Co-founder NextSmarty: Bỏ công việc chuyên gia AI nhàn nhã nhiều tiền để khởi nghiệp vì ‘bị đàn anh dụ dỗ’

28/09/2019 09:17

Theo Co-Founder NextSmarty, trong quá trình khởi nghiệp, các founder thường phải xử lý rất nhiều công việc có tên và không tên khác nhau, nhưng nếu tất cả đều hướng đến việc mang lại những gì tốt nhất cho công ty, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn.


Theo Co-Founder NextSmarty, trong quá trình khởi nghiệp, các founder thường phải xử lý rất nhiều công việc có tên và không tên khác nhau, nhưng nếu tất cả đều hướng đến việc mang lại những gì tốt nhất cho công ty, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn.

NextSmarty đang là một trong những startup nổi bật trong lĩnh vực AI tại Việt Nam. Họ vừa được quỹ 500 Startup chọn vào chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng tốc tên Sao La. Mặc dù mới khởi hành được vài năm, nhưng quãng đường mà Nextsmarty đã đi tương đối xa. Hiện họ đã chính thức hoạt động ở thị trường châu Âu, châu Á và tất nhiên là tại Việt Nam. Những khách hàng và đối tác của họ mà chúng ta có thể biết có Microsoft, Viettel, Nhạc Của Tui, Finhay…

Sở dĩ NextSmarty có thể đi nhanh đến thế là nhờ Trịnh Xuân Tuân – Co-Founder đồng thời là ‘linh hồn’ của doanh nghiệp, có được tầm nhìn và tư duy đúng trong công việc cũng như lập nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, startup sinh năm 1984 này cho rằng, khởi nghiệp là một công việc rất ‘hại não, mệt tim’, nhưng nếu các founder luôn sáng suốt ưu tiên những gì tốt nhất cho công ty trong mọi hoàn cảnh, mọi chuyện sẽ ổn.

Ví dụ: do nhận thấy mình không giỏi công việc điều hành doanh nghiệp, sắp tới NextSmarty sẽ có một CEO uy tín về quản lý tất cả mọi thứ, anh chỉ cần quan tâm đến chuyện kỹ thuật sở trường của mình, bởi ‘điều này tốt cho doanh nghiệp’. Hoặc như nói về trí tuệ nhân tạo - AI, theo Trịnh Xuân Tuân, AI cũng chỉ là một công nghệ như rất nhiều công nghệ khác và nó không hề vạn năng, nó chỉ tốt và mang lại hiệu quả kinh tế khi được áp dụng vào đúng chuyện – giải quyết đúng vấn đề.

Bỏ công việc chuyên gia AI nhàn nhã nhiều tiền để khởi nghiệp với NextSmarty vì ‘bị đàn anh dụ giỗ’

Như rất nhiều startup khởi nghiệp trong ngành công nghệ khác, Trịnh Xuân Tuân có một nền tảng khá bài bản. Anh từng là học sinh của trường THPT Chuyên Toán – Tin, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nôi và tốt nghiệp Khoa công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội, rồi sau đó tốt nghiệp thạc sỹ ở trường Uppsala University (Thụy Điển). "Những năm đó, AI mới manh nha ở Việt Nam, trong khi tìm hiểu tôi cảm thấy thích thú, nên đã theo học", Co-Founder Trịnh Xuân Tuân cho biết.

Co-founder NextSmarty: Bỏ công việc chuyên gia AI nhàn nhã nhiều tiền để khởi nghiệp vì ‘bị đàn anh dụ dỗ’ - Ảnh 1.

Năm 2018, lần đầu tiên Trịnh Xuân Tuân cùng NextSmarty tham dự hội chợ công nghệ lớn nhất Nhật Bản - Japan IT Week để giới thiệu sản phẩm ra các thị trường quốc tế.

Theo Trịnh Xuân Tuân, anh khởi sự với NextSmarty bởi hai nguyên do. Cách đây hơn 3 năm, lúc đang cộng tác với một doanh nghiệp thương mại điện tử tại Đức, anh nghe họ phàn nàn là họ không biết làm sao giữ được chân những khách hàng đến nền tảng của họ lần đầu, bởi họ không có được dữ liệu đủ của khách hàng đó nhằm đưa ra những đề nghị món hàng đúng với nhu cầu từ khách.

Anh nhận ra là dùng công nghệ AI – cụ thể là machine learning kết hợp với nhiều công nghệ khác là có thể giải quyết được vấn đề. Alibaba và Amazon đã phát triển được công nghệ này và họ đang làm rất tốt; nhưng các doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ và vừa thì không được thế, vì họ không đủ nguồn lực lẫn con người.

Thêm nữa, trong một lần gặp những đàn anh đi trước trong ngành, họ cứ xúi anh "khởi nghiệp đi,  khởi nghiệp vui lắm".

Vậy là, Trịnh Xuân Tuân khởi nghiệp trong tâm thế vui vẻ như thế. Anh thậm chí còn không thèm để tâm tới những nghi ngại của mọi người chung quanh khi họ nói anh đang bỏ vùng đất an toàn – nhàn nhã mỗi tháng kiếm vài ngàn đô với công việc của một kỹ sư công nghệ cao cấp; để dấn thân vào câu chuyện khởi nghiệp vô định. Để ‘ăn mừng’ ngày đầu khởi sự, anh còn ra hàng mua hẳn một server mắc tiền nhất trong cửa hàng, đánh động tới chủ cửa hàng ra mặt xem khách hàng nào mà ‘chịu chơi’ như thế.

Về nhân sự, anh đã đi rủ rê những người từng cộng tác với mình trước đó, có khả năng - phù hợp với nhu cầu phát triển của NextSmarty, cũng như có cùng tầm nhìn cũng như khát vọng giống mình, về làm việc cùng. Thế nên, bộ phận nhân sự cao cấp của NextSmarty trong từng thời kỳ, luôn có cả trong lẫn ngoài nước.

"Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ và AI, nhưng khởi nghiệp là câu chuyện rất khác. Chỉ mới cách đây không lâu, tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng, suýt nữa thì bỏ cuộc và chấm dứt dự án NextSmarty. Sự bế tắc trong công việc khiến tôi liên tục mất ngủ và đau bao tử dữ dội, nên gia đình khuyên tôi nên bỏ hết về ‘làm công ăn lương’ như trước đây.

Trong lúc tôi cũng đang phân vân nên tiếp tục hay dừng lại - vì rõ ràng cả cơ thể lẫn tinh thần của mình đang không ổn và khiến gia đình lo lắng, thì có một anh làm cố vấn cho NextSmarty ngay từ khi dự án bắt đầu, đã gọi điện cho tôi và hỏi lý do vì sao tôi lại gặp khó khăn, sau đó anh ấy đã cho tôi những lời khuyên hết sức bổ ích. Có thể nói, cú điện thoại của người cố vấn đó đã cứu sự nghiệp khởi nghiệp vẫn còn non trẻ của tôi", Trịnh Xuân Tuân kể.

Co-founder NextSmarty: Bỏ công việc chuyên gia AI nhàn nhã nhiều tiền để khởi nghiệp vì ‘bị đàn anh dụ dỗ’ - Ảnh 2.

Các học sinh và sinh viên Hà Lan đang đến tìm hiểu mô hình kinh doanh của NextSmarty tại trụ sở công ty.

Anh còn kể vui là, sau này khi gặp lại những người đàn anh đã khuyên "khởi nghiệp vui lắm", anh đã nói với mọi người là "Các anh lừa em!"; thì mọi người còn nói, ‘À, bây giờ thì Tuân mới đúng là đang khởi nghiệp!".

Làm gì cũng phải ưu tiên điều tốt nhất cho doanh nghiệp

Trong khi khởi nghiệp, các founder không chỉ phải đấu với đối thủ trên thương trường, quản lý nhân sự của công ty mà còn phải đấu tranh với những khiếm khuyết của bản thân để lèo lái startup đi đúng hướng. Trịnh Xuân Tuân cũng thế.

Thế nên, chính bản thân anh cũng phải liên tục phát triển những kỹ năng khác nhau nhằm hoàn thiện bản thân. Ngoài chuyên môn công nghệ của mình, hằng ngày anh phải trau dồi khả năng thuyết trình, thu hút nhân tài, quản lý nhân sự, thuyết phục khách hàng… Muốn phát triển doanh nghiệp, thì bản thân các founder phải không ngừng học hỏi để giữ cho tư duy của mình đi đúng hướng.

"Bí quyết của tôi khiến công ty không bao giờ lạc hướng bởi những suy nghĩ – cảm xúc chủ quan của mình là làm bất cứ điều gì cũng đều vì tốt nhất cho công ty; từ chuyện tuyển nhân sự cho đến cách làm việc với khách hàng", Trịnh Xuân Tuân tiết lộ.

Như chúng tôi đề cập từ đầu bài, NextSmarty sắp có một CEO mới hết sức uy tín. Khi đưa ra quyết định hợp tác với đàn anh này, Trịnh Xuân Tuân không có bất cứ băn khoăn nào như sợ người mới vào sẽ tiếm quyền. Vì theo anh, mỗi người nên tập trung vào việc mình làm tốt nhất, mà rõ ràng anh làm công việc về chuyên môn tốt hơn quản lý doanh nghiệp, vậy tại sao lại không trao quyền. Thêm nữa, anh muốn có 10% cổ phần trong công ty 1 tỷ USD, chứ không muốn có 100% cổ phần trong công ty 10 triệu USD.

Co-founder NextSmarty: Bỏ công việc chuyên gia AI nhàn nhã nhiều tiền để khởi nghiệp vì ‘bị đàn anh dụ dỗ’ - Ảnh 4.

NextSmarty là một trong những startup được chọn tham gia vào chương trình tăng tốc - Saola của Quỹ 500 Startup.

Nguyên tắc tuyển người của NextSmarty trước giờ cũng thế, startup này chỉ tuyển những người phù hợp với từng giai đoạn phát triển và nhu cầu cụ thể, không quan tam tới quốc tịch hoặc học vấn. "Hoạt động kinh doanh của NextSmarty sẽ trải rộng trên toàn cầu, tuyển một anh kỹ sư/kinh doanh tại Đức sẽ phục vụ cho thị trường Đức tốt hơn là người Việt. Nếu tuyển người Việt, ngoài họ không hiểu tình hình kinh tế - văn hóa của Đức, chúng ta còn tốn thêm tiền để họ qua Đức công tác", Trịnh Xuân Tuân chia sẻ kinh nghiệm.

Với Tuân, khi nói về NextSmarty, tùy từng đối tượng cụ thể để có cách diễn đạt khác nhau, làm sao cho tất cả mọi người đều hiểu bản chất mô hình kinh doanh hoặc sản phẩm cụ thể của startup này là gì. Với nhà đầu tư chuyên về công nghệ, chỉ cần anh nói một vài nét chính, họ sẽ hiểu rất nhanh; nhưng với những người không chuyên về công nghệ, ví dụ như phóng viên kinh tế giống chúng tôi, anh buộc phải giải thích cặn kẽ và dễ hiểu hơn.

Quan niệm của Tuân là nếu người đối diện không hiểu những gì anh muốn nói, tức là anh đang có vấn đề về diễn đạt và khả năng diễn đạt của anh chưa hiệu quả. "Đừng nên nghĩ là vì công nghệ của mình cao siêu quá, nên người ta không đủ tầm để hiểu", Co-Founder NextSmarty kết luận.

AI chỉ là một công nghệ như hàng ngàn công nghệ, không phải đồ trang sức

Ở khía cạnh khác, Trịnh Xuân Tuân không chỉ đề cao tính hiệu quả trong điều hành doanh nghiệp của mình, mà anh cũng luôn muốn mang đến cho khách hàng lợi ích cao nhất với chi phí thấp nhất có thể. Thế nên, anh khá bức xúc với việc, rất nhiều người ở Việt Nam cho rằng AI là ‘vạn năng’ và có thể giải quyết được tất cả vấn đề cũng như việc có nhiều doanh nghiệp khác mang AI ra để lòe khách hàng và đối tác, trong khi rõ ràng mình không có chuyên môn.

"Về bản chất, AI cũng chỉ là công nghệ như hàng ngàn công nghệ đã ra đời trước đây. Sở dĩ, nó được nhiều người trên thế giới nhắc đến liên tục vì đây là công nghệ mới và có không gian phát triển lớn. Giống như các công nghệ khác, có nhiều bài toán mà AI có thể giải được, nhưng có nhiều bài toán AI không thể giải được. Hoặc có những bài toán, chỉ cần một vài công nghệ cũ hơn là đã có thể giải được, không cần phải nhờ cậy tới AI, vì nếu dùng AI chẳng khác nào ‘dùng dao mổ trâu để mổ gà’.

Thêm nữa, tùy từng thị trường. Cùng 1 bài toán, nhưng tại Mỹ, chúng ta có thể dùng AI để tối ưu chi phí hoạt động do lương nhân công bên đó cao, trong khi tại Việt Nam, chúng ta có thể thuê một vài người làm việc đó vẫn rẻ hơn là đầu tư công nghệ AI để giải quyết vấn đề", Trịnh Xuân Tuân nhận định.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số trước và tìm cách tự động hóa tất cả các hoạt động kinh doanh của mình, sau đó thu thập dữ liệu qua các nguồn khác nhau, rồi sau đó mới cân nhắc chuyện có dùng AI hay không và dùng như thế nào, ở đâu, giải quyết vấn đề gì. Thế nên, thay vì hỏi câu hỏi ‘có nên dùng AI hay không?', các doanh nghiệp cần phải hỏi câu hỏi 'liệu công nghệ AI có mang lại hiệu quả lớn nhất cho doanh nghiệp hay không?',


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ