Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chính phủ Campuchia thu hồi hơn 742 ha đất từ HAGL để trả lại cho người dân bản địa

28/03/2019 11:35

Trong ngày thứ Tư (27/03), Campuchia đã quyết định thu hồi đất đã được giao cho Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) từ 10 năm về trước để trả lại cho cộng đồng người bản địa, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ hơn về việc vi phạm quyền lợi.

Reuters đưa tin, hôm thứ Ba (26/03), tỉnh trưởng Ratanakiri, Đông Bắc Campuchia, đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp lấy lại 64 khu đất cho phép khai thác, bao gồm các khu rừng, đầm lầy và các khu nghĩa trang vốn từng thuộc về 12 cộng đồng bản địa.

Theo Hiệp hội Những người cao nguyên và các nhóm biện hộ Equitable Cambodia and Indigenous Rights Active Members – vốn đại diện cho cộng đồng bản địa, quyết định trong ngày thứ Ba (26/03) đã trả lại hơn 742 hecta đất.

Quyết định trên thể hiện “sự thừa nhận chưa từng có về quyền sở hữu đất của người dân bản địa, vượt lên trên lợi ích kinh doanh ở Campuchia”, Dam Chanty, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Những người cao nguyên – một tổ chức đại diện cho quyền của người bản địa ở Ratanakiri – cho hay.

Mặc dù động thái này là một chiến thắng to lớn đối với người dân bản địa, nhưng cộng đồng này vẫn cần có bồi thường và giúp họ phục hồi đất đai và đường thủy, bà cho biết trong một tuyên bố.

Kể từ đầu những năm 2000, Campuchia đã trao những dải đất rộng lớn như là một bước nhượng bộ cho các công ty nước ngoài để khai khoáng, lập nhà máy điện và nông trại với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

10 năm về trước, Chính phủ Campuchia đã cấp khoảng 19,000 ha cho công ty trồng cây cao su Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam – tuy nhiên dải đất này thuộc về 12 làng của người bản địa.

Sau đó, trong năm 2014, cộng đồng bản địa này đã nộp đơn khởi kiện Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) vì những lý do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội. Được biết, IFC đã đầu tư vào một quỹ cung cấp tài chính cho các liên doanh của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia và Lào.

Tiến trình giải quyết tranh chấp đã được thiết lập và Hoàng Anh Gia Lai đã đồng ý ngừng các hoạt động khai phá đất đai.

Và 1 năm sau đó, Hoàng Anh Gia Lai đã đồng ý trả lại đất đai chưa được sử dụng trong hoạt động trồng trọt hoặc khai phá và động thái này khiến diện tích đất mà Hoàng Anh Gia Lai được cấp phép đã giảm xuống hơn 60%.

“Chuyện này phải mất hơn 3 năm trao đổi và đàm phán, nhưng đây là một vấn đề quan trọng đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân bản địa và các quyền lợi trước đây của họ về đất đai”, Eang Vuthy, Tổng Giám đốc của Equitable Cambodia, cho hay.

“Nhà đầu tư nước ngoài phải chịu trách nhiệm về các vi phạm và các ảnh hưởng tiêu cực khi họ làm lơ quá trình thủ tục, bao gồm tham vấn với cộng đồng và nhận được sự đồng tình từ phía họ”, ông nói với Thomson Reuters qua điện thoại.

Tuần trước, cộng đồng bản địa này đã lại gửi đơn kiện IFC vì vi phạm môi trường và nhân quyền và sự mất mát về đất đai nông nghiệp, ông nói.

Trong bối cảnh các khoản đầu tư xuyên biên giới ở khu vực này gia tăng, các tranh chấp về đất đai cũng tăng theo.

Năm ngoái (2018), các nông dân Campuchia đã đệ đơn lên tòa án Bangkok để kiện một công ty đường Thái Lan vì họ bị buộc phải rời khỏi vùng đất của họ và bị thay thế bởi các đồn điền trồng mía.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI