Nổi tiếng trong giới bất động sản với tên gọi Minh Him Lam, nhưng thực ra trước khi trở thành ông chủ quyền lực của Tập đoàn Him Lam, doanh nhân này nổi danh với cái tên Minh "xoài" bởi một thương vụ buôn bán kinh điển....
"Điều kiện cần là kiến thức, điều kiện đủ là gan to”. Đó là lời khuyên khởi nghiệp của doanh nhân Dương Công Minh - biệt danh Minh "xoài". Từng phá sản, phải bán nhà trả nợ trong những ngày đầu tiên lập nghiệp khởi sự kinh doanh, hai chữ "gan to" trở nên đặc biệt rõ ràng trong quan điểm làm giàu của vị doanh nhân này.
"TÔI LÀM QUAN KHÔNG ĐƯỢC MỚI ĐI LÀM GIÀU"
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1984, ông tốt nghiệp Ngành vật giá thuộc Đại học Kinh tế kế hoạch, nay là Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Minh trở thành sĩ quan, làm việc tại công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng tại miền Nam.
Dương Công Minh tự đánh giá mình hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi để “làm quan”: tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng, học hết đại học thì đi nghĩa vụ quân sự, lại có người "đỡ đầu" làm trong ngành quân đội.
Nhưng trái ngang ở chỗ cô gái ông yêu lại là con gái của một quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. Chàng trai khi ấy đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: nếu chọn làm quan thì sẽ phải từ bỏ người yêu, ngược lại, nếu chọn nghe theo tiếng gọi của tình yêu thì sẽ cánh cửa “quan lộ” gần như đóng lại. Trước sự can ngăn của cơ quan đơn vị, ông vẫn nhất quyết cưới người mình yêu là vợ của ông bây giờ.
“Điều kiện cần thì mình có, nhưng mình lại không có điều kiện đủ, thế nên tôi buộc phải chuyển sang làm giàu. Người Việt Nam đầu tiên ai cũng muốn làm quan, làm quan không được thì mới chuyển sang làm giàu. Tôi cũng như thế và bắt đầu từ đó”, ông chủ Him Lam từng kể lại.
Sau khi xuất ngũ, ông về quê tìm đường làm giàu, tình cờ được người bạn đưa lên Lạng Sơn chơi và phát hiện một mối làm ăn mới. Nhận thấy người Trung Quốc sang Việt Nam mua chuối rất nhiều, không lâu sau, ông cùng bạn bè tìm đường xuất khẩu thức quả này sang nước bạn.
Sau chuối là xoài. Năm đầu, ông Minh cùng bạn xuất khẩu có lãi rất hấp dẫn, một lời một. Đến năm thứ hai thì tiếp tục duy trì. Ông cho biết mình chỉ muốn xuất khoảng 10 xe xoài. Nhưng với món lời hấp dẫn lên đến 20 triệu đồng/xe, vào khoảng năm 1988-1989 thì giá trị rất lớn, thế nên bạn ông đã vay mượn để huy động đến 110 xe xoài.
Nhưng trong số 110 xe, có đến 100 xe hàng không đạt chất lượng, xoài non, nhanh hỏng, khiến ông Minh lỗ sạch vốn, phải bán nhà trả nợ. Biệt danh “Minh xoài” cũng từ giai thoại này mà xuất hiện.
"HIM LAM KHÔNG PHẢI CÔNG TY GIA ĐÌNH TRỊ, MÀ LÀ ĐỘC TRỊ"
Từ vụ làm ăn lỗ sạch vốn, ông Minh phải bán ngôi nhà 1.000m2 trên đường Cộng Hòa để trả nợ cho bạn.
Trong quá trình làm thủ tục bán ngôi nhà 1.000m2, ông Minh có cơ hội tiếp xúc nhiều với môi giới nhà đất. Tuy nhiên những năm 1989, môi giới thường đòi giá rất cao khi giúp ai đó bán nhà, thường lên tới 1/7 giá bán nhà cho phí lo thủ tục.
"Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết 3 triệu đồng", ông Minh nhớ lại.
Ông Minh tự mày mò tìm hiểu cách làm thủ tục, rồi chỉ lấy giá bằng 1/10 so với giá nhà. Công ty Him Lam ra đời từ đó, trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên làm về nhà đất được mở tại Tp.HCM. Cái tên Him Lam được lấy cảm hứng từ tên địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, mang theo khát vọng của người sáng lập, cũng có thể gây được tiếng vang như thế trong tương lai.
Ngày thành lập Him Lam cũng là ngày ông Dương Công Minh một lần nữa đưa ra quyết định liều lĩnh, khi vừa phá sản đã vay nóng, vay lãi suất cao để khởi nghiệp, đồng thời thuê thêm nhân sự kiến trúc sư, kỹ thuật. Nhưng lúc ấy, ông cho rằng bản thân chẳng còn gì để mất, cùng lắm là về âm, nhưng âm về tài sản, còn dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh. Cái lớn nhất là bản lĩnh.