Chiếc bánh mỳ ở sân bay

22/07/2020 00:00

Đáng tiếc, một lần nữa, khi mà người ta cần thì các dịch vụ quay ra bắt chẹt.

Đáng tiếc, một lần nữa, khi mà người ta cần thì các dịch vụ quay ra bắt chẹt.

Tất cả nhà hàng phục vụ ăn uống nhiều thời điểm đều không còn chỗ trống (Ảnh: Zingnews)

Từ đầu tháng 7, sân bay Nội Bài ngừng hoạt động một đường băng để tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Điều này tất yếu khiến tần suất cất máy bay hạ cánh tại Nội Bài giảm từ 32 xuống còn 27 chuyến mỗi giờ. Cũng tất yếu, lượng hành khách ở nhà chờ tăng vọt, bởi dồn chuyến, bởi delay...

Chỗ ngồi không đủ, hành khách ngồi bệt xuống đất, la liệt khắp nơi. Có những chuyến bay rời lại đến 2-3 tiếng đồng hồ. Mệt mỏi, đói khát, có cả phụ nữ cả trẻ em. Không phải ai cũng bay hạng thương gia để vào Lounge sang trọng, nên các kios phục vụ ăn uống tại sân bay trở thành giải pháp duy nhất.

Đáng tiếc, một lần nữa, khi mà người ta cần thì các dịch vụ quay ra bắt chẹt.

Cũng tương tự như một quả dừa ở Sầm Sơn từng có giá 100 nghìn đồng.

Cũng tương tự như một đĩa cơm rang ở Chùa Hương từng có giá 200 nghìn đồng.

Cũng tương tự như công lau 1 chiếc bugi cho xe bị chết máy khi đi qua chỗ ngập ở HN hay SG là 50 nghìn đồng.

Thì chiếc bánh mì thịt ở Nội Bài giờ có giá tới 70.000 đồng - gấp 3 đến 4 lần bình thường. Bát phở đầy đặn có giá 90.000 đồng – cũng gấp 3 bát phở trên phố (nếu muốn thì quý khách có thể trả 150.000 càng tốt). Và đồ uống, tối thiểu 40.000 đồng - đắt gấp đôi.

Còn nhớ một cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng vi hành đến Nội Bài, dựng tóc gáy với giá dịch vụ ăn uống trên trời ở đây. Sau đó, Bộ trưởng ra lệnh, phở bán ở sân bay không được quá 50.000 đồng/bát. Và đúng là như thế, bát phở ở sân bay suốt mấy năm trời không quá 50.000 đồng hoặc 2,5 đô la. Hơi buồn-cười một chút, là sau đó thì dần dần “người ta” vẫn chỉnh giá các loại đồ khác lên cao vút, chỉ riêng bát phở là không tăng giá.

Dẫu vậy, bây giờ thì phở sân bay cũng chẳng giữ được giá sàn nữa. Cốc cà phê cũng vậy, chai nước suối cũng thế, cái bánh sandwich mỏng tang cũng thế. Và chiếc bánh mì thịt - một biểu tượng của sự ngon, bổ, rẻ từ Bắc chí Nam – cũng leo lên gấp 3 lần. Vẫn biết giá dịch vụ ở sân bay thì phải cao hơn bình thường vì nhiều loại chi phí, nhưng cao vọt lên như thế có hợp lý không, và có thực sự cần thu lãi từ nguồn ấy không, ở thời điểm này?

Tôi nhìn những gương mặt mệt mỏi trong nhà chờ, nghĩ tới những lời mời gọi đường mật của ngành du lịch, của các hãng hàng không mới hồi tháng 3, tháng 4 đây thôi, để kêu gọi mọi người sử dụng dịch vụ. Đang là mùa hè, mùa nóng nực, mùa nghỉ hè của học sinh/ sinh viên, đa số những người di chuyển bây giờ là đi du lịch.

Vé máy bay đã dần bớt rẻ đi khi nhận ra lượng khách nội địa không thể bay ra nước ngoài và chỉ có thể mua vé các hãng trong nước chính là một miếng bánh khổng lồ. Giá phòng khách sạn, resort, homestay... cũng bắt đầu tăng cao, khi mà chẳng hạn như TP.Hạ Long cuối tuần qua có cả trăm nghìn lượt khách đổ về.

Và những dịch vụ ăn uống ở sân bay, cũng tăng giá.

Đấy không phải là sự hợp tác, đấy là sự lợi dụng. Ngay từ nơi xuất phát, ngành hàng không đã vội vàng quay lưng, vội vàng bóp nặn những thượng đế của mình - những người cũng đang rất khó khăn về kinh tế. Cung cách ấy, rồi bảo ngành du lịch phục hồi ra sao?

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, cho đến thời điểm này của năm nay con số đó có thể chưa bằng 1/10. Nhưng lượng du khách nội địa sẽ tăng bù lại. Vấn đề là đừng xem khách hàng là những con gà, chỉ nuôi lăm lăm để... thịt.

Thậm chí thay vì tăng giá, lẽ ra nên giảm giá. Thay vì bán 1 chiếc bánh mì với giá gấp 3 lần, nên có những cốc nước miễn phí, hoặc dịch vụ bán mỳ ly kèm nước sôi tự phục vụ cho mọi người (như ở sân bay Thái Lan). Đấy mới là cái nhìn lâu dài, khôn ngoan của người kinh doanh, cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với những người đồng bào của mình.

Phạm Gia Hiền

Theo Ngày Nay

Bạn đang đọc bài viết "Chiếc bánh mỳ ở sân bay" tại chuyên mục Tiêu điểm.