Theo báo cáo tài chính quý III, Tập đoàn Hòa Phát đang cho thấy cơ cấu tài chính có sự biến động lớn. Tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tăng đột biến lên 34.841 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD) để trở thành doanh nghiệp sở hữu quy mô tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Hiện quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đầu ngành thép này là 174.643 tỷ đồng, như vậy lượng tiền có thanh khoản cao chiếm tỷ trọng gần 20% tài sản doanh nghiệp.
Trong đó, tính riêng lượng tiền gửi không kỳ hạn là 4.634 tỷ và tiền gửi có kỳ hạn là gần 21.465 tỷ đồng. Như vậy tổng tiền gửi tại các ngân hàng đang gần 26.100 tỷ đồng (khoảng hơn 1,1 tỷ USD), con số này đã tăng thêm gần 15.900 tỷ so với đầu năm.
Hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao là tác nhân chủ yếu làm thay đổi cơ cấu tài chính trên. Hoà Phát ghi nhận mức lãi ròng hơn 27.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong số các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dù sở hữu vị thế tiền mặt đáng nể, Hòa Phát cũng đang đi vay ngân hàng với giá trị rất lớn. Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn lên đến 43.357 tỷ đồng và vay dài hạn là 17.711 tỷ đồng. Tổng giá trị vay nợ theo đó đạt hơn 61.000 tỷ đồng (gần 2,7 tỷ USD), tăng hơn 6.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Thực tế việc các doanh nghiệp lớn có quy mô tiền mặt cao nhưng cũng đi vay nợ lớn không phải là hiếm gặp. Sự khác biệt này chủ yếu là do sự khác nhau về cấu trúc kỳ hạn và mục đích sử dụng vốn, thậm chí một số doanh nghiệp có vị thế tốt còn tìm kiếm cơ hội sinh lời từ chênh lệch lãi suất đi vay và lãi tiền gửi…
Theo các báo cáo trước đây, nợ vay của Hòa Phát thường là tổng hợp các khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng trong nước cộng với các khoản vay nước ngoài hàng triệu USD. Tập đoàn này cũng sử dụng lợi thế quy mô tiền mặt lớn để làm tài sản đảm bảo một phần cho các khoản vay.
Theo báo cáo kinh doanh, Hòa Phát ghi nhận kết quả khá tích cực với doanh thu quý III tăng gần 57% lên mức 38.674 tỷ đồng. Lợi thế về quy mô còn giúp biên lợi nhuận gộp được mở rộng lên 30,7%. Lãi ròng theo đó gấp 2,7 lần cùng kỳ đạt 10.352 tỷ đồng.
Xét theo cơ cấu, mảng thép vẫn là chủ lực với doanh thu tăng 74% đạt mức cao gần 36.500 tỷ đồng. Quy mô lớn tiếp theo là mảng nông nghiệp suy giảm 43% xuống còn 1.568 tỷ đồng. Trong khi đó mảng bất động sản thu về 609 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, tập đoàn thép này có quy mô doanh thu gần 105.000 tỷ đồng, tăng 63% và lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 27.051 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả đó giúp doanh nghiệp vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.