Đầu tháng 12.2017, trên trang Facebook cá nhân của Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch công ty công nghệ NextTech đăng thông tin tìm kiếm quản lý cấp cao cho một sản phẩm tài chính trực tuyến mới của công ty này. Đưa sản phẩm vào vận hành từ đầu năm 2017, đến cuối năm, Bình bắt đầu làm truyền thông và tổ chức tìm kiếm nhân sự cho Vaymuon.vn, ứng dụng cho vay ngang hàng (Peer-2-Peer Lending) kết nối giữa những người có nhu cầu vay tiêu dùng với người cho vay. Mặc dù mảng cho vay tiêu dùng vẫn chịu nhiều ràng buộc về chính sách của ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, Bình chọn cách đi khác. “Chúng tôi làm công khai, minh bạch và đàng hoàng. Chúng tôi không kinh doanh tiền tệ mà là sàn giao dịch, nơi người cần vay đến thì Vaymuon sẽ xem xét và giới thiệu đến những người cho vay, họ thích thì họ giải ngân,” doanh nhân 37 tuổi này giải thích.
Vaymuon là tên tuổi mới thuộc nhóm tài chính của NextTech, công ty xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử bao gồm 20 công ty thành viên. Hoạt động theo mô hình Venture Builder, NextTech có ba mảng hoạt động chính gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và có văn phòng ở bảy quốc gia trên thế giới. Công ty này công bố tổng giá trị giao dịch năm 2017 đạt 500 triệu đô la Mỹ, trong đó mảng công nghệ tài chính (gồm ví điện tử Vimo, cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng, giải pháp thanh toán thẻ tín dụng trên di động mPoS, giải pháp cho vay ngang hàng Vaymuon, sàn giao dịch tiền mã hóa Wetrade.global) chiếm hơn 50%. Chưa có số liệu tài chính cụ thể năm 2017, nhưng năm 2016 công ty này công bố tổng giá trị giao dịch qua Ngân Lượng đạt khoảng 200 triệu đô la Mỹ, và qua mPoS là 80 triệu đô la Mỹ. “Tỉ suất lợi nhuận trong mảng thanh toán cực mỏng, chỉ khoảng 0,5% nên phải làm khéo thì mới tồn tại được,” Bình cho biết.
Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô thị trường tài chính cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2016 đạt hơn 26 tỉ đô la Mỹ, phần lớn thuộc về gần 20 công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, có một phần không thống kê được thuộc về các tổ chức tín dụng tự do, cho vay “nóng” với lãi suất cao, và hệ thống gần 6.000 tiệm cầm đồ trên toàn quốc. Và Vaymuon nhắm vào phân khúc này. “Chúng tôi muốn làm thay đổi ngành này, đem lại nhiều giá trị và sự tiện lợi hơn cho khách hàng,” Bình chia sẻ. Trên thị trường, Vaymuon không phải là dự án khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Trước đó đã có các sản phẩm Huydong (Loanvi trước đây), Trust Circle và Tima. “Tôi nghĩ vẫn có thể làm thành công, và ở đất nước này thì cần một người làm trước khi nước ngoài nhảy vào. Năm ngoái có mấy đoàn Trung Quốc sang rủ tôi cùng làm,” Bình kể. Không chia sẻ số liệu của Vaymuon, anh chỉ cho biết “tỉ suất lợi nhuận trong cho vay ngang hàng cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa do lợi nhuận cao mà nợ xấu nhiều thì cũng chết.” “Tỉ lệ nợ xấu bên tôi tạm thời chấp nhận được để có lời,” anh nói thêm.
Trên thị trường tín dụng, người vay đang chịu mức lãi suất 5.000 đồng mỗi ngày cho một triệu đồng, tương đương lãi suất 15% một tháng, còn ở Vaymuon, lãi suất là 2.500 đồng mỗi ngày. Theo mô tả của Bình, trên ứng dụng Vaymuon, người vay tiền không cần thế chấp, không cần gặp mặt người cho vay, dòng tiền chạy thẳng từ người này qua người kia thông qua ví điện tử của NextTech. Các khoản vay có chữ “Bảo an“ sẽ được đảm bảo 100%. “Cứ đến ngày đến giờ là người cho vay nhận cả vốn cả lãi, không cần quan tâm người vay có trả tiền hay không, Vaymuon đứng ra bảo lãnh trách nhiệm,” Bình giải thích và cho biết thêm cách làm như vậy thuộc dạng “điên rồ, thả gà ra đuổi, đứng cho vay, quỳ đòi nợ.” Vậy Bình xây dựng hệ thống quản trị rủi ro thế nào để tồn tại? “Để làm được như thế phải có dữ liệu lớn, người không online hay chưa sử dụng hệ sinh thái của NextTech không nằm trong nhóm khách hàng của chúng tôi,” anh nói. Việc đầu tiên là Vaymuon quản lý việc xác minh danh tính của khách hàng (KYC – Know Your Custumer) rất chặt, người dùng phải có “dấu vết số” (digital trail) trên Internet, và đã từng dùng sản phẩm của NextTech. Ngoài ra Vaymuon cũng sử dụng nhiều phương pháp, kiểm tra và lấy từ nhiều nguồn thông tin hơn. Bình gọi đó là sức mạnh của hệ sinh thái NextTech. “Chúng tôi nắm về khách hàng rõ hơn việc cử thám tử đi theo dõi 24/7. Vẻ đẹp của big data, của fintech là chỗ đấy, nó tạo ra thứ đột biến, thứ trước đây ai nghe qua cũng nghĩ là không tưởng,” anh nói. Và Vaymuon không phải là sản phẩm duy nhất của NextTech.
Mặc dù MPoS hiện là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam đang cung cấp giải pháp thanh toán thẻ trên di động cho người bán hàng, với hơn 7.000 người bán hàng sử dụng, nhưng với Bình, “một mình một chợ không hẳn là thuận lợi”. “Để có giải pháp chạy được là rất khó, nhiều công ty cũng làm nhưng không ra nổi sản phẩm. Có sản phẩm, làm sao tạo được đột phá trên thị trường còn khó nữa. Trong khi làm chúng tôi cũng bán công nghệ cho một vài ngân hàng để họ tự làm, tự bán mPoS nhưng không thành công,” anh phân tích. Theo số liệu của vụ Thanh toán (ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 10.2016, toàn quốc có 254 ngàn máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), cùng 110 triệu thẻ được phát hành, và Bình đánh giá “độ phủ giữa tỉ lệ thẻ và máy POS thấp hơn thế giới khoảng năm lần”. Tiềm năng như vậy, nhưng anh cho rằng thanh toán trực tuyến là một trận chiến rất khác với thương mại điện tử. “Mảng thanh toán có rất nhiều rào cản, từ kết nối với các ngân hàng, giấy phép, đến biện pháp kiểm soát từ ngân hàng Nhà nước vì ngành tài chính liên quan đến quốc gia. Không phải cứ vung tiền ra là mua được người dùng vì sức ì trong hành vi tiêu dùng rất lớn,” Bình nhận xét. Không chia sẻ chiến lược kinh doanh, Bình chỉ cho biết bí quyết của mình gói gọn trong hai chữ “khác biệt”. Khác biệt trong nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm và cách nhìn nhận đánh giá. “Chúng tôi làm cho khách hàng không ì được, và tốn rất ít tiền,” anh nói.
Mặc dù Chodientu.vn là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam thành lập năm 2004, nhưng hiện nay Bình tập trung nhiều hơn vào Weshop, trang thương mại điện tử cho phép người dùng Việt Nam mua hàng trên eBay và Amazon. “Mảng thương mại điện tử tôi làm xuyên biên giới thì tốt, mảng nội địa đang là đại dương đỏ nên không chú trọng đầu tư nữa,” anh nói. Lê Hoàng Uyên Vi, cựu giám đốc điều hành trang thương mại điện tử Adayroi chia sẻ: “Cái khó của doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước nhìn từ bài toán tài chính là biên lợi nhuận thấp, chỉ từ 1 - 1,5%.” Hiện nay các sản phẩm Weshop, Vaymuon, mPoS và giải pháp hậu cần Boxme được Bình sử dụng “tấn công” thị trường Đông Nam Á. Trong khi các doanh nghiệp thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến của Việt Nam e ngại sự cạnh tranh từ nước ngoài như Lazada, Shopee, AliPay hay AirPay, thì Bình có chiến lược khác.
“Việc đa dạng hóa sản phẩm bên tôi chính là cách để chống lại các thế lực bên ngoài,” anh nói. Bình mô tả một bức tranh treo trong công ty có Jeff Bezos cưỡi cá mập bên phải, bên trái là Jack Ma cưỡi con “cá sấu sông Dương Tử”, còn NextTech ở giữa là đàn cá hổ. ”NextTech là một đàn cá hổ, nhỏ, khéo léo và sắc bén, dùng hệ sinh thái có nhiều thành viên khác nhau tấn công từ mọi phía. Một con cá to có thể chết (như Nokia), nhưng rất khó để giết một đàn chổ,” Bình nói thêm. Anh gọi NextTech là “mô hình Lương Sơn Bạc”, nơi Bình chỉ tạo ra cuộc chơi, còn dưới mỗi sản phẩm anh lại “chiêu mộ” các doanh nhân khác về làm cùng, “anh em tự làm, tự chiến đấu và có cổ phần”. Anh thú nhận rất ít đầu tư ra ngoài và phần lớn là thất bại “vì rủi ro không hiểu biết về lĩnh vực đang đầu tư”. “Thứ hai là mình chỉ là nhà đầu tư thôi mà, có thể thực tế mình nhiều kinh nghiệm nhưng nói các startup họ không nghe đâu. Đến lúc thất bại thì mình mất tiền thôi. Nên thôi, ông tin tôi thì về đây, tôi đưa đường chỉ lối cho ông làm,” anh trần tình.
Ở tuổi 37, Nguyễn Hòa Bình có 16 năm kinh nghiệm trong kinh doanh. Thành lập công ty PeaceSoft từ năm 2001 với hai triệu đồng, khi vẫn còn là sinh viên năm thứ hai khoa Công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nội, khi đó trong tay Bình có con số “không” tròn trĩnh, không vốn, không văn phòng, không nhân viên. Với “vốn liếng” là các giải thưởng từ các cuộc thi công nghệ thông tin khi còn đi học, Bình đi làm gia công phần mềm và tích hợp hệ thống cho khách hàng. Tham dự nhiều cuộc thi và có cơ hội ra nước ngoài, anh nhìn thấy thương mại điện tử ở Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển vì “nền thương mại truyền thống chậm phát triển do hậu quả từ thời bao cấp”. Và Chodientu.vn, sàn giao dịch thương mại điện tử ra đời năm 2004. Năm 2005, anh nhận được đầu tư từ IDG, quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ.
Khi mô hình Chodientu phát triển, nhu cầu quảng cáo tăng lên, Bình thành lập giải pháp quảng cáo Adnet. Đến khi người dùng bắt đầu có nhu cầu thanh toán trực tuyến, Bình mất gần hai năm để chờ các giải pháp thanh toán khác vào làm cùng, nhưng rồi “không thấy ai làm ra gì, vì có vẻ họ không hiểu vấn đề, họ không làm nghề nên họ không hiểu người dùng”, cuối cùng Bình tự làm. Năm 2009, cổng thanh toán Ngân Lượng ra đời. “Ngân Lượng thời gian đầu rất vất vả. Mô hình kinh doanh nào khi mới làm cũng có một bài toán con gà quả trứng nào đấy, nhưng với thanh toán có tới hai bài toán con gà quả trứng,” anh nói. Theo giải thích của Bình, bài toán đầu tiên là giữa người dùng và người bán, khi người dùng vào cổng thanh toán mà ít nơi chấp nhận thì người ta quên ngay, trong khi người bán kết nối thanh toán mà không có giao dịch thì chỉ hai tuần là người ta bỏ. Bài toán thứ hai là giữa người bán với ngân hàng, khi đi kết nối ngân hàng thì bị hỏi “đã có nhiều người bán chưa”, làm với người bán thì bị hỏi “có nhiều kênh thanh toán không”. “Thời gian đầu rất nản, nhưng ít nhất khi đó tôi còn Chodientu là một phần hệ sinh thái để nâng lên,” Bình nhớ lại.
Đến năm 2014, hệ sinh thái của PeaceSoft đã tương đối hoàn thiện với sàn thương mại điện tử trong nước, giải pháp quảng cáo, cổng thanh toán, giải pháp vận chuyển ShipChung, trang thương mại điện tử xuyên biên giới eBay.vn. Nhưng Bình chưa muốn dừng lại ở đó, anh bắt đầu chuyển PeaceSoft sang giai đoạn tiếp theo, từ E-Commerce (thương mại gắn với máy tính cá nhân) sang D-Commerce (điện tử hóa thương mại). Và NextTech được thành lập để đầu tư ra nước ngoài, đồng thời sở hữu PeaceSoft, với tầm nhìn trở thành “tập đoàn luôn điện tử hóa và thuận lợi hóa cuộc sống của con người, bằng ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra các giá trị mới cho cuộc sống”.
Sau khi chuyển sang giai đoạn D-Commerce, NextTech liên tục ra mắt các sản phẩm mới như giải pháp thanh toán mPoS, trang thương mại điện tử xuyên biên giới WeShop, giải pháp kho vận BoxMe, WeShip và mở rộng ra các thị trường Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ. Với mỗi sản phẩm, Bình đặt kế hoạch sau hai năm phải đạt điểm hòa vốn, “chứ không phải ngồi đẩy KPI (đánh giá đo lường hiệu quả công việc) để mong chờ ai đó rót vốn”. “Trong 16 năm kinh doanh, tôi nhiều lần rơi vào trạng thái cay đắng, vì không có tiền trả lương mà nhà đầu tư không muốn rót vốn, phải đi lạy người ta cấp cứu công ty. Nên từ 2012 đến giờ tôi làm rất căn cơ,” anh chia sẻ. Bình cho biết sản phẩm chủ lực của NextTech trong thời gian tới sẽ là lĩnh vực công nghệ tài chính. “Tôi muốn NextTech trở thành hệ sinh thái số 1 chứ không nhất thiết phải làm sản phẩm nào trở thành số 1,” anh nói. Mục tiêu đến năm 2020 của Bình? IPO NextTech. Tuy nhiên Bình bỏ ngỏ khả năng phát hành trên sàn chứng khoán Hong Kong, Singapore hay Nasdaq.
Theo Cường Nghiêm/Forbes Việt Nam