Việc thay đổi vị trí Giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (chủ đầu tư dự án địa ốc Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội) phần nào hé lộ tiềm lực của giới chủ nắm quyền chi phối tại đây.
Theo dữ liệu của VietTimes, vị trí Giám đốc kiêm người đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông) đã được thay thế từ bà Phạm Thị Huyền Nga sang ông Nguyễn Ngọc Dương (SN 1974).
Ông Nguyễn Ngọc Dương hiện đang đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác, có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó có thể kể tới, CTCP Đầu tư Tân Thuận Nam (thành lập năm 2001, quy mô vốn 3.500 tỷ đồng); CTCP Future Plus (thành lập tháng 2/2017, quy mô vốn 3.500 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Sài Gòn Tower (thành lập tháng 2/2017, quy mô vốn 800 tỷ đồng). Ngoài ra còn các doanh nghiệp khác như:CTCP Thương mại và Dịch vụ Crystal Empire, CTCP Peak Performance, CTCP Prime Star, Công ty TNHH Sunny Square.
Những doanh nghiệp này đa phần hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đều ít nhiều có mối liên hệ dẫn về Công ty TNHH Phát triển Hạ Tầng Bến Nghé (Bến Nghé IDC) - cổ đông hiện nắm giữ tỷ lệ chi phối tại chủ đầu tư “siêu dự án” Nhà Rồng - Khánh Hội.
Như VietTimes từng đề cập, Ngọc Viễn Đông được thành lập vào năm 2014. Ban đầu, công ty này có quy mô vốn điều lệ là 1.153,85 tỷ đồng với sự tham gia góp vốn của: CTCP Cảng Sài Gòn (góp 300 tỷ đồng, chiếm 26% VĐL); Vingroup (góp 512,9 tỷ đồng, chiếm 45% VĐL) và Bến Nghé IDC (góp 334,6 tỷ đồng, chiếm 29% VĐL).Gọi là “siêu dự án” vì tổ hợp Nhà Rồng - Khánh Hội được xây dựng trên khu đất rộng 45 ha, có vị trí đắc địa ngay tại trung tâm Tp. HCM, tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự án này cùng với các dự án địa ốc tại Tân Cảng Sài Gòn và Ba Son được thị trường kỳ vọng sẽ tạo nên chuỗi siêu dự án nằm ngay ven sông Sài Gòn, vị trí đẹp bậc nhất Tp. HCM.
Tháng 6/2016, Ngọc Viễn Đông tăng mạnh vốn lên 5.400 tỷ đồng. Vingroup và Cảng Sài Gòn đã không góp thêm vốn. Còn Bến Nghé IDC với phần vốn góp hơn 4.580,7 tỷ đồng, tương đương sở hữu 84,82% vốn điều lệ, đã nắm quyền chi phối tại Ngọc Viễn Đông.
Tuy nhiên, vị trí Giám đốc của Ngọc Viễn Đông không được thay thế ngay sau đó, mà phải chờ tới gần 4 năm sau mới được chuyển giao như đã đề cập. Trong khi đó, từ tháng 2/2017, Bến Nghé IDC đã dời địa chỉ trụ sở chính về một số nhà trên đường Hồ Huấn Nghiệp, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM.
[caption id="" align="aligncenter" width="666"] Trụ sở của Bến Nghé IDC trên đường Hồ Huấn Nghiệp (Ảnh: V.T)[/caption]
Trong một diễn biến đáng chú ý, chủ sở hữu của Bến Nghé IDC là CTCP Đường Khánh Hội (Khasuco) đã hoàn tất thâu tóm khu đất rộng 16.683 m2 tại 145-147 Nguyễn Tất Thành nằm ngay cạnh dự án Nhà Rồng - Khánh Hội.
Được biết, vào tháng 5/2017, Cảng Sài Gòn (Mã CK: SGP) bất ngờ có công văn gửi Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thoái hết vốn khỏi dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2019, Cảng Sài Gòn đã thay đổi ý định, đề xuất xin dừng việc thoái vốn tại công ty Ngọc Viễn Đông. Cần lưu ý rằng, phần vốn góp của Cảng Sài Gòn lúc này cũng chỉ chiếm 5,6% vốn tại chủ đầu tư dự án Nhà Rồng - Khánh Hội.
Tính đến cuối năm 2019, Ngọc Viễn Đông đã tạm ứng ngắn hạn cho Cảng Sài Gòn 78,9 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước, và tạm ứng dài hạn 850 tỷ đồng để đẩy nhanh công tác di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Việc bàn giao, tính tới ngày 31/12/2019, vẫn chưa hoàn thành.
- 1,7ha đất vàng cạnh khu phức hợp Bến Nhà Rồng về tay Đường Khánh Hội
- Đằng sau chủ đầu tư khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội
Nguyễn Ánh/Viettimes