mưa hơn.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường New York có kế hoạch thí điểm tại một khu vực thường xuyên bị ngập lụt ở Queens, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng như lối đi bộ trong công viên có thể ngập nước, sân bóng rổ thiết kế để giữ nước trong trận lụt lớn.
“Chúng ta cần thiết kế lại thành phố theo đúng nghĩa đen để giải quyết vấn đề”, McPhearson đánh giá. Ông cho rằng sẽ tốn rất nhiều nguồn lực và quyết tâm để thực hiện kế hoạch này. Việc tập hợp hàng tỷ USD cùng với sự thống nhất ý kiến là trở ngại lớn.
Các giải pháp kỹ thuật có thể giúp giảm thiểu một số tác hại do lũ lụt gây ra ở các thành phố. Tuy nhiên, hiện tại, những kế hoạch này đang tiến triển chậm chạp, hàng triệu người sẽ vẫn gặp nguy hiểm khi biến đổi khí hậu diễn ra trước mắt.
Theo MIT Technology Review