Sau 4 năm, mục tiêu xuất khẩu của Công ty Seedcom đang dần hình thành thông qua các thương vụ đầu tư. Thành lập vào năm 2014, khi ông Đinh Anh Huân rời khỏi vị trí điều hành của Thế Giới Di Động, Seedcom hoạt động theo mô hình Venture Builder hay cách gọi khác là Company Builder (tạm dịch: Kiến tạo doanh nghiệp) và chỉ đầu tư vào các công ty bán lẻ hoặc phục vụ bán lẻ.
Đội hình 5 mũi nhọn
Sau thời gian đàm phán, hãng thời trang nội địa Hnoss đã chính thức trở thành thành viên của Seedcom. Không chia sẻ nhiều về thương vụ cũng như kế hoạch phát triển, nhưng không khó để hiểu con đường tiếp theo của Hnoss sẽ không khác các công ty bán lẻ dưới bàn tay của Seedcom: đầu tư công nghệ và phát triển chuỗi cửa hàng.
Cùng với Juno, Hnoss là hai thương hiệu trực thuộc nhánh thời trang của Seedcom. Bốn nhánh còn lại được công ty phân bổ cụ thể như sau: công nghệ hỗ trợ kinh doanh Haravan, hậu cần Scommerce, bán lẻ The Coffee House, Ten Ren và sản xuất dịch vụ Cầu Đất Farm. Tham vọng của Seedcom rất lớn khi đầu tư các công ty theo mô hình bán lẻ hoặc cung cấp giải pháp cho bán lẻ. Theo BMI, tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 10% trong giai đoạn 2012-2017.
Khác với các quỹ đầu tư tài chính thông thường, các công ty hoạt động theo mô hình Người kiến tạo doanh nghiệp như Seedcom tham gia tích cực vào việc xây dựng và vận hành các công ty nằm trong danh mục đầu tư, vì họ có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong khởi nghiệp. Rủi ro thất bại vì thế cũng được hạn chế phần nào.
Thật khó có thể so sánh cách làm của Seedcom hiện nay là hiệu quả hay không vì gần như không có doanh nghiệp nào ở Việt Nam hoạt động theo mô hình của họ. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng cho rằng Seedcom đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất khi phải đầu tư vốn và nguồn lực đồng thời cho các ngành mũi nhọn trong 2 năm đầu.
“Trừ Hnoss, tất cả các doanh nghiệp còn lại của Seedcom đều đi vào ổn định”, ông Nguyễn Hoành Tiến, Giám đốc Vận hành Seedcom, chia sẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, các công ty của Seedcom đều có vị trí nhất định trên thị trường. Juno hiện có hơn 80 cửa hàng và là 1 trong 2 thương hiệu giày nữ có độ phủ nhiều nhất Việt Nam.
The Coffee House cùng đối tác nhượng quyền Ten Ren cũng nằm trong top 3 chuỗi cà phê có độ phủ nhất nhì cả nước. Tháng 3 năm ngoái, đơn vị này mua lại mảng sản xuất cà phê của Cầu Đất Farm chính thức tham gia vào mảng sản xuất và là một trong số ít các doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia từ công đoạn sản xuất đến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp.
c công nghệ, năm ngoái, Haravan là đơn vị cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến cho hơn 20.000 doanh nghiệp trả phí hằng năm, trong số này có các doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán như Vinamilk, Thiên Long… Về phần mình, Scommerce là đơn vị hậu cần có dịch vụ đa dạng nhất thị trường hiện nay như Giao Hàng Nhanh (mô hình giao hàng truyền thống tương tự Viettel Post, VNPost), Ahamove (tương tự Grab giao hàng), Lala Food (tương tự Grab Food) và Gido (giao hàng xuyên biên giới). Mặc dù đầu tư 5 ngành riêng biệt, nhưng dưới con mắt của những người điều hành Seedcom, từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm hình thành và đến tay người tiêu dùng đều có sự hiện diện của họ.
Haravan cung cấp giải pháp công nghệ bán hàng cho hơn 20.000 doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa |
“Giả sử bạn đặt một tách cà phê ở The Coffee House, đơn hàng được tính bằng iPOS, giao hàng tận nơi bằng Ahamove và quản lý thông tin khách hàng sẽ là Haravan”, ông Tiến ví dụ. Nhóm khách hàng Seedcom phục vụ là những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, có khả năng tiếp cận công nghệ tốt. Theo dự báo của World Bank, Việt Nam với lực lượng dân số trẻ, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu, dự kiến đạt mốc 33 triệu người trong năm 2022.
Yếu tố Trung Quốc
Thời điểm Seedcom hình thành, các website thương mại điện tử vẫn vừa đổ rất nhiều tiền quảng cáo thu hút người sử dụng vừa xây dựng hạ tầng giao nhận ở Việt Nam. Lazada khi đó vẫn chưa thuộc về Alibaba (Trung Quốc) và Shopee vẫn còn là dự án trên giấy của Sea (đơn vị nhận tiền đầu tư từ công ty Tencent của Trung Quốc).
Chỉ trong 4 năm, mọi chuyện đã thay đổi đến mức chóng mặt. 2/3 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cũng như doanh thu phát sinh lớn nhất Việt Nam hiện nay đều có vốn đầu tư từ các công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Thống kê chưa kiểm chứng cho thấy, thị phần hàng hóa phát sinh từ các sàn thương mại điện tử chiếm 30% (năm 2017 là 24%) tổng thị trường hàng hóa trực tuyến. Nhóm các nhà bán lẻ trực tiếp (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa) đến khách hàng dù đang chiếm 70% nhưng đang giảm dần qua từng năm.
Trong thời gian tới, các sàn sẽ tiếp tục gia tăng thị phần bằng các chiến dịch khuyến mãi, trợ giá lớn. Nhưng do mục tiêu chính của nhóm này là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất (ở đây là nhà sản xuất Trung Quốc) đến người tiêu dùng nên có thể nói việc mở rộng là không có lợi cho nhóm bán lẻ trong nước.
Theo ông Hoàng Giang, sáng lập TopShip, đơn vị cung cấp giải pháp phân phối trực tuyến, giá hàng hóa trên Taobao (vốn rẻ hơn Việt Nam khoảng 30%) và Lazada Việt Nam tương đương nhau, phí giao hàng 30.000 đồng. Nếu các nhà cung cấp lớn như 1688 tham gia trong thời gian tới, ngoại trừ các nhà phân phối độc quyền, các nhà bán lẻ nhỏ trong nước rất khó có thể cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, mua hàng trực tuyến là xu hướng không cưỡng lại được. Hành vi mua sắm của khách hàng trong nước đã thay đổi rất nhiều trong 4 năm qua: từ ngại mua hàng trực tuyến cho đến xem đó là trải nghiệm hằng ngày. Năm 2017 là năm đầu tiên thời gian giao hàng nội thành được rút ngắn trong vài tiếng.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ như Grab, Zalo, Go-Viet… đang thúc đẩy thói quen tiêu dùng mới thông qua các siêu ứng dụng (khái niệm một ứng dụng có thể đặt nhiều sản phẩm/ dịch vụ khác nhau). Nói cách khác, các nhãn hàng đem lại ít trải nghiệm công nghệ, ít tiện lợi hơn sẽ bị bỏ lại trong cuộc chiến hiện nay. Rất khó có thể xác định hành vi tiêu dùng của khách hàng ngày nay. “Bạn không thể bắt khách hàng mua trực tuyến hay chỉ đến cửa hàng, chỉ có thể bám theo nhu cầu của họ mà thôi”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Điều hành Juno, nói.
Trong chiến lược New Retail, Seedcom đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp trong nước thích nghi với sự thay đổi này. Và Công ty xây dựng giải pháp dựa trên kinh nghiệm của các đơn vị bán lẻ như Juno, The Coffee House. Công nghệ là yếu tố xuyên suốt ở các công ty Seedcom đầu tư. Thông qua đó, Công ty có thể tiếp xúc lượng khách hàng lớn, phân tích dữ liệu các chiến dịch quảng cáo, tại các cửa hàng đến các tổng đài chăm sóc khách hàng để đưa ra các sản phẩm nhanh với giá cả cạnh tranh.
Juno là một điển hình, nhờ ứng dụng công nghệ, công ty này có thể đưa ra thị trường hơn 30 mẫu giày và túi xách mỗi tháng, thời gian quay vòng mỗi mặt hàng là 3 tháng hoặc ít hơn. Nhờ dự đoán được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ từ dữ liệu trong hệ thống, năm 2017, Juno tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đặt hàng nguyên liệu so với năm 2016 dù sản lượng bán ra cao hơn. Kết thúc năm 2017, đơn vị này công bố bán ra 2,5 triệu sản phẩm, doanh thu công bố đạt 400 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Mới đây, Haravan bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực quảng cáo bằng cách hợp tác với Google, Facebook. Haravan hiện đã cung cấp một nền tảng quản lý tự động trên Google dành cho những người bán hàng. Theo ông Huỳnh Lâm Hồ, nhà sáng lập Haravan, chiến lược này nhằm giúp việc quảng cáo dễ dàng hơn và theo thời gian, hệ thống sẽ tự học và đề xuất các phương án quảng cáo hiệu quả cho doanh nghiệp. “Một trong những lợi thế của Haravan là nơi sản xuất công nghệ cho các doanh nghiệp bán lẻ của Seedcom, điều này giúp Công ty hiểu sâu về lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp”, ông Hồ nói.
Vươn nhánh ra bên ngoài
Nhưng điều đó vẫn chưa mang đủ ý nghĩa về chiến lược New Retail của Seedcom. Trên thực tế, mục tiêu cuối cùng của Seedcom là đưa hàng Việt Nam xuất khẩu. Trước khi thành lập Công ty, ông Đinh Anh Huân đã tuyên bố rằng nếu không xuất khẩu, sẽ khó có thể tồn tại. Chẳng hạn, mục tiêu của Juno trong 5 năm tới là mở 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất của Juno là xuất khẩu. Hiện giá thành sản xuất giày của đơn vị này đang rẻ hơn một nửa so với một số doanh nghiệp trong khu vực. Tương tự là câu chuyện của Cầu Đất Farm, vốn xuất thân là nhà máy sản xuất trà từ năm 1927 ở Đà Lạt. Ông Huân chia sẻ, giá 1kg trà ở Đà Lạt chỉ có 1USD, trong khi của Malaysia đắt gấp 30 lần dù chất lượng sản phẩm là như nhau...
“Ai cũng nghĩ rằng hàng Trung Quốc rẻ là do họ dư thừa sản xuất, nhưng ít ai biết rằng đó là do chuỗi cung ứng của họ rất hiệu quả”, ông Nguyễn Hoành Tiến giải thích. Một câu chuyện vui được chia sẻ bởi tài khoản Facebook Tony Buổi sáng rằng một công ty nước ngoài đặt gia công món thực phẩm đóng hộp tới 3 công ty là Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Một giờ sau, phía Thái Lan phản hồi làm được. Công ty Trung Quốc cũng mất chừng ấy thời gian kèm theo các tùy chọn khẩu vị khác và thậm chí là đang đăng bán trên website Alibaba. Riêng công ty Việt Nam vẫn im lặng.
The Coffee House đóng góp khoảng 1 triệu USD lợi nhuận của Seedcom. Ảnh: Quý Hòa |
Với văn phong hài hước, câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên Facebook nhưng rất ít ai đặt câu hỏi vì sao công ty Thái Lan, Trung Quốc có thể phản hồi trong thời gian ngắn, thậm chí có thể thêm các khẩu vị khác nhau. Theo ông Tiến, đó là sức mạnh chuỗi cung ứng, thông qua việc số hóa đồng các nhà cung cấp có thể biết được nguồn hàng trong kho còn bao nhiêu, có thể tính được được giá thành sản phẩm.
Yếu tố thành công của Trung Quốc trong xuất khẩu là do quốc gia này đã số hóa toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu, tích hợp họ vào chuỗi cung ứng và phân phối toàn cầu thông qua hình thức thương mại điện tử. Đồng quan điểm, ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú, cho rằng đối với các công ty xuất khẩu, quản lý hàng tồn kho đóng vai trò rất quan trọng để tính toán giá thành. Bằng công nghệ, Minh Phú đã vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong thời điểm thị trường xuất khẩu khó khăn nhất.
Nhưng thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điều này. Minh chứng là doanh thu mảng IaaS (Infrastructure as a service - hay còn gọi là hạ tầng như một dịch vụ - được sử dụng như một thước đo phản ánh khả năng số hóa của các doanh nghiệp tại một quốc gia) vẫn còn rất thấp so với các nước trong cùng khu vực.
Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, doanh số dịch vụ hạ tầng IaaS của Việt Nam năm 2017 là 31,2 triệu USD, dự kiến sẽ đạt 100 triệu USD vào năm 2020. Thái Lan, quốc gia có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường Việt Nam, hiện có doanh số năm 2017 là hơn 100 triệu USD. Dự kiến, quy mô IaaS của Thái Lan sẽ đạt hơn 270 triệu USD vào năm 2020. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay chỉ xếp trên Lào và Campuchia.
Seedcom kỳ vọng có thể thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp trong nước, cả 5 mũi nhọn của công ty được xây dựng phục vụ cho mục đích đó. The ông Tiến, nếu như Scommerce, Haravan cung cấp giải pháp số hóa việc quản lý kinh doanh, giao nhận cho người bán hàng thì những cái tên như Juno, Hnoss, The Coffee House sẽ đảm nhiệm việc số hóa ở đầu các doanh nghiệp sản xuất. Một số nguồn tin cho biết bản thân Seedcom cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu ở Canada, Úc và Trung Quốc. Ông Tiến từ chối bình luận về kế hoạch cụ thể nhưng khẳng định xuất khẩu là mục tiêu của các doanh nghiệp trực thuộc Seedcom. “Đơn giản vì nếu bản thân các doanh nghiệp chúng tôi không xuất khẩu được thì đừng nghĩ đến việc thuyết phục các doanh nghiệp trong nước”, ông Tiến khẳng định.
Theo Công Sang/NCDT