Từ phát biểu bất thường của ông Nguyễn Duy Hưng
Ngay khi sự cố tại Con Cưng xảy ra, bằng những thông tin có được qua báo giới, ông Nguyễn Duy Hưng đã nhanh chóng phát biểu những lời lẽ đanh thép về chuỗi cửa hàng này trên trang facebook cá nhân.
Cụ thể, ông Hưng khẳng định ngay: “Hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được”. Đồng thời, ông nói dù là cổ đông của Con Cưng nhưng Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) không bao che hay kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông. Phát biểu nhanh nhẹn này của ông Hưng khiến người tiêu dùng tăng thêm niềm tin rằng Con Cưng đang bán hàng giả, dù chưa có kết luận nào của cơ quan quản lý thị trường.
Không biết có nhằm mục đích tranh thủ uy tín trên mạng xã hội hay để thể hiện kiến thức về luật pháp hay không, mà ông Hưng còn nhấn mạnh về tính chất phạm tội. “Nếu đây là lỗi cố tình vi phạm thì phải khởi tố hình sự”, ông viết trên trang cá nhân. Phát biểu này, chưa xét đến tính chất đúng sai về góc độ pháp lý, đã vô tình làm trầm trọng hóa thêm vấn đề và khiến khách hàng thêm lo sợ. Điều này cũng khiến Con Cưng càng bị nghi ngờ nhiều hơn khi “dính” với hình ảnh phạm tội hình sự.
Bộ Công thương kết luận Con Cưng không bán hàng giả |
Rất nhiều người đã nhanh chóng đồng tình với phát biểu của ông Hưng. Nhưng cũng không ít người tỏ ra lo ngại và đặt vấn đề về phát biểu đó.
Con Cưng được Quỹ Daiwa-SSIAM II rót vốn vào đầu năm 2017. Chiến lược của quỹ này là nắm 10-30% và rót khoảng 4-6 triệu USD cho mỗi khoản đầu tư. Như vậy, quỹ này đang là cổ đông lớn của Con Cưng. Quỹ này do Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý, SSIAM do SSI nắm 100% vốn. Tại SSI và SSIAM, ông Hưng đều giữ vài trò Chủ tịch. Khi đầu tư vào Con Cưng, SSIAM hứa hỗ trợ công ty này về quản trị, kết nối để tiếp cận được nhiều tổ chức quốc tế. Vậy mà ngay trong lúc Con Cưng khó khăn nhất, ông Hưng lại có những phát biểu trái chiều khiến uy tín công ty mà ông đầu tư bị ảnh hưởng thêm?! Cho đến nay, ông Hưng cũng chưa từng công bố kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ Con Cưng.
Đặc biệt hơn, chắn chắn ông Hưng cũng ý thức được rằng, ở vị thế của ông, mỗi lời ông nói ra sẽ rất có giá trị và ảnh hưởng rất lớn, nhưng ông vẫn không chút dè dặt. Với vai trò chủ tịch, ông đang quản lý những công ty có giá trị hơn 1 tỷ USD. Ngoài SSIAM, hai công ty khác là SSI và Tập đoàn PAN đã có giá trị vốn hóa gần 22.000 tỷ đồng.
Đến nghi vấn có bàn tay Trung Quốc đứng sau
Còn nhớ, khi cơ quan quản lý thị trường đang kiểm tra ở các cửa hàng Con Cưng và chưa có bất kỳ kết luận nào, thì một số cơ quan báo chí đã sớm kết luận rằng Con Cưng có nhiều vi phạm cụ thể. Phải chăng những áp lực truyền thông này do một số bàn tay nào đó đứng phía sau tác động?
Con Cưng đang bán lẻ các sản phẩm dành cho mẹ và bé thông qua khoảng 350 cửa hàng trên toàn quốc. Đơn vị này cũng đang dẫn đầu thị trường có giá trị khoảng 5 tỷ USD với rất nhiều thương hiệu cạnh tranh như Bibomart, KidsPlaza, Tuticare… Với một thị trường có quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh dựa trên nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân Việt Nam như vậy, doanh nghiệp trong ngành bị đối thủ dùng “đòn bẩn” để cạnh tranh cũng không có gì lạ. Nỗi lo ngại bị cạnh tranh không lành mạnh của Con Cưng cũng như của nhiều chuỗi kinh doanh hàng tiêu dùng khác hiện nay, có phần đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Mới đây, hồi giữa tháng 7/2018, chuỗi bán hàng tiêu dùng Miniso đã bị công ty Trung Quốc mua lại 80% cổ phần. Nhượng quyền từ doanh nghiệp Trung Quốc hồi tháng 8/2016, Miniso được người dùng Việt đón nhận và nhanh chóng phát triển quy mô lên 40 cửa hàng sau 18 tháng đầu tư. Vào cùng thời điểm Con Cưng xảy ra sự cố, một lãnh đạo cấp cao của Miniso xác nhận, phía cổ đông lớn Trung Quốc đặt vấn đề mua tiếp phần vốn còn lại của các cổ đông Việt Nam. Như vậy, mục đích thâu tóm Miniso của doanh nghiệp Trung Quốc đã quá rõ.
Nhìn xa hơn, tạo ra sự hỗn độn thông tin để sau đó thâu tóm công ty mục tiêu với giá rẻ, vốn là “chiêu bài” quen thuộc của các gian thương Trung Quốc trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, nhiều chuỗi cửa hàng tương tự Miniso do Trung Quốc làm chủ cố tình treo biển hàng Nhật, hàng Thái nhưng chủ yếu bán hàng Trung Quốc. Điều này gây ra sự xáo trộn thị trường hàng tiêu dùng Việt, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị mang tiếng lây vì người tiêu dùng hoang mang giữa ma trận hàng thật -hàng giả. Một khi Con Cưng bị lún sâu vào khủng hoảng, liệu có một doanh nghiệp Trung Quốc nhiều tiền nào đó đặt vấn đề mua lại chuỗi Con Cưng với giá rẻ không?
Con Cưng cũng là một thương hiệu Việt được gầy dựng lâu năm và phục vụ người tiêu dùng Việt. Thực tế, phía sau thương hiệu này không chỉ là hình ảnh lãnh đạo công ty xuất hiện để đứng mũi chịu sào, mà còn là cuộc sống của hàng ngàn người lao động khác. Trước khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nên cẩn trọng với những kết luận vội vàng từ nhiều phía. Nếu không suy xét kỹ, có khi chính chúng ta là người tiếp tay cho các doanh nghiệp bẩn giết chết thương hiệu Việt. Nguy hiểm hơn, hệ thống phân phối hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt có nguy cơ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc.
Dương Nguyễn - Vũ Hoàng
Người tiêu dùng