Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử

05/10/2021 15:58

Các mã cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG đang trên đà lập đỉnh lịch sử khi liên tiếp tăng trong giai đoạn qua.Điều này đã giúp nhóm ngành này có tới 2 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD.

thep-1633424082.jpg
Cổ phiếu ngành thép đang "phất lên như diều gặp gió".

Trong giai đoạn 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2021, cổ phiếu ngành thép là một trong những nhóm cổ phiếu tăng trưởng tích cực và hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Nhìn về diễn biến giá cổ phiếu ngành thép, có thể thấy trong quý 1 và 2, giai đoạn thị trường có tăng trưởng tích cực và trong xã hội cũng như chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp ngành thép đã có kết quả kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, bất chấp triển vọng lợi nhuận kỷ lục trong quý 2, sang đầu quý 3 thì nhóm cổ phiếu này đã đi cùng xu hướng chung của thị trường sụt giảm mạnh.

Với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, việc tỷ trọng xuất khẩu ngày càng lớn giúp HPG duy trì được đà tăng trưởng mặc dù bất lợi trong đợt dịch vừa qua. Trong quý 3, nhu cầu thép từ các thị trường xuất khẩu được kì vọng tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã đưa ra thông báo về việc cắt giảm sản lượng thép của trong nửa cuối năm, những điều này được Agriseco Research đánh giá sẽ mở ra triển vọng vô cùng tươi sáng cho HPG.

Cổ phiếu HPG đang giao dịch chạm mức đỉnh lịch sử đạt được hồi đầu tháng 6, ở vùng 55.400 đồng/cổ phiếu.

hpg-2021-10-04-14-58-24-1633424120.png
Biến động giá cổ phiếu HPG 1 năm qua (Ảnh: TradingView).

Hòa Phát đã bán gần 218.000 tấn tôn mạ trong 8 tháng, đạt 66% kế hoạch cả năm và cao gần gấp đôi cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép xây dựng những tháng gần đây gặp khó khăn do nhiều địa phương giãn cách chống dịch, nhưng lũy kế 8 tháng vẫn đạt 2,47 triệu tấn, tăng trưởng gần 16%.

Chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng, kết quả kinh doanh 6 tháng của Hòa Phát tương đối tốt, tăng trưởng 67%, lợi nhuận sau thuế tăng 3,3 lần so với cùng kỳ đạt 93% kế hoạch, như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm Hòa Phát đã gần hoàn thành kế hoạch đề ra đấy cũng là lý do giúp thị giá của HPG có đợt tăng mạnh trong thời gian qua.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen sau khi tăng liên tiếp đạt đỉnh vào ngày 1/7 ở mức giá 42.600 đồng đã quay đầu giảm liên tục, có những lúc đo sàn ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu, giảm 22,5% trong vòng một tuần, về bằng với mức giá giao dịch giữa tháng 5. Nhưng đến nay cổ phiếu HSG đã giao dịch quanh vùng 48.500 đồng/cổ phiếu, mức đỉnh cao nhất trong lịch sử, trong khi 1 năm trước, HSG chỉ giao dịch ở mức 14.000 đồng/cổ phiếu.

hsg-2021-10-04-14-58-55-1633424159.png
Biến động giá cổ phiếu HSG 1 năm qua (Ảnh: TradingView)

Giá cổ phiếu đã vượt lên trên vùng đỉnh cũ tháng 06/2021 (tương đương vùng 42.000-44.000 đồng) nên theo lý thuyết phân tích kỹ thuật vùng này sẽ trở thành hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh xuất hiện trở lại. Mục tiêu theo nguyên lý đối xứng là vùng 53.000-54.000 đồng).

Khối lượng giao dịch vẫn duy trì mức thấp trong những ngày gần đây (dưới mức trung bình 20 ngày). Điều này cho thấy dòng tiền vẫn không quá mạnh mẽ.

Chỉ báo Relative Strength vẫn duy trì trên mức trung bình 20 ngày qua đó cho thấy giá đang mạnh hơn thị trường chung (outperform).

Sản lượng tháng trước của HSG giảm khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng 66%, lên 4.700 tỷ đồng. Đây là mức cao thứ hai tính theo tháng kể từ đầu năm. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 320 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho hay, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng doanh thu trong khi thị trường nội địa bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Giai đoạn tới công ty tập trung tăng sản lượng vào những thị trường có nhu cầu lớn, tỷ suất lợi nhuận cao trong khi chờ nhu cầu tôn thép nội địa tăng mạnh trở lại nhờ nới lỏng giãn cách xã hội.

Luỹ kế 11 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021, Hoa Sen ghi nhận doanh thu hơn 42.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.994 tỷ đồng, lần lượt vượt 29% kế hoạch doanh thu và 166% kế hoạch lợi nhuận.

Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Agriseco về những cổ phiếu tiềm năng khi dịch bệnh chạm đỉnh, HSG được đánh giá là cổ phiếu thuộc nhóm có câu chuyện tăng trưởng từ giá thép biến động mạnh, duy trì ở mức cao so với trung bình năm ngoái và triển vọng xuất khẩu tích cực khi thị trường Trung Quốc cắt giảm thêm sản lượng nội địa cộng với làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia.

Hoa Sen đặt mục tiêu niên độ tài chính 2020-2021 thu 33.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng con số thực tế có thể lên đến 43.157 tỷ đồng doanh thu và 4.064 tỷ đồng lợi nhuận bất chấp sản lượng tiêu thụ đã điều chỉnh giảm do hoạt động xây dựng trầm lắng trong nhiều tháng liên tiếp.

Một động lực giúp cổ phiếu ngành thép dâng cao trong thời gian qua phải kể đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV): “Với việc Chính phủ có tăng cường thúc đẩy đầu tư công thì một số nhóm ngành có thể kỳ vọng sẽ có dư địa để tăng trưởng tương đối tốt; trong đó ngành dẫn dắt đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy là nguyên vật liệu xây dựng như ngành thép”.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm ngành thép, hưởng lợi từ các gói đầu tư công. “Tôi cho rằng với tình hình quý 3 ảnh hưởng tiêu cực thời gian qua thì những tháng còn lại chính phủ sẽ thực hiện đẩy nhanh các gói đầu tư công của mình. Do đó, nhóm ngành thép sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này” – ông Minh cho biết.

Theo Nguyễn Long/Diễn đàn doanh nghiệp
Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử" tại chuyên mục Tài chính.