Sau đề nghị của ông Nguyễn Bá Dương, 100% cổ đông thống nhất không đưa tờ trình chủ trương sáp nhập Ricons vào chương trình biểu quyết tại ĐHĐCĐ lần này. Các tờ trình khác của HĐQT đều được cổ đông thông qua.
Trước đó, HĐQT CTD đã đưa ra chủ trương hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần Ricons. Theo chủ trương sáp nhập công ty thành viên đã được thông qua năm 2018, HĐQT trình phương án hoán đổi bằng hình thức phát hành cổ phiếu.
Tỷ lệ hoán đổi chính thức sẽ được xác định và phê chuẩn bởi ĐHCĐ sau khi có báo cáo định giá một công ty tư vấn định giá. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2019 - 2020. Sau khi hoán đổi, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons và chuyển đổi Ricons thành công ty TNHH một thành viên.
Đại diện PwC đưa ra lộ trình sáp nhập dự kiến diễn ra từ năm 2019 đến 2020. Trong đó, thời gian thông qua kế hoạch hoán đổi vào tháng 10 - 11/2019.
Tuy nhiên, như VietnamFinance đã thông tin, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2019 được Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE:CTD) tổ chức sáng nay (9/4), Kustocem, cổ đông nước ngoài đang sở hữu 18% vốn tại CTD đã tuyên bố không bỏ phiếu bỏ phiếu cho thương vụ sáp nhập Ricons hoặc ủy quyền thông qua vụ sáp nhập cho HĐQT.
“Ý kiến phủ quyết đưa ra trước Đại hội là vô cùng phi lý”, Chủ tịch CTD Nguyễn Bá Dương nói về hành động của Kustocem.
Rất nhiều cổ đông nhỏ tại Coteccons phản đối Kustocem vì cho rằng hành động của Kustocem đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
“Là cổ đông của Coteccons, tôi thất vọng về cách hành xử của Kusto. Kusto đóng góp gì cho Coteccons từ khi tham gia làm cổ đông lớn. Rõ ràng là Kusto không hợp tác với Coteccons, lẽ ra việc không đồng ý sáp nhập thì phải đưa ra ý kiến với HĐQT chứ không phải trước khi diễn ra Đại hội. Kusto đang muốn làm gì ở Coteccons, phải chăng đang muốn thâu tóm Coteccons?”, một cổ đông gay gắt chỉ trích Kustocem.
Ông Andy Ho, Giám đốc VinaCapital, cổ đông lớn sở hữu 7,1% vốn bày tỏ ủng hộ thương vụ này vì cho rằng việc hợp nhất sẽ giúp CTD vươn ra thị trường nước ngoài mà không chỉ tại thị trường trong nước.
“Theo kinh nghiệm của tôi, cái chúng ta cần nhìn thấy là công ty sau sáp nhập như thế nào, khả năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận có tăng cao không. Thời gian qua cổ phiếu CTD đã không được tốt có thể do một số dự án lớn CTD làm đang hẹp lại, trong khi phân khúc dự án nhỏ hơn lại đang phát triển trên thị trường. Về mặt chi phí thì việc sử dụng tài sản sẽ hiệu quả hơn, nhân sự cũng được tận dụng tối đa, chi phí vốn giảm đi. Từ đó tạo ra lợi nhuận lớn hơn, vấn đề này sẽ được đánh giá qua đơn vị tư vấn sau này. Còn rủi ro thì sao, chúng ta đa dạng hóa khách hàng, thị trường, chuyên môn, kỹ thuật… từ đó giảm thiểu được rủi ro”, ông Andy Ho phân tích.
Đại diện Đầu tư Thành công cho rằng “việc sáp nhập không nên vội vàng”.
“Đừng đưa ra lời tuyên bố “không” với chủ trương này. Tôi nghĩ HĐQT nên ngồi lại với các cổ đông lớn để bàn bạc lại. Việc sáp nhập chưa nên đưa đến biểu quyết mà cần trao đổi thêm. Nếu biểu quyết không thành công thì còn ảnh hưởng đến hình ảnh Coteccons. Sự trao đổi kỹ càng hơn sẽ làm các cổ đông có ý kiến thuyết phục”, đại diện cổ đông lớn Đầu tư Thành công bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng: “Việc này đã bàn ở Đại hội năm trước rồi, vì thế chúng ta nên đi đến thống nhất chứ để nói hoài không giải quyết được vấn đề. Chúng ta mà dừng lại đây thì không bao giờ có M&A nữa”.
Ông Nguyễn Bá Dương tuyên bố: “Ricons không phải mang ra để soi mói. Chúng ta sẽ biểu quyết dừng lại việc sáp nhập này”.
Sau đề nghị của ông Nguyễn Bá Dương, 100% cổ đông thống nhất không đưa tờ trình chủ trương sáp nhập Ricons vào chương trình biểu quyết tại ĐHĐCĐ lần này.
Theo VietnamFinance