Tỷ phú USD số 1 Phạm Nhật Vượng đã mở thêm một mặt trận mới. Quyết định thay đổi chiến lược dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm sự cẩn trọng được tính kỹ.
Tập đoàn Vingroup vừa chính thức đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go. Đây là lần đầu tiên một hình thức mua bán hàng hóa kiểu này có mặt tại Việt Nam sau khi một vài tập đoàn trên thế giới ghi nhận những thành công ban đầu ở một vài thị trường.
Siêu thị ảo là một mặt trận hoàn toàn mới của Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Không giống như các chuỗi cửa hàng thực và cũng không giống các gian hàng online. Siêu thị ảo được mở ở nhiều nơi, cả ở trên mạng lẫn trên đời thực, có thể chỉ là các tấm áp phích hoặc các tờ catalogue quảng cáo dán để đặt ở nhiều nơi, ở bất cứ địa điểm đông người nào.
Công nghệ quét mã vạch QRCode và ship (giao hàng) là cơ sở cho loại hình kinh doanh mới mà một số ông lớn trên thế giới đã tấn công được vào các thị trường bán lẻ tưởng chừng đã không còn chỗ chen chân.
Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ của trong vài năm gần đây chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước cả trên phương diện online và offline. Các doanh nghiệp dồn dập mở mạng lưới các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc với những gương mặt tiêu biểu như Thế Giới Di Dộng với điện thoại, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh; Vingroup với Vinmart, Adayroi; AEON Mall; Tiki; Lazada…
Không gian bán lẻ thực và trực tuyến… kín đặc với các chuỗi cửa hàng phình nở và hình thành nhan nhản. Nhiều đại gia lớn chứng kiến như thất bại như trường hợp ông lớn bán lẻ Pháp Auchan vừa buộc phải rút khỏi Việt Nam do không tìm thấy mô hình phù hợp; Shop&Go bán đứt chuỗi 87 cửa hàng cho Vingroup với giá 1 USD; ông Nguyễn Đức Tài Thế Giới Di Động đóng cửa Vuivui. Các thương hiệu như Ocean Mart, Maximark, Metro, Fivimart lần lượt bị xóa tên…
Cuộc chiến trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt. |
Mảng thương mại điện tử trực tuyến mà Adayroi của ông Vượng tham gia còn khốc liệt hơn nhiều. Hàng loạt các ông lớn chấp nhận thua lỗ lớn để chiếm thị phần cũng như bắt tay với các ví điện tử trong một cuộc chiến khuyến mại chưa từng có.
Trong cuộc chiến thương mại điện tử khủng khiếp, Lazada với vốn từ Alibaba Trung Quốc sa sút chóng mặt; Tiki với nguồn vốn ngoại và từ VNG thua lỗ 1,2 ngàn tỷ trong 3 năm; Adayroi đứng thứ 8. Trong thời gian tới, nhiều khả năng ông lớn số 1 thế giới Amazon sẽ khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Cuộc chiến thậm chí còn kéo theo cả nhiều ngân hàng với những định hướng gắn với fintech, gắn với thương mại điện tử như ACB, TPBank, VPBank… Các ngân hàng thậm chí phải cạnh tranh với chính những ông lớn như Grab, Alipay, Amazon…, chứ không chỉ còn với các đối thủ truyền thông.
Trên thực tế, cơ hội của ngành thương mại nói chung và thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn, tiềm năng là khổng lồ. Trong năm 2018, quy mô ngành thương mại điện tử tại Việt Nam vượt qua mọi dự đoán với khoảng 8 tỷ USD và đang hướng tới mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nhưng cuộc chiến thương mại điện tử Việt khốc liệt, không có chỗ cho các doanh nghiệp nhỏ và thậm chí các tập đoàn không phải hàng đầu trên thế giới cũng khó lòng bước chân vào. Adayroi của Vingroup cũng đã chứng kiến những khó khăn như vậy.
Quyết định tấn công sang một mặt trận mới, mặt trận thứ 3 sau chuỗi các siêu thị cửa hàng và trang bán hàng trực tuyến Adayroi, siêu thị ảo VinMart được cho là một lựa chọn ấn tượng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nó cũng phù hợp với định hướng chuyển Vingroup sang một tập đoàn với trọng tâm là công nghệ. Công nghệ cũng sẽ hỗ trợ cho Virtual Store.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. |
Tuy nhiên, sự mở rộng sang nhiều mảng của Vingroup cũng là vấn đề nhiều người quan sát kỹ. Trong đại hội cổ đông vừa diễn ra, một vấn đề cũng đã được đặt ra là kiểm soát các dự án đầu tư mới. Gần đây, Vingroup huy động khá nhiều vốn trong và ngoài nước, từ vốn Hàn Quốc cho tới trái phiếu trong nước từ các ngân hàng quan hệ mật thiết như Techcombank…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như Vingroup nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác vẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như Thế Giới Di Động, FPT Retail, PNJ…
Trên diện rộng, áp lực bán khá rõ. Nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu hướng giảm giá dầu trên thế giới.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán KIS, rủi ro giảm giá vẫn còn trong ngắn hạn khi thị trường có phiên điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên chờ thêm tín hiệu xác nhận xu hướng trước khi hành động
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/5, VN-Index giảm 1,07 điểm xuống 982,71 điểm; HNX-Index tăng 0,17 điểm lên 106,3 điểm và Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 55,40 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,9 ngàn tỷ đồng
Vietnamnet