Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Tổ trưởng tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô

06/02/2022 07:36

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký quyết định về việc thành lập tổ công tác dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Tổ trưởng tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh làm tổ trưởng tổ công tác dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Theo đó, tổ công tác sẽ do ông Chu Ngọc Anh làm tổ trưởng. Thành viên của tổ gồm: ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính... và lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022; rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do vì sao suất đầu tư 1km đường của dự án cao; rà soát kỹ hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả. 

Tổ công tác cũng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể; phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2 để đủ thời gian, quy trình báo cáo các cấp có thẩm quyền; tham gia chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Tổ công tác có quyền yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ tham gia giải quyết nhiệm vụ thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan đó; mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác. 

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với đánh giá của các bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3.

Thủ tướng cũng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô theo hình thức đầu tư hỗn hợp, chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương); dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua và nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.

Hồi đầu tháng 1/2022, UBND TP. Hà Nội cũng đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đề xuất mới nhất của UBND TP. Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP gồm: dự án thành phần 1 - GPMB (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 2 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia có tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự án thành phần 2 – công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; dự án thành phần 3 – đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.

Theo Chí Bình/VietnamFinance