Lắng nghe ý kiến của một đám đông nhỏ đôi khi lại giúp doanh nghiệp đi đầu xu thế và tìm kiếm cơ hội mới.
“Từ ngày 1.1.2019, các dụng cụ phục vụ món sẽ được chuyển sang chất liệu có thể tự phân hủy sinh học.” - là lời khẳng định của Starbucks Việt Nam. Chuỗi cửa hàng cà phê đến từ Mỹ cho biết trong một tờ rơi phát bên trong hệ thống. Chiến dịch này một phần nằm trong kế hoạch giảm thải rác nhựa toàn cầu của Starbucks. Trước đó, tại Việt Nam, một số cửa hàng đã rục rịch tìm tới các sản phẩm ống hút thay thế thân thiện với môi trường như cỏ, giấy, tre và cả kim loại.
XU HƯỚNG TỪ BỎ ỐNG HÚT NHỰA
Hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái, Starbucks công bố trong thông cáo báo chí, đến năm 2020, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới này sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa khỏi hơn 28.000 cửa hàng trên trên toàn cầu. Starbucks cho biết sẽ dành ra ngân sách khoảng 10 triệu USD để thực hiện chiến dịch thay thế hơn một tỉ ống hút nhựa phục vụ cho các thức uống lạnh của công ty mỗi năm. McDonald’s, một trong những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, cũng khởi động chiến dịch tương tự. Trên thực tế, đây là vấn đề xuất phát từ mong muốn của khách hàng.
Ống hút thân thiện với môi trường xuất hiện từ trước khi có ống hút nhựa. Tại Việt Nam, nhóm người dân tộc K’Ho, sinh sống vùng núi của tỉnh Lâm Đồng, từ lâu đã biết chế ra các ống cần làm bằng tre nứa, dài, dùng để hút rượu, ủ bên trong hũ kín. Cách uống thứ rượu đặc sản này vẫn còn tồn tại cho đến nay. Người K’Ho không phải những người đầu tiên nghĩ ra việc uống rượu từ các ống. Từ 5.000 năm trước, khi phát minh ra bia, người Ai Cập cổ đại đã biết sáng tạo ra những ống trụ kim loại để đưa chất lỏng từ đáy bình lên để uống.
Tuy nhiên, loại ống hút có hình dạng nhỏ gọn, mềm, dễ uốn cong, xuất hiện phổ biến khắp nơi trên thế giới lại được phát minh bởi một người Mỹ tên Marvin Chester Stone. Vào một ngày mùa hè năm 1888, tại Washington, D.C, trong lúc tình cờ khi đang thưởng thức một ly Mint Julep, Marvin nảy ra ý tưởng dùng bút chì quấn mảnh giấy để hút nước. Mẫu ống hút giấy đầu tiên ra đời. Ông ngay lập tức đăng kí bằng sáng chế và mở nhà máy sản xuất đại trà.
Ống hút thời bấy giờ được các bệnh viện chuộng dùng vì chúng cho phép các bệnh nhân có thể uống nước ở trên giường bệnh. Ống hút nhựa phát triển mạnh khi xu hướng sản xuất đồ dùng bằng nhựa bùng nổ vào thời kì Chiến tranh thế giới thứ 2.
Trải qua nhiều phiên bản khác nhau, ngày nay, ống hút nhựa đã trở nên phổ biến, là phần không thể thiếu của các thức uống trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 500 triệu ống hút nhựa dùng một lần thải ra ngoài môi trường mỗi ngày tại Mỹ, theo ecocycle.org. Tổ chức oceanconservancy.org thống kê, ống hút nhựa đứng thứ năm trong nhóm 10 loại rác thải phổ biến nhất đổ ra biển.
Nam Định | 2018
Những năm gần đây, các chiến dịch kêu gọi loại bỏ ống hút nhựa của cộng đồng nêu đích danh các chuỗi nhà hàng lớn như McDonald’s hay Starbucks đã thu hút hàng trăm ngàn người tham gia ký tên trên change.org. Chiến dịch cũng lan tỏa sang nhiều chuỗi khách sạn, nhà hàng khác. Hyatt cho biết chỉ phục vụ ống hút nhựa với những khách hàng có yêu cầu từ đầu năm 2018. Ngoài ra các thương hiệu nổi tiếng khác như IKEA, Nestlé, Burger King cũng đã có kế hoạch cho việc cắt giảm hoặc ngừng sử dụng ống hút nhựa.
Theo nhận định của Richard Kentenbaun (chuyên gia bán lẻ, một cây bút cộng tác với tạp chí Forbes Mỹ), nhìn ở góc độ marketing, một thương hiệu bán lẻ thông minh, muốn đi theo một mô hình kinh doanh tốt, sẽ biết cách lắng nghe cả những khách hàng nhạy cảm với các vấn đề về môi trường và vận dụng nó vào thực tiễn. Change.org thì nhận định, khách hàng thậm chí còn sẵn sàng chi thêm tiền cho những chuỗi cửa hàng tham gia chiến dịch nói không với ống hút.
Khánh Hòa | 2018
Câu chuyện về đám đông kêu gọi tẩy chay ống hút nhựa khá tương tự với ý tưởng mang tên Quyền lực mới (New Power). Quyền lực này sinh ra trong thời đại kết nối số toàn cầu, do tác giả Henry Timms chỉ ra trên ấn phẩm Harvard Business Review. Theo Henry Timms, không giống kiểu quyền lực cũ, do một số người chi phối và đi từ trên xuống, “quyền lực mới hoạt động theo một dòng chảy, tạo nên bởi nhiều người, mang tính rộng mở có sự tham gia và theo định hướng ngang hàng”. Đặc điểm của những chiến dịch như kêu gọi tẩy chay ống hút nhựa thường là không rõ ai là người đầu tiên khởi xướng và không biết nó đi về đâu. Các chiến dịch tiêu biểu hình thành một quyền lực đám đông khác mà Henry Timms chỉ ra như #Metoo, #BlackLivesMatter và #MarchForOurLives.
Việt Nam nằm trong nhóm bốn nước có lượng rác thải xả ra biển nhiều nhất thế giới, theo báo cáo của sciencemag.org. Các tổ chức môi trường đưa ra cảnh báo, đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cả lượng cá trên đại dương. Theo thống kê của globalcitizen.org, hiện có nhiều thành phố, quốc gia và vùng lãnh thổ từ châu Phi (Kenya) cho đến châu Á (Đài Loan, Ấn Độ), châu Âu (Anh, Pháp) ban hành lệnh cấm các sản phẩm dùng một lần làm từ nhựa.
Bình Thuận | 2018
CƠ HỘI CHO NGƯỜI TIÊN PHONG
Đám đông tạo nên phong trào tẩy chay ống hút nhựa cũng đã truyền cảm hứng cho thị trường tìm tới các sản phẩm ống hút làm từ cỏ, tre, giấy hay kim loại. Phong trào cũng lan sang Việt Nam khi các cửa hàng, nhà hàng tại Việt Nam cũng bắt đầu đi theo xu hướng và lăng xê cho sản phẩm của mình không dùng ống hút nhựa.
Đồng thời, các mô hình sản xuất ống hút bằng các chất liệu thân thiện với môi trường hơn như cỏ, kim loại, giấy xuất hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam. Sau gần nửa năm lên ý tưởng và tìm tòi cách tạo ra ống hút làm từ nguyên liệu cỏ lau sậy, đến nay mỗi ngày Nguyễn Thành Đạt, đồng sáng lập cơ sở sản xuất Ống hút sậy có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP.HCM, lại đi giao khoảng năm mẫu thử cho khách hàng từ các nơi như Cần Thơ, Bình Dương hoặc Hội An. Cây lau sậy sinh trưởng ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và ôn đới. Một cây lau sậy có thể dài hơn ba mét và có thể thu hoạch hai lần trong năm. Theo Đạt, các khách hàng trong và ngoài nước đều có mức độ tiếp nhận rất tốt với các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút lau sậy. Sản phẩm này có ưu thế nhẹ hơn ống hút tre nhưng cũng có thời gian bảo quản dài gần như tương đương.
Khánh Hòa | 2018
Cuối năm 2018, thông qua đối tác logistics Việt Nam, các nhóm khách hàng nước ngoài đầu tiên đến từ Pháp, Hàn Quốc, trực tiếp đến xưởng của Đạt để đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu. Đạt cho biết, khách hàng nước ngoài yêu cầu số lượng lớn khoảng 500.000 – 1.000.000 ống hút cho mỗi lô hàng xuất khẩu. Trong khi công suất hiện tại của cơ sở sản xuất mang tên Ống hút sậy chỉ sản xuất khoảng 4.000 - 5.000 ống hút sậy mỗi ngày, tức tối đa khoảng 150.000 ống/tháng. Đạt chia sẻ, khách hàng nước ngoài thường có xu hướng sử dụng các sản phẩm dùng một lần hoặc trong suốt như ống hút thủy tinh hơn là các ống hút inox để đảm bảo vệ sinh. Nguyên liệu đầu vào là một trong những bài toán quan trọng mà ông chủ Ống hút sậy đang tìm cách giải.
Theo Đạt, với những sản phẩm mới như ống hút lau sậy, người sản xuất phải thực sự có đam mê để theo đuổi tới cùng. Hiện tại, kinh doanh bất động sản là công việc đem lại thu nhập chính của chàng trai 9X học mỹ thuật nhưng lại đam mê kinh doanh và đến với ý tưởng ống hút sậy vì nhận ra có quá nhiều sản phẩm dùng một lần đang thải ra môi trường mỗi ngày.
Bình Thuận | 2018
Ống hút hiện tại tại các cửa hàng, quán nước có giá khoảng 50 đồng/ống. Trong khi đó, giá bán ra của ống hút lau sậy đang vào khoảng 500 - 1.000 đồng/ống. Đạt chia sẻ, đa phần khách hàng của Ống hút sậy là những quán mới mở. Trong khi theo quan sát, các quán đã hoạt động từ lâu lại có xu hướng chọn các sản phẩm có thể dùng lại nhiều lần như inox.
Trong xu hướng ống hút thân thiện môi trường, người hưởng lợi nhiều nhất là khách hàng. Bài toán mà các cửa hàng phải giải quyết là việc cân bằng chi phí và lợi nhuận nhưng bên cạnh đó, đổi lại cửa hàng sẽ nhận điểm cộng về hình ảnh thương hiệu. Đạt nhận định, khoảng hai năm nữa thị trường ống hút thân thiện với môi trường mới thực sự bùng nổ ở Việt Nam. Ông chủ Ống hút sậy cũng đặt kế hoạch tăng công suất lên thành 10.000 ống mỗi ngày trong vòng vài tháng tới.
Câu chuyện sản xuất ống hút thân thiện môi trường tại Việt Nam gần đây bắt đầu có sự tham gia của doanh nghiệp sản xuất dây chuyền công nghiệp. Với kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Hậu ở TP. Sa Đéc, Đồng Tháp cho biết đã đầu tư dây chuyền sản xuất ống hút bột có công suất 100.000 ống mỗi ngày. Hiện công ty có ba đơn hàng xuất khẩu qua Nhật Bản và Hàn Quốc, một đơn hàng trong nước.
Thành phần chủ yếu trong ống hút là 80% bột gạo, 20% bột mì và các chất phụ gia tạo màu. Nguyên liệu không phải vấn đề lớn nhưng bài toán mà Hùng Hậu đang cần giải quyết để cạnh tranh với chất liệu cỏ, tre, inox là thời gian sử dụng. Công ty cho biết sản phẩm ống hút bột chỉ nguyên vẹn trong ly nước khoảng 30 phút.
Kiên Giang | 2017
Khi được hỏi, các nhà sản xuất đều cho rằng nhu cầu thị trường cho các sản phẩm ống hút thân thiện môi trường như ống sậy hay ống bột đều rất lớn trong tương lai. Tại Việt Nam, vẫn còn mới để đánh giá việc các sản phẩm thay thế có thể đi vào đời sống hằng ngày thay thế sự hiện diện của ống hút nhựa, tuy nhiên nhiều khách hàng nói rằng, họ thực sự cảm thấy bớt tội lỗi phần nào khi bước vào một quán phục vụ bằng ống hút thay thế thân thiện với môi trường. Lắng nghe ý kiến của một cộng đồng quyền lực mới, mà ở đây là những người chung mong muốn đẩy lùi ống hút nhựa, đôi khi lại giúp doanh nghiệp đi đầu xu thế và tìm kiếm cơ hội mới. Và còn nhiều bài toán chưa có lời giải đáp vẫn đang chờ đợi những bàn tay, khối óc mong muốn đi đầu xu hướng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến môi trường.
Bài viết: Từ Hiếu
Ảnh: Lekima Hùng
Theo Nhà Quản Lý