“Chiêu” tạo giá trên thị trường của Bamboo Airways?

25/12/2019 21:33

Trong lộ trình triển khai chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, "tân binh" của thị trường hàng không là Bamboo Airways liên tục giới thiệu chương trình chào bán cổ phần giá ưu đãi cho nhân viên và đối tác của hãng, cùng cam kết sẽ mua lại với giá gấp đôi. Những thông tin này đang "làm nhiễu" giá trị thực của cổ phiếu hãng hàng không mới chính thức cất cánh từ đầu năm nay.

Bên cạnh việc đưa dòng máy bay thân rộng về khai thác, Bamboo Airways còn đẩy nhanh việc huy động vốn từ niêm yết cổ phiếu. Ảnh minh họa: flc.vn

Ngày 22-12, Bamboo Airways thông báo đưa dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner về khai thác ở Việt Nam. Cùng với thông tin đó, hãng cho biết mức giá kỳ vọng chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không dưới 160.000 đồng/cổ phiếu.

Con số này nằm trong lộ trình xúc tiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2020 của hãng. Theo đó, Bamboo Airways đưa ra mức giá kỳ vọng trong đợt IPO là 60.000 đồng/cổ phiếu.

Trong thời gian triển khai IPO, hãng hàng không này lại công bố nhiều chương trình chào bán ưu đãi khác nhau, với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn, chương trình chào bán cổ phiếu giá ưu đãi cho nhân viên của ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội), chi nhánh Quy Nhơn (Quy Nhơn) hay cho nhân viên ngân hàng OCB có mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Các nhân viên có hợp đồng lao động thời hạn từ 12 tháng trở lên sẽ được mua cổ phiếu với giá ưu đãi nói trên. Đồng thời, Bamboo Airways cũng cam kết mua lại, hoặc chỉ định tổ chức/cá nhân mua lại với giá tối thiểu là gấp đôi giá mua.

Trước đó, vào tháng 10, Bamboo Airways cũng đưa ra chương trình chào bán cổ phần ưu đãi cho nhân viên (ESOP) với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, kèm lời cam kết sẽ mua lại với giá gấp đôi sau 6 tháng với điều kiện người mua nắm giữ liên tục trong khoảng thời gian này, đồng thời ủy quyền biểu quyết cho Bamboo Airways (không hủy ngang trong mọi trường hợp).

Hãng hàng không lý giải đây là động thái "tri ân" nhân viên và đối tác thân cận, và lượng bán ra chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người thuộc diện đủ điều kiện mua và cả thị trường tỏ ra hoài nghi với cam kết mà Bamboo Airways đưa ra. Mức giá cổ phiếu này có phù hợp với tình hình kinh doanh của hãng hàng không mới cất cánh gần 1 năm trên thị trường hay không? Cam kết mua lại có giá trị pháp lý ra sao, nếu công ty không thực hiện cam kết thì thế nào?

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, việc bán cổ phần giá ưu đãi cho đối tác hay cho nhân viên cũng là điều bình thường, nhưng điểm mấu chốt là Bamboo Airways đưa ra những đợt chào bán ưu đãi riêng khi cổ phiếu chưa có giá thị trường.

“Các đối tác có thể chấp nhận bỏ nhiều tiền nhưng mức giá này không thể trở thành mức giá tham chiếu trên thị trường, vì chúng ta không biết được nội dung thỏa thuận của giữa Bamboo Airways và các đối tác với nhau”, ông Hiển cho biết.

Trong khi đó, theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, những động thái chào bán cổ phần ưu đãi ở trên, cùng với lộ trình niêm yết với mức giá như hiện nay có thể được xem là “chiêu” tạo giá trên thị trường của Bamboo Airways.

Thị phần hàng không nội địa thay đổi nhanh kể từ khi Bamboo Airways xuất hiện. Nguồn: tổng hợp.

Về khả năng thực hiện những cam kết đã đưa ra, các chuyên gia cho rằng điều này còn phụ thuộc vào vấn đề pháp lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Hiển, đây không phải là vấn đề vì những khoản huy động từ cá nhân này có số lượng nhỏ và giá trị cũng không lớn.

Mặt khác, việc đưa thêm những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác cũng giúp Bamboo Airways nhanh chóng trở thành công ty đại chúng (công ty có trên 100 cổ đông), trong khi đó, phương án ESOP cũng đồng thời là cách thức để giữ chân và “mồi chào” người lao động trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngành hàng không diễn ra ngày càng khốc liệt.

Dù vậy, theo ông Hiển, vẫn còn nhiều dấu hỏi về giá cổ phiếu Bamboo Airways, chẳng hạn như vì sao đưa ra mức giá cho nhà đầu tư chiến lược “chênh” gần 2,6 lần so với mức giá kỳ vọng IPO? “Chiến lược về giá của Bamboo Airways cũng không khác nhiều lắm so với các tổ chức khác ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo đó các hoạt động IPO đa phần có sự sắp xếp từ trước, hơn là IPO công khai để các công ty chứng khoán tư vấn cho nhà đầu tư đấu giá mua”, ông Hiển bình luận.

Thị trường hàng không phát triển ngày càng “nóng” hơn với nhiều nhà đầu tư tham gia, trong đó có Bamboo Airways.

Không chỉ cạnh tranh về vốn đầu tư hay đua nhau mở chặng bay mới, các hãng hàng không cũng đối mặt với vấn đề chung là quá tải hạ tầng và cạnh tranh nguồn nhân lực.

Cách đây hơn 2 năm, hãng hàng không Vietjet Air niêm yết cổ phiếu VJC vào giữa tháng 2-2017, với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu, sau đó kết thúc phiên đạt 108.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chuyển niêm yết lên sàn HOSE với giá tham chiếu 40.600 đồng/cổ phiếu vào tháng 5-2019 (trước đó niêm yết sàn UPCoM với giá tham chiếu là 28.000 đồng/cổ phiếu).

Tính đến ngày 23-12-2019, thị giá cổ phiếu VJC ở mức 143.300 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16,4% trong vòng 1 năm qua, trong khi thị giá HVN đạt 34.200 đồng/cổ phiếu, tăng 5,7%.

Trong một sự diễn tiến khác, khi nhận định về việc Bamboo Airways mới nhận về với dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9, Công ty chứng khoán MBS nhận định đây là một "canh bạc với hãng hàng không non trẻ" (theo báo cáo ngành hàng không công bố hồi tháng 6-2019). Lý do là khi tiếp nhận và vận hành loại tàu bay này, hãng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines, thay vì hướng đi thị trường ngách như hiện tại.

Theo Dũng Nguyễn/TBKTSG

link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/298584/chieu-tao-gia-tren-thi-truong-cua-bamboo-airways.html

Bạn đang đọc bài viết "“Chiêu” tạo giá trên thị trường của Bamboo Airways?" tại chuyên mục Featured.