Khoảng một năm sau khi đóng cửa tại Mỹ, phần còn lại của thương hiệu đồ chơi Toys 'R' Us “tưởng như không còn tồn tại” sẽ trở lại vào mùa lễ giáng sinh 2019 với việc mở một số cửa hàng ở Mỹ và một trang web thương mại điện tử, nguồn tin của Bloomberg cho hay.
Sự hồi sinh
Richard Barry, cựu Giám đốc Toys ‘R’ Us, hiện đang là giám đốc điều hành của Tru Kids Inc., đã đưa ra tầm nhìn “tái sinh” chuỗi cửa hàng nổi tiếng này tại một hội nghị trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi, kế hoạch chi tiết không được công khai.
Các cửa hàng dự kiến rộng khoảng 900 m2, gần bằng 1/3 diện tích các cửa hàng lớn mà Toys ‘R’ Us đóng cửa năm ngoái. Các địa điểm cũng sẽ có nhiều trải nghiệm hơn, như khu vực chơi. Một số người cho biết, mô hình hàng ký gửi sẽ được sử dụng để giảm thiểu chi phí. Các nhà sản xuất đồ chơi có thể gửi bán hàng tại hệ thống cửa hàng Toys ‘R’ Us và nhận được tiền trả lại sau khi bán được hàng.
Toys 'R' Us từng đạt doanh thu 7 tỷ USD/năm tại Mỹ với hệ thống cửa hàng lên tới 700 điểm trong đó bao gồm cả thương hiệu Baby ‘R’ Us. Việc thương hiệu này phá sản đã tạo ra một khoảng trống lớn trên thị trường đồ chơi Mỹ. Và Walmart Inc., Target Corp và Amazon.com Inc. đã gia nhập cuộc chơi để lấp đầy khoảng trống đó.
Họ có tất cả các loại đồ chơi, các kênh tiếp thị vĩ mô. Các chuỗi bán lẻ phi truyền thống khác cũng nhảy vào cuộc chiến, trong đó có hệ thống cửa hàng tạp hóa và Party City Holdco Inc.
Toys 'R' Us từng là chuỗi đồ chơi nổi tiếng của Mỹ. Ảnh: CNBC.
Và liệu có những nhà sản xuất đồ chơi nào sẽ làm việc với Toys ‘R’ Us khi nhiều người đã mất tiền trong thời kỳ công ty tuyên bố thanh lý vào tháng 3/2018 và chỉ vài tháng sau nộp đơn xin phá sản.
Giám đốc điều hành của MGA Entertainment Inc. , một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, Isaac Larian tuyên bố sẽ tham gia cùng Toys ‘R’ Us, mặc dù các cửa hàng của chuỗi này hiện mới ở trong “tưởng tượng”. MGA Entertainment Inc. đồng thời là công ty chủ quản của Little Tikes, L.O.L. Surprise! và hãng búp bê Bratz.
Trong một cuộc phỏng vấn, Larian cho biết: “Thị trường đồ chơi cần những cửa hàng đứng độc lập, chắc chắn vậy. Chúng tôi sẽ bán cho họ hàng của mình".
Trong quá trình phá sản của chuỗi cửa hàng Toys ‘R’ Us, “các chủ nợ” của công ty là Solus Alternative Asset Management và Angelo Gordon đã nắm quyền kiểm soát tài sản của công ty. Sau khi kết quả không được cải thiện, họ đã chọn việc đóng cửa các cửa hàng tại Mỹ, chi nhánh tại Australia và các khu vực khác. Về hệ thống ở châu Á và Canada, đã được thay tên đổi chủ.
Mặc dù cố gắng bán tài sản trí tuệ, nhưng cuối cùng họ đã chọn giữ lại thương hiệu để có thể thu về lợi nhuận tốt hơn. Là chủ sở hữu của tài sản trí tuệ, họ đã thu thập giấy phép và các khoản phí khác từ các cửa hàng vẫn đang hoạt động và bán cho họ hàng hóa nhãn hiệu riêng.
Solus Alternative Asset Management và Angelo Gordon sau đó thành lập Tru Kids với mục tiêu hồi sinh thương hiệu Toys ‘R’ Us ở Mỹ và các khu vực khác. Theo kế hoạch đó, họ đã chiêu mộ một số “cựu chiến binh” trong ngành và ký một thỏa thuận để đưa Toys “R” Us và Babies “R” Us trở lại Australia thông qua một đối tác.
Charles Lazarus, người sáng lập Toys 'R' Us. Ảnh: Getty Images.
...Từ quá khứ thất bại
Lịch sử của Toys 'R' Us bắt đầu từ năm 1948, khi người sáng lập Charles Lazarus mở một cửa hàng nội thất trẻ em tại Washington có tên Children’s Bargain Town. Lazarus mở cửa hàng Toys 'R' Us đầu tiên vào năm 1954.
Sau đó, Toys 'R' Us đã thống trị mảng kinh doanh cửa hàng đồ chơi vào những năm 1980 và đầu những năm 1990, với những mẫu đồ chơi mới nhất và không gian trưng bày rộng lớn. Sức mạnh của nó tăng lên khi các đối thủ cạnh tranh Kiddie City và Child World ngừng hoạt động.
Toys ‘R’ Us đã mở rộng số lượng các cửa hàng trong hệ thống với tầm nhìn là chuỗi đồ chơi lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, song hành với hoạt động mở rộng quy mô, Toys ‘R’ Us không chú ý nhiều đến chất lượng cửa hàng, không loại bỏ những cửa hàng yếu kém và thiếu tập trung vào phát triển con người.
Đồng thời, hãng đồ chơi này còn bỏ lỡ cơ hội khi tham gia thị trường như là một điểm đến tổ chức sự kiện trong không gian to rộng của các cửa hàng bán đồ chơi. Toys ‘R’ Us thất bại trong việc biến niềm vui có được từ đồ chơi thành một thứ gì đó còn hữu hình hơn thế. Đây có lẽ là một trong những sai lầm lớn nhất của công ty. Trong sự lơ là của mình, Toys ‘R’ Us đã để những đồ chơi mà nó bán trở thành hàng hóa. Điều đó khiến công ty dễ bị “lung lay” khi các đối thủ mạnh khác bắt đầu tham gia thị trường.
Bong bóng dot-com xảy ra và EToys, công ty khởi nghiệp đồ chơi internet được thành lập năm 1997, ra mắt công chúng 2 năm sau đó có vốn hóa thị trường vượt qua Toys ‘R’ Us.
Sai lầm tiếp theo dẫn đến thất bại của công ty đó là cuộc giao dịch “quá đắt đỏ” với Amazon. Trên thực tế, cuộc giao dịch này đã lấy đi của Toys ‘R’ Us không chỉ 50 triệu USD tiền hợp đồng để được “độc quyền” phân phối đồ chơi mà lấy đi cả thời gian theo một vụ kiện về vi phạm hợp đồng, cùng với đó là cơ hội bán hàng trong cuộc chiến thương mại điện tử và rất nhiều khách hàng. Kết cục cuối cùng, công ty gánh trên vai một khoản nợ lớn và tuyên bố phá sản năm 2018.
Trang Trang/NDH