“Đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho người ta thì người ta phải làm cho mình. Người ta đi làm là người ta hưởng lương chứ không phải ăn xin mình. Nếu không có những người lao động này sẽ không ai làm cho mình cả, không thể gầy dựng nên một doanh nghiệp bền vững…”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ chia sẻ.
Là lãnh đạo, phải nghĩ nhân viên mới là người nuôi mình
Chia sẻ về bí quyết thu phục nhân tâm và phát triển con người thành một tập thể gắn kết, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng: Phải coi nhân viên là con người và tạo điều kiện cho họ phát triển cả tâm, trí, lực chứ không đơn thuần coi họ là người lao động. Bởi họ chính là nguồn nhân lực lâu dài để phát triển doanh nghiệp.
“Là lãnh đạo đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho nhân viên nghĩa là họ phải làm cho mình. Cũng đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên mà chính họ mới đang nuôi mình. Nếu không có những người nhân viên đó thì không ai làm cho mình cả, không thể gầy dựng được doanh nghiệp bền vững. Người ta đi làm cũng hưởng lương chứ không phải đi ăn xin mình”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo bà Dung, con người là nền tảng cốt yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững
Vị “nữ tướng” PNJ cho hay, trong tổ chức của mình bà luôn đặt lợi ích của nhân viên lên lợi ích của cổ đông. Đa số các doanh nghiệp thường đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu. “Riêng với tôi, tôi đặt lợi ích của nhân viên lên các ông cổ đông bởi vì họ mới là người nuôi mình, nuôi tổ chức”, nữ doanh nhân này chia sẻ.
Theo bà Dung, để phát triển một tổ chức bền vững thì phải lấy con người và văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng. Tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp là con người chứ không phải tiền. Nếu một doanh nghiệp ngồi trên đống tiền nhưng không có tầm nhìn, không có hướng đi, không có kết nối con người thì sẽ không bao giờ phát triển được.
“Đó cũng là cách tôi xây dựng từ đội ngũ 20 con người lên 7.000 con người như ngày hôm nay. Khi xác định thành lập PNJ, sứ mệnh và tầm nhìn của tôi là lấy con người làm nền tảng phát triển. Theo đó, khi chọn các nghệ nhân, tôi luôn đảm bảo cho họ đời sống vật chất và tinh thần cao nhất có thể”, bà Dung chia sẻ.
“Phải tạo được niềm vui để nhân viên thấy thoải mái. Giải phóng nội năng cho họ tự khắc họ cảm thấy hạnh phúc và muốn được làm việc, được cống hiến. Khi đó, họ bước đến công ty là bước đến ngôi nhà hạnh phúc”, bà Dung chia sẻ bí quyết quản trị con người của PNJ.
Đặc biệt, làm lãnh đạo phải dành thời gian để phát triển nhân tài. Phải có thời gian để làm cho những con người đó đi lên cùng mình theo tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Phần lớn ở các doanh nghiệp lớn, đã chứng minh rằng: chỉ có 20% người ngoài vào công ty thành công; còn lại là do đào tạo từ bên trong doanh nghiệp mới có thể đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp đó.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà ở đó con người sẵn sàng để bước vào thời đại số hóa
“Ngay từ đầu thành lập PNJ, tôi đã xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp là văn hóa gia đình, người lao động coi tổ chức như gia đình. Mà gia đình này có quy trình, quy chế và sự học hỏi. Trong đó, không có sự vị nể và bao che”, bà Dung cho biết.
Ở đó, văn hóa được xây dựng trên giá trị niềm tin và sự chính trực. Nữ tướng PNJ nhấn mạnh: “Cách đây 30 năm, tôi đã nói với nhân viên của mình: Tôi có thể tha thứ cho các bạn nếu các bạn sai nghiệp vụ nhưng không bao giờ tha thứ khi các bạn làm mất niềm tin với nhau trong tổ chức, với khách hàng”.
Theo bà Dung, bản thân doanh nghiệp muốn có được văn hóa bền vững thì phải tạo môi trường lành mạnh để con người coi nhau như người thân, phải tin nhau. Mà sự tin tưởng này phải trên nền tảng chính trực, cùng nhau tin vào tương lai và tin vào chính mình. Từ đó, phải có câu chuyện để truyền cảm hứng, cùng yêu thương và hướng vào tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp.
Cách mà PNJ xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tạo được niềm vui để nhân viên thấy thoải mái. Giải phóng nội năng để khi nhân viên bước đến công ty là bước đến ngôi nhà hạnh phúc
“Bởi vậy, tôi luôn xây dựng PNJ là một đại gia đình kiểu khác lạ. Bất cứ ai hỏi nhân viên của tôi, họ đều nói được sứ mệnh của công ty. Nhân viên của chúng tôi đến đây làm đều phải tin nhau, mà đặc biệt ngành hoàn kim nếu không tin nhau không thể làm được”, bà Dung bộc bạch.
Tuy vậy, theo nữ chủ tịch này văn hóa doanh nghiệp không bất biến. Để xem nguồn nhân lực có còn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp hay không thì doanh nghiệp đó phải review liên tục. Đặc biệt, với thời đại công nghệ 4.0, doanh nghiệp xây dựng văn hóa làm sao ở đó con người được cung cấp kiến thức để sẵn sàng bước vào thời đại số hóa.
Với PNJ, theo bà Dung, cứ 5 năm đánh giá lại nguồn nhân lực một lần để xem mình đang ở đâu, 7.000 con người thấy môi trường như thế nào, cần gì để làm mạnh hơn; mời công ty vào để tư vấn…
“Cúng tôi đang bước đầu thay đổi để bắt kịp thời kì công nghệ 4.0. Muốn số hóa, muốn công nghiệp hóa thì con người phải số hóa. Nếu con người không thay đổi thì đừng nói đến chuyện số hóa, ông công nhân cũng phải có tư duy về điều này. Sức ép cũng ghê gớm lắm, phải chấp nhận mất mát”, Chủ tịch PNJ bộc bạch.
Chẳng hạn, khi chạy 1 quy trình hệ thống mới, chúng tôi có 400 người nghỉ việc trong 3 tháng. Nếu ở một doanh nghiệp không có văn hóa mạnh thì sẽ thất bai nhiều hơn nữa. Nhưng khi đã chấp nhận thay đổi thì phải chấp nhận sự trục trặc. “Bởi tôi luôn quan niệm, tư duy phát triển bền vững là nền móng cho doanh nghiệp phát triển bền vững”, Chủ tịch PNJ nhấn mạnh.
Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ