Nếu không vì yêu mến con người của nữ Founder chồng không cho đi vẫn quyết lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, có lẽ Shark Linh và Shark Việt cũng không nhanh chóng chấp nhận giảm mức cổ phần hoán đổi từ 51% xuống 36% trong vòng "một nốt nhạc".
Cô gái Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, mong muốn xây dựng công ty tỷ USD
Đỗ Thị Mỹ Diệu là nhà sáng lập đến từ công ty TNHH MTV CDTS, doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm trang phục bảo hộ lao động. Trong 5 năm hoạt động, doanh thu công ty hiện đã đạt 50 tỷ đồng.
Nữ sáng lập này đến chương trình Shark Tank Việt Nam với mong muốn gọi vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần, với mong muốn xây dựng một công ty may mặc có giá trị tỷ USD.
Vốn gọi được Diệu sẽ đầu tư cho nhà máy, đánh vào các thị trường lớn như Hàn Quốc. Hiện tại, sản phẩm hiện có hơn 500 chủng loại nhưng chủ yếu vẫn là quần áo bảo hộ lao động. Nhà sáng lập cho biết, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm bảo hộ lao động nhập ngoại nhưng giá cao, các mặt hàng của CDTS có chất lượng tương đương, nhưng giá thấp hơn.
Đỗ Thị Mỹ Diệu - nhà sáng lập của CDTS.
Trả lời câu hỏi của Shark Nguyễn Xuân Phú về doanh thu năm gần nhất, Diệu cho biết doanh thu năm 2017 ở mức 7 tỷ đồng, thấp hơn mức doanh thu trung bình.
"Cứ đi tụt ngược lại thì làm sao thành công ty tỷ đô được", Shark Phú căn vặn.
Em đến đây gọi 5 tỷ đồng vì em đang suy nghĩ nếu anh Phú có nói "Nếu thất bại lấy gì thế chấp cho anh", thì em có ngôi nhà 5 tỷ này
"Em là một cô gái ở Quảng Nam vào đây, không có gì hết. Tư tưởng ban đầu của em là xây dựng một công ty đủ ăn đủ mặc, có thể mua nhà ở Sài Gòn, nuôi được 2 con học trường quốc tế. Em không nghĩ mình sẽ xây dựng một công ty có thương hiệu".
"Nhưng từ ngày xem Shark Tank, em bắt đầu có ước mơ, mong muốn và đam mê thôi thúc mình phải làm việc, và muốn biến ước mơ của mình thành sự thực bằng cách đồng hành cùng các Sharks. 2017 là năm em nghỉ ngơi và dừng lại vì sinh em bé, giờ em sẽ chạy tiếp", Diệu rơm rớm nước mắt.
CDTS có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tổng tài sản khoảng 6 tỷ, trong đó có ngôi nhà của Diệu có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.
Diệu cho biết ngôi nhà này vốn là nhà cô kiếm tiền và mua trước khi lấy chồng, nên đã bàn với chồng đưa vào làm tài sản công ty.
"Em đến đây gọi 5 tỷ đồng vì em đang suy nghĩ nếu anh Phú có nói "Nếu thất bại lấy gì thế chấp cho anh", thì em có ngôi nhà 5 tỷ này", Diệu thật thà cho biết.
Chồng không cho đi thi Shark Tank vì "lãi tầm 50 triệu đồng/tháng là đủ sống thoải mái rồi"
Tâm sự với các Sharks, Diệu kể: "Em đi thi Shark Tank mà chồng không cho. Anh ấy bảo lãi tầm 50 triệu đồng/tháng là đủ sống rồi, thoải mái rồi. Thi vào đây, em sẽ làm việc nhiều hơn, anh sợ em không chịu nổi áp lực công việc".
"Nhưng em nói: Em càng làm việc nhiều càng thấy khỏe, còn không được làm việc em thấy rất mệt".
Nhận thấy nữ startup đã kinh doanh đến năm thứ 6 nhưng doanh thu không tăng trưởng, Shark Phú cho rằng nhà sáng lập nên chọn quy mô phù hợp với năng lực của bản thân, ông quyết định không đầu tư.
Cũng từ chối rót vốn nhưng lý do Shark Hưng đưa ra là vì ông không rành ngành này.
Đánh giá cao tố chất người Founder không hài lòng với thực tại, nhưng Shark Dzung cũng thừa nhận bản thân anh không hiểu biết nhiều về may mặc nên rút lui.
Diệu mời Shark Việt lên tiếng vì đây là vị Shark cũng trong ngành xây dựng, và cũng là người miền Trung. Cô tin rằng vị cá mập này sẽ hiểu giá trị của con người miền Trung và giá trị lời nói của họ.
Shark Việt cho biết: "Anh nhìn thấy tiềm năng của em. Intracom đầu tư thủy điện, hiện nay anh có hơn 10 cái thủy điện. Mỗi người được cấp 2 bộ trong tổng 1000 người. Ngành thứ 2 của anh là bất động sản, cũng 1000 người. Lĩnh vực thứ 3 của anh là bệnh viện (cụ thể là dự án phức hợp y tế chuẩn quốc tế Phương Đông Hospital) nhưng hiện tại anh chưa hài lòng về đồng phục của bác sĩ", Shark nói. Tuy nhiên mức gọi vốn của Mỹ Diệu đang hơi cao, Shark đề nghị 5 tỷ cho 51% cổ phần.
Diệu cho biết cô chỉ đồng ý được mức cổ phần hoán đổi tối đa là 30%, vì muốn phát triển lên công ty tỷ USD cần thêm vòng gọi vốn nữa.
Sau một hồi phân vân, Shark Linh đề nghị Shark Việt đầu tư chung, đề nghị mức 5 tỷ đồng đổi lấy 51% cổ phần.
"Bắt đầu với 51% cổ phần, đồng thời set KPI rồi dần sẽ thưởng lại em để giảm tỷ lệ sở hữu của các Sharks xuống còn 30%. 5 tỷ đồng đầu tư đó cũng phân ra từng kỳ", Shark Linh đề xuất.
"Em nghĩ 36% cổ phần cho 2 anh chị là phù hợp, vì anh chị có quyền phủ quyết em. Thay vì cứ suy nghĩ em làm giỏi thì sẽ được thưởng, sao mình không sòng phẳng và rõ ràng ngay từ đầu", Diệu nói.
Shark Linh và Shark Việt gật đầu đồng tình giảm tỷ lệ cổ phần từ 51% xuống 36% như lời Diệu đề xuất mà không đàm phán thêm.
"Em hiện tại đang rất hạnh phúc, hạnh phúc hơn cả khi được làm cô dâu", nữ Founder mừng rỡ tâm sự cuối chương trình.
Tổng quan thương vụ gọi vốn của CDTS:
- Mô tả: CDTS thành lập năm 2012, cung cấp các sản phẩm trang phục bảo hộ lao động
- Founder: Đỗ Thị Mỹ Diệu
- Lĩnh vực: May mặc
- Tình hình kinh doanh: Giai đoạn 2012 - 2017 doanh thu tổng đạt 50 tỷ đồng. Năm 2017 doanh thu chỉ ở mức 7 tỷ đồng, lợi nhuận 1,4 tỷ đồng
- Gọi đầu tư: 5 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần
Kết quả: Nhận được đầu tư từ Shark Việt và Shark Linh với 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ