'Cơn đau đầu' của nữ tỷ phú Vietjet Air

30/04/2018 10:19

Sau khi tăng mạnh trong năm ngoái giá dầu đã tiệm cận ngưỡng 70 USD/thùng. Trong trường hợp giá dầu vượt qua ngưỡng này, Vietjet Air sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận của mình.

Trên sàn giao dịch New York, giá dầu WTI trong phiên giao dịch ngày 25/4 đã tăng lên 68,05 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent cũng lên mức 74 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Ngân hàng ANZ nhận định, việc giá dầu thô chạm mức cao nhất trong 3 năm qua đến từ những lo ngại liên quan tới căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông, nơi cung cấp gần một nửa sản lượng dầu của thế giới.

Giá dầu phá đỉnh ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp trong ngành vận tải, đặc biệt là hàng không. Đặc thù của ngành hàng không đó là tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động rất lớn, khoảng gần 50%. Chỉ cần giá dầu nhích lên vài phần trăm, các hãng hàng không có thể sẽ mất sạch lợi nhuận.

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều sử dụng xăng Jet – A1 cho các chuyến bay của mình. Thống kê của Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa giá nhiên liệu và lợi nhuận của các hãng hàng không.

Năm 2008, khi giá dầu đại đỉnh gần 150 USD/thùng, giá xăng máy bay cũng tăng mạnh. Giá xăng tăng 8% đã ngay lập tức khiến các hàng hàng không thua lỗ. Khi giá xăng ổn định trong giai đoạn sau đã giúp lợi nhuận của các hãng hàng không duy trì ổn định hơn. Kể từ năm 2015 đến nay, giá dầu giảm mạnh đã giúp các hãng hàng không có lợi nhuận tốt hơn hẳn.

Sang năm 2018, với việc giá dầu tăng liên tiếp và đạt đỉnh 3 năm, các hãng hàng không chắc chắn sẽ phải xây dựng những kịch bản lợi nhuận mới phù hợp hơn với hoàn cảnh thị trường.

Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, chi phí xăng Jet – A1 khó kiểm soát và dự báo. Giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng trở lại từ 2016 theo biến động của giá dầu. Các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air sẽ chịu tác động từ sự tăng giá nhiên liệu lớn hơn so với các hãng hàng không bình thường do tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tỷ trọng chi phí hoạt động lớn. Hiện tại, tỷ lệ này của Vietjet Air chiếm 41-46%, còn Vietnam Airlines chiếm 25-30%.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông mới diễn ra, đại diện Vietjet Air cho biết, tính đến nay, các con số kế hoạch kinh doanh của Vietjet được đưa ra dựa trên giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng. Bổ sung thêm, vị này cho biết bên cạnh việc dự phòng nguyên liệu xăng dầu, Công ty hiện cũng có nhiều biện pháp khác như đầu tư phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, khai thác các chương trình quản lý tiết kiệm nhiên liệu khác... nhằm tối thiểu hóa chi phí.

Nguồn: IATA, Platts, Oanda

Năm 2017, công ty đạt lợi nhuận từ mảng vận tải hành khách khoảng 90 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng). Năm 2018, Vietjet đặt mục tiêu lợi nhuận từ mảng kinh doanh này là 120 triệu USD (khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng), tăng 35%.

Tuy nhiên, hiện tại giá dầu đã tiệm cận ngưỡng 70 USD/thùng. Trong trường hợp giá dầu vượt qua ngưỡng này, Vietjet Air sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận của mình.

Đây chắc chắn sẽ là tin không vui với hãng bay này. Năm 2018, Vietjet Air đã đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận rất thấp so với các năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế chỉ tăng trưởng 9,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 96% hồi năm ngoái.

Nguyên nhân được công ty đưa ra là hoạt động kinh doanh bán máy bay có thể sẽ không đạt kế hoạch dự kiến. Bên cạnh đó, công ty có thể sẽ không bán hết số máy bay nhận về mà giữ lại một số làm tài sản.Trong trường hợp lợi nhuận từ mảng vận tải hàng không cũng giảm xuống do giá dầu, lợi nhuận của Vietjet Air trong năm nay sẽ tiếp tục bị bào mỏng.

Trần Dũng/TheLeader

Bạn đang đọc bài viết "'Cơn đau đầu' của nữ tỷ phú Vietjet Air" tại chuyên mục Chuyện thương trường.