Phát hành 80 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ nên 1.600 tỷ đồng trong năm 2018
Sáng nay (15/3), đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của CTCP Vicostone (Mã: VCS), đã tán thành 100% phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Điều này có nghĩa, VCS sẽ phát hành 80 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng. Hiện giá cổ phiếu Vicostone dao động quanh 244.000 đồng/cp.
Nguồn vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ trên BCTC kiểm toán gần nhất. Thời gian thực hiện ngay sau khi ĐHĐCĐ chấp thuận và hoàn thành trong năm 2018.
Đại hội cổ đông VCS 2018 (Ảnh: Ka Linh) |
Doanh thu mảng cốt lõi có thể tăng trưởng gần 30% trong năm 2018
Trong năm 2018, Vicostone đặt kế hoạch doanh thu 5.290 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế ước 1.355 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017.
Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng cho biết, năm 2017 Công ty ghi nhận doanh thu từ bất động sản do chuyển nhượng dự án nhà ở công nhân viên cho Phenika, tuy nhiên khoản doanh thu này không đem về lợi nhuận.
Do đó trong năm 2018, khi không còn nguồn thu bất động sản, mảng kinh doanh lõi là đá thạch anh mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng sẽ tương đương mức tăng trưởng 27 – 28% chứ không phải 20% theo kế hoạch. Trong tình hình cạnh tranh mạnh như hiện nay, ông Năng cho biết cán bộ nhân viên Vicostone sẽ phải rất nỗ lực.
Tuy nhiên với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 20%, cộng thêm việc Vicostone không còn được hoàn thuế, lợi nhuận sau thuế của Công ty dự kiến tăng trưởng dưới 20%, ông Năng cho biết.
Năm 2017, lợi nhuận sau thuế Vicostone đạt 1.122 tỷ đồng. Công ty đã trả cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 40% và phát hành 20 triệu cổ phiếu trả cổ tức.
Trong năm 2018, Công ty cũng sẽ tăng lương cho nhân viên, do đó các khoản trích quỹ có thể tăng lên.
Thị trường châu Á sẽ cần 5 - 7 năm nữa để chấp nhận văn hóa sử dụng đá thạch anh
Đánh giá tình hình thị trường năm 2018, ông Hồ Xuân Năng cho biết, nhìn chung nhu cầu trên thế giới tăng trưởng, Vicostone cũng không đứng bên ngoài. Tuy nhiên các yếu tố cạnh tranh cần lưu ý đến như đối thủ đem công nghệ Trung Quốc, sản xuất sản phẩm giá rẻ. Việc tiếp cận về giá thành, chi phí của VCS và các công ty sử dụng công nghệ Trung Quốc rất khác nhau, do đó có thể gây nhiễu loạn thị trường.
Mặt khác, nguyên liệu đầu vào và các loại chi chi phí tăng giá, tuy nhiên công ty đã dự phòng những vấn đề này, hết năm 2018 Vicostone sẽ chủ động nguyên liệu đầu vào nhờ nhà máy Phenika Huế đi vào hoạt động.
Thời điểm hiện tại, châu Mỹ, châu Âu và châu Úc vẫn chính là các thị trường chủ lực xuất khẩu của Vicostone, ông Năng cho biết mấu chốt nằm ở văn hóa sử dụng sản phẩm. Châu Âu và châu Mỹ nếu làm thương hiệu tốt vẫn có dư địa để phát triển.
Đối với châu Á, được đánh giá rất tiềm năng tuy nhiên họ chưa phổ biến văn hóa dùng đá thạch anh trong xây dựng. Theo Chủ tịch Vicostone, sẽ mất 5 - 7 năm nữa để người châu Á có thể tiêu dùng mặt hàng ngày như châu Âu thời điểm hiện tại.
Với Việt Nam, từ lâu VCS đã nhận định đây là thị trường không thể bỏ qua. Theo ông Năng, quan trọng là nhận thức người tiêu dùng thời điểm hiện tại; ở Việt Nam tính cạnh tranh đối với các sản phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc đang ở mức rất cao.
Trong năm 2017, doanh thu từ thị trường Việt Nam chiếm từ 4-5% cơ cấu tổng, dự kiến tăng lên 7-8% trong một vài năm tới.
Ngoài ra, Vicostone còn có sự hỗ trợ lớn từ các công ty thành viên của tập đoàn Phenika, ngay cả các vấn đề tài chính, công nghệ, đặc biệt chi phí marketing được Tập đoàn tiếp thị toàn bộ.
Ông Hồ Xuân Năng cho biết thêm, chiến lược phát triển của Công ty trong thời gian tới là tăng cường nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh truyền thông ở nước ngoài, nhằm phục vụ kế hoạch tăng trưởng.
Người của Phượng hoàng xanh Phenika vào Ban kiểm soát Vicostone
Tại đại hội, cổ đông bầu bà Trần Thị Phương Hoa (sinh năm 1981, người do Phenika đề cử) làm thành viên Ban kiểm soát Vicostone thay cho ông Nguyễn Quốc Tuấ từ nhiệm vào tháng 7/2017.
Theo giới thiệu từ công ty, bà Hoa có trình độ thạc sĩ tài tiền tệ, tài chính và kinh tế quốc tế, thạc sĩ viễn thông, thạc sĩ công nghệ thông tin.
Bà Hoa từng là giám đốc tư vấn đầu tư – CTCP Quốc tế Trí Tín, đơn vị tư vấn độc quyền cho quỹ đầu tư Red River Holding (cổ đông lớn của của VCS đã thoái vốn). Bà cũng là đồng sáng lập công ty cổ phần truyền thông Trạm đọc, thời điểm hiện tại đang là Giám đốc truyền thông CTCP Phượng hoàng xanh A&A.
Cổ đông cũng đồng ý các phương án bổ sung ngành nghề kinh doanh, ủy quyền cho HĐQT phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền đối với các bên liên quan.
Bạch Mộc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng