Mới đây, tập đoàn Chloe Hospitality vừa thông báo về việc tiếp quản hoạt động của khách sạn Tajmasago và nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk tại số 2 – 6 Phan Văn Chương (khu vực Cầu Ánh Sao – Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM). Tuy nhiên, giá trị chuyển nhượng vẫn chưa được tiết lộ.
Tập đoàn Chloe Hospitality vừa thông báo về việc tiếp quản hoạt động của khách sạn Tajmasago và nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk. |
Sau chuyển nhượng, cả hai dự án này sẽ mang thương hiệu mới là Chloe Gallery với mô hình hoạt động có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Điều hành của Chloe Hospitality, đánh giá, TajmaSago và Cham Charm là hai dự án có nhiều cơ hội phát triển tốt. Tập đoàn sẽ giữ lại vẻ đẹp vốn có của Tajmasago và Cham Charm, song cũng sẽ có những điều chỉnh để hai sản phẩm mang thương hiệu Chloe Gallery này phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế hiện nay.
Theo kế hoạch, sau giai đoạn chỉnh trang, đến cuối tháng 12/2018, Chloe Gallery sẽ hoàn chỉnh diện mạo mới, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ: ẩm thực tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị, du thuyền trên sông, trình diễn sản phẩm…
Chloe Hospitality chỉ là nhà đầu tư mới, xây dựng định hướng kinh doanh mới và khai thác, quản lý trên hai dự án. |
Trao đổi với PV, đại diện truyền thông của Chloe Hospitality cho hay: “Sau ‘sự cố’ vừa rồi, ông Khải hoàn toàn rút khỏi kinh doanh và có lẽ lâu lắm mới quay trở lại. Hai dự án này kinh doanh khó khăn, nhưng không thể để hai tòa nhà trong tình trạng như vậy mà cần có đơn vị mới khai thác hiệu quả hơn. Quyền sử dụng đất các dự án tại Phú Mỹ Hưng không phải thuộc chủ đầu tư (cụ thể ở đây là ông Hoàng Khải), mà của Phú Mỹ Hưng. Vì vậy, ông Khải không có quyền ‘bán’ dự án, quyền này thuộc về Phú Mỹ Hưng”.
Chloe Hospitality chỉ là nhà đầu tư mới, xây dựng định hướng kinh doanh mới và khai thác, quản lý trên hai dự án, được toàn quyền quyết định hướng đi tương lai cho hai dự án này. Tập đoàn Khaisilk bàn giao và không can thiệp vào định hướng kinh doanh của Chloe Hospitality.
Vị này còn thông tin thêm, Chloe Hospitality nhắm đến hai dự án nói trên và thỏa thuận về việc cải tạo, thay đổi phần nào diện mạo hai công trình bởi các dự án này có kiến trúc nặng về cung đình, khó phù hợp với nhu cầu mới. Ngoài hai toà nhà này, công ty cũng đang tìm kiếm những công trình khác để đầu tư dạng chuỗi khách sạn Boutique. Ở Việt Nam, lĩnh vực này chưa nhiều dù nhu cầu đang tăng.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Chloe Hospitality là công ty TNHH một thành viên, mới thành lập vào ngày 6/9/2018, có mã số doanh nghiệp 0315257922, địa chỉ trụ sở chính tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.
Công ty có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, chủ sở hữu là CTCP Đầu tư địa ốc Bến Thành.
CTCP Đầu tư địa ốc Bến Thành có mã số doanh nghiệp là 0313288379; thành lập tháng 6/2015; địa chỉ trụ sở chính tại số 136 – 138 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết: đầu tư kinh doanh căn hộ bán hoặc cho thuê; dịch vụ cho thuê nhà với mục đích kinh doanh; kinh doanh bất động sản). |
Người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality ban đầu là Tổng giám đốc Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1970), nhưng từ ngày 13/12/2018 – theo công bố thay đổi thông tin doanh nghiệp, đại diện theo pháp luật của công ty đã chuyển thành Tổng giám đốc, Giám đốc Đào Ngọc Bảo Phương (sinh năm 1994)
Công ty đăng ký 41 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết: mua, bán nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất ở. Kinh doanh bất động sản).
Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm từng là khối tài sản thuộc về tay doanh nhân Hoàng Khải - ông chủ thương hiệu Khaisilk. Vào cuối năm 2017, thương hiệu lụa Khaisilk gặp phải khủng hoảng khi bị khách hàng tố bán lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác. Sau đó, chính ông Khải thừa nhận rằng hệ thống của mình “bán 50% lụa ‘made in China’ và xin lỗi người tiêu dùng. Sau sự cố này, hàng loạt cửa hàng lụa mang thương hiệu Khaisilk ế ẩm khách mua và đã phải đóng cửa.
Sau khi thanh tra, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ doanh nghiệp sang cơ quan điều tra, đề nghị truy tố vì có dấu hiệu vi phạm hình sự. Sau đó, ông Hoàng Khải cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị phụ trách mảng kinh doanh lụa và hệ thống nhà hàng cao cấp của thương hiệu Khaisilk.
Hiếu Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng