Cú bắt tay lịch sử với Thaco mang đến niềm hy vọng lớn nhất cho Hoàng Anh Gia Lai kể từ khi mảng kinh doanh nông nghiệp rơi vào khủng hoảng.
Cho đến ngày 8.8.2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) công bố ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, người ta mới tin HAGL chính thức được “cứu”. Số tiền Thaco đã rót vào HAGL là khoảng 7.800 tỉ đồng, theo công bố từ phía công ty. Sau này, theo cam kết, Thaco sẽ hỗ trợ thêm khoảng 14.000 tỉ đồng giúp HAGL trang trải các khoản nợ vay, đầu tư dự án bất động sản Myanmar và mở rộng diện tích cây ăn trái. Cuối năm 2018, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã nhận tới sáu lãnh đạo từ Thaco, việc chưa từng có tiền lệ của HAGL lẫn HAGL Agrico từ trước đến nay.
Gánh món nợ vay trên 23.000 tỉ đồng, ba năm trở lại đây, chi phí lãi vay của HAGL chưa từng dưới 1.500 tỉ đồng, công ty cần một nguồn tiền lớn từ bên ngoài để giải quyết khó khăn, thanh toán các khoản nợ đến hạn. Nguồn cơn khủng hoảng của HAGL bắt đầu từ mười năm trước, khi cao su được mệnh danh là “vàng trắng” đạt mức giá 5.000 USD/tấn. HAGL đã vay tiền mở rộng trồng cây cao su tại ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đến lúc cây bắt đầu đi vào khai thác (khoảng 5-7 năm sau khi trồng), giá cao su liên tục lao dốc, và hiện tại chỉ ở quanh mức 1.300 USD/tấn.
Tết Bính Thân 2016 là lần đầu tiên ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, ăn tết xa nhà. Ông cùng những kỹ sư của Hoàng Anh Gia Lai đã trồng những cây chanh dây đầu tiên ở cao nguyên Paksong (Lào) với hy vọng loại cây ăn trái ngắn ngày này sẽ sớm mang lại nguồn tiền cho công ty. Từ đó đến nay, HAGL được biết đến với vai trò là một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất tính theo diện tích trồng. Tính đến cuối năm 2017, theo báo cáo thường niên của HAGL Agrico, công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của HAGL, tổng diện tích cây ăn trái tính cả ớt của công ty đạt trên 7.800 héc-ta trên ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC GIÀU TIỀM NĂNG
Ngay từ đầu, mục tiêu của HAGL là thị trường Trung Quốc, quốc gia láng giềng với ba cửa khẩu quốc tế kết nối với Việt Nam. Thị trường 1,4 tỉ dân cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định xấp xỉ 7% mỗi năm của Trung Quốc được coi là điểm đến hấp dẫn của hầu hết các loại sản phẩm, dịch vụ. Thị trường Trung Quốc được ví như một miếng mút khô, đổ bao nhiêu nước cũng có thể hút trọn.
Một nghiên cứu mới của McKinsey cho thấy, tỉ lệ nhóm hộ gia đình trung lưu (thu nhập từ 9.000 – 34.000 USD/năm) của Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ năm 2000 trở về sau. Năm 2002, số hộ gia đình trung lưu của Trung Quốc chiếm chưa đến 1/10 tổng số hộ. Sau 10 năm, tỉ lệ này đã lên đến mức 2/3. McKinsey dự báo, đến năm 2022, nhóm hộ gia đình trung lưu sẽ chiếm tới 3/4 tổng số hộ gia đình của Trung Quốc. Khi thu nhập trung bình tại các thành phố lớn tăng lên, nhu cầu sử dụng thực phẩm cao cấp, ngon, sạch và mới lạ gia tăng nhanh hơn nhu cầu thực phẩm truyền thống, tạo nên xu hướng tăng trưởng mạnh của rau củ quả nhập khẩu.
Theo Euromonitor, tốc độ nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đang tăng với tỉ lệ khoảng 20% mỗi năm, tính đến năm 2015. Lượng tiêu thụ trái cây Trung Quốc đạt khoảng 50kg/người/năm vào năm 2015 và dự kiến tăng lên mức 90kg/người/năm vào năm 2030 - theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO). Thị trường Trung Quốc có quy mô và tốc độ tăng trưởng đủ hấp dẫn cho các tay chơi, trong đó có Việt Nam. Phân tích của Produce Report cho thấy năm 2017, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu trái cây lớn nhất vào Trung Quốc với tỉ lệ 21%, tiếp đến là Chile với 18%. Việt Nam đứng thứ ba với 12%. Khoảng cách địa lý không phải là lợi thế tuyệt đối của trái cây Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang trở thành đích đến của hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh mảng trái cây như HAGL, và các hộ gia đình trồng cây ăn trái với quy mô nhỏ hơn. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, hằng ngày vẫn có các xe container trái cây nối đuôi nhau từ Việt Nam sang Trung Quốc. Longmate - một doanh nghiệp trồng chuối tại Campuchia thậm chí còn tìm đường sang thị trường Trung Quốc bằng cách xuất khẩu một khối lượng nhỏ sang Việt Nam để thăm dò thị trường, thời báo Khmer của Campuchia (Khmertimes) đưa tin.
Rau quả xuất khẩu của Việt Nam năm năm qua đã duy trì mức tăng trưởng trung bình hằng năm tới 30%, lên tới 3,5 tỉ USD năm 2017, nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Trong đó, 70% là xuất khẩu sang Trung Quốc, với mức tăng bình quân 40% mỗi năm. Năm 2018, sản lượng xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đã đạt 3,8 tỉ USD.
Rau quả đã vượt qua hạt điều, cà phê, vượt xa gạo để đứng vị trí thứ hai trong nhóm nông sản xuất khẩu, chỉ sau thủy sản. Gần như toàn bộ thành tích xuất khẩu rau quả Việt Nam đến từ tăng trưởng nhu cầu của người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc. Trên 70% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam là dành cho thị trường Trung Quốc.
So với Thái Lan và Chile, Việt Nam có lợi thế về khoảng cách địa lý. Những đoàn xe nối dài liên tục chở hàng, chủ yếu là nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị phản ánh phần nào sự tấp nập đó. Tại chợ trung chuyển hàng hóa tại biên giới tỉnh Lạng Sơn, phía Trung Quốc vào một buổi chiều, ngay cả khi mất điện, không khí lao động nhộn nhịp của khu chợ cũng không mấy thay đổi, với hàng loạt xe vận chuyển vào ra. Từ 1.4.2018, toàn bộ hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải truy xuất nguồn gốc. Đây có thể là lợi thế với một doanh nghiệp theo đuổi tiêu chuẩn Global Gap như HAGL.
MẢNG KINH DOANH NHIỀU RỦI RO
Không thể phủ nhận, kinh doanh nông nghiệp nói chung, trái cây nói riêng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt với quy mô lớn như HAGL, việc kiểm soát rủi ro lại càng trở nên thách thức. Một nông hộ khi trồng sản phẩm để xuất khẩu sang Trung Quốc, thông thường qua rất nhiều khâu trung gian. Các cá nhân và doanh nghiệp đứng giữa thông thường dồn gần hết rủi ro sang người nông dân, bất kể khi mất mùa hay được mùa. Với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, các khâu trung gian sẽ được tinh gọn đáng kể. Do vậy, hàng hóa sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn.
Trung Quốc là thị trường rộng lớn với nhu cầu cao cả về số lượng và chất lượng. Những trái cây ngon và đẹp nhất đang được các thương lái gom lại để tập kết sang thị trường này rồi tỏa đi các siêu thị, hệ thống bán lẻ để đến tay người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương nhân có 20 năm kinh nghiệm buôn bán với Trung Quốc cho rằng, nền nông nghiệp Trung Quốc đã đi trước Việt Nam khoảng 20 năm. Đó là lý do các loại cây ăn trái của Trung Quốc được bán sang Việt Nam với mức giá siêu rẻ như vậy.
Quảng Tây, tiếp giáp Việt Nam, có khí hậu tương tự miền Bắc của Việt Nam. Vì vậy, khi nông dân tỉnh này được mùa, các loại trái cây tương đương của Việt Nam rất khó để tìm đường sang Trung Quốc, do mức giá cao hơn, trong khi hình thức không đều và đẹp bằng.
Các sản phẩm như dưa lê, dưa lưới, cam… hằng năm vẫn đang được chở từ Trung Quốc sang Việt Nam với mức giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Dưa lưới Trung Quốc với hình thức quả đều và đẹp hơn có mức giá từ 25 - 40 nghìn đồng/kg trong khi dưa lưới Việt Nam được bán với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg.
Ông Võ Quan Huy, chủ thương hiệu chuối Fohla, một trong ít trái cây Việt Nam có thương hiệu riêng, cũng cùng nhận định. Ông cho rằng, khi chuối Trung Quốc được mùa, cũng là lúc nông dân Việt Nam khóc ròng với chuối ế, và lại luẩn quẩn với phong trào giải cứu. Dọc đường từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc vào trung tâm tỉnh Quảng Tây, chuối là loại cây phổ biến nhất được trồng bạt ngàn hai bên quốc lộ.
Trái cây Việt Nam trên đường sang Trung Quốc đang phải cạnh tranh gay gắt cả với trái cây nội địa nước này, với năng suất lao động, kỹ năng canh tác tốt hơn hẳn. Không chỉ Trung Quốc, hàng loạt các quốc gia khác cũng đang nhắm đến thị trường tiêu thụ hấp dẫn này, và cạnh tranh với nhau hằng ngày. Thái Lan, Philippines, hay các nước xa như Chile, Mỹ,… đều không muốn từ bỏ thị trường gần 1,4 tỉ dân Trung Quốc.
Quy mô hàng nghìn héc-ta, sẽ tiến tới con số hàng chục nghìn héc-ta đặt HAGL trước thách thức quản trị. Việc bảo quản, vận chuyển, và tìm thị trường quyết định thành công của những doanh nghiệp như HAGL. Ngoài kho lạnh, HAGL nhìn chung chưa có biện pháp bảo quản riêng biệt nào với các loại trái cây thu hoạch.
Năm 2017, HAGL đã phải giảm diện tích trồng chanh dây từ con số 1.000 héc-ta theo báo cáo giữa năm, giảm xuống còn 100 héc-ta theo báo cáo thường niên. Giải thích vấn đề này, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, sau hơn một năm trồng và khai thác, HAGL nhận thấy cây chanh dây trồng lâu năm mang hiệu quả không cao. Ban đầu, mỗi gốc chanh dây dự kiến được khai thác trong ba năm. Trong tuyên bố tại buổi lễ ký thỏa thuận chiến lược với Thaco, chanh dây không có tên trong danh sách những loại trái cây chiến lược của HAGL.
Thực tế, chanh dây không phải là loại cây dễ chăm sóc như nhiều người vẫn nghĩ, ngược lại, đây là cây trồng rất dễ dính sâu bệnh, nấm mốc. Loại cây nhiệt đới này khi thu hoạch yêu cầu hoàn toàn khô ráo. Chỉ cần dính nước mưa quả sẽ bị thối hỏng, không thể sử dụng được. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần một vết ong đốt khi quả còn non, quả đó sẽ bị xếp loại hai với mức giá thấp hơn hẳn so với quả loại một, thậm chí bị đổ bỏ, không thể xuất khẩu.
Nói như vậy không có nghĩa là chuối hay thanh long, bưởi, mít… là loại cây dễ chăm sóc. Với cây chuối, để có quả cong đều, không dính nhựa, người chăm sóc phải sớm cắt núm quả và bọc cẩn thận từng buồng chuối thành nhiều lớp, tránh va đập, cọ xát hay sự tấn công của các loại côn trùng. Những thao tác đòi hỏi sự khéo léo này, không thể, hoặc cực kỳ khó để có máy móc thay thế. Công nghệ ủ chuối để cho ra quả chuối vàng đều trên bàn ăn của khách hàng, cho dù được công khai ở nhiều tài liệu, nhưng một doanh nghiệp như Fohla để thử nghiệm thành công đã phải đổ bỏ hàng container chuối hỏng. Mỗi container là 20 tấn chuối.
Tham vọng của Thaco, như Chủ tịch Trần Bá Dương chia sẻ tại lễ ký kết, là số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến… Với cơ cấu các loại cây đa dạng (ngoài các cây ăn trái, sắp tới HAGL dự kiến trồng tới 5.000 héc-ta dược liệu), quá trình này cần thời gian tính bằng năm mới có thể hoàn tất, với các điều kiện khác thuận lợi.
Đến nay, các giải pháp về logistics, chế biến, lưu kho,… là những thứ mà HAGL chưa thể hoàn thành. Tính từ lúc trồng gốc chanh dây đầu tiên vào mùa xuân năm 2016, đến nay công ty gia nhập ngành trái cây chưa được ba năm, vẫn hoàn toàn là một tân binh. Công ty cũng không dồi dào nguồn lực về tài chính để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp mà mình theo đuổi. Ông Đức từng tuyên bố bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 là xây dựng một chuỗi 200 cửa hàng bán lẻ trái cây của công ty, nhưng đến nay, kế hoạch đó chưa một lần được nhắc lại.
THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU
Năm 2017, trong năm đầu thu hoạch trái cây sau khi đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, HAGL công bố đạt trên 1.600 tỉ đồng doanh thu từ mảng kinh doanh này với biên lợi nhuận gần 53%, một tỉ lệ ít ngành kinh doanh nào đạt được. Thu được nguồn tiền tương đối lớn từ mảng kinh doanh mới mẻ không có nghĩa là những khó khăn của HAGL dễ dàng qua đi. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của công ty dày 100 trang, có tới 23 trang dành để thuyết minh các khoản nợ vay trên 22,8 nghìn tỉ. Chưa tính các khoản vay đến hạn, chỉ riêng chi phí lãi vay trong năm đã xấp xỉ doanh thu từ trái cây. Rõ ràng trái cây đã chứng minh được mức độ khả quan, nhưng hoàn toàn không đủ để giải quyết những vấn đề nội tại. Chín tháng đầu năm 2018, theo báo cáo công ty tự lập, HAGL đạt gần 2.800 tỉ đồng doanh thu từ trái cây và ớt, biên lợi nhuận các mặt hàng này vẫn ở mức cao 56%. Tuy nhiên, chỉ trong chín tháng, HAGL đã phải trả nợ 1.213 tỉ đồng lãi vay, là chi phí đáng kể nhất trong kỳ của công ty dù vay nợ của công ty đã giảm nhẹ. Lợi nhuận HAGL giảm quá nửa so với cùng kỳ, đạt 477 tỉ đồng.
Kinh doanh trái cây không phải là bước ngoặt đầu tiên của HAGL. Từ một doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ, HAGL đã nhiều lần chuyển hướng hoạt động sang các lĩnh vực như cao su bất động sản, thủy điện... Ở bất kỳ mảng kinh doanh nào, dù là bất động sản, thủy điện, mía đường hay cao su, chăn nuôi bò, HAGL đã đều tạo những dấu ấn nhất định. Lần này, trước thách thức buộc phải đứng dậy, HAGL cần làm điều mà công ty đã làm suốt hơn một phần tư thế kỷ qua, đó là thay đổi. Đây hứa hẹn sẽ là cuộc cải tổ mạnh mẽ của một công ty có tổng tài sản, tính đến cuối quý III.2018, đã vượt trên hai tỉ USD.
Bài viết: Minh Thư - Ảnh: Shutterstocks, HAGL
Theo Nhà Quản Lý