Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu do chủ đầu tư và các đối tác thực hiện đang xin giấy phép tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 4 tỷ USD trong đó dự kiến vốn chủ sở hữu là 15% còn lại 85% là đi vay. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Dự án điện LNG 4 tỷ chưa ấn định ngày triển khai
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đưa ra câu hỏi liên quan đến tiến độ các nhà máy điện, trong đó có dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu (dự án điện Bạc Liêu).
Theo đó mặc dù dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ (18 tháng) và được đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Thủ tướng đã 2 lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch Điện VII. Tỉnh Bạc Liêu và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được Bộ trưởng Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Vì thực tế, nước ta đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm điện này.
Kể từ 2/12/2018, Bộ Công Thương có 2 lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để bổ sung quy hoạch dự án và xin ý kiến các bộ ngành liên quan nhưng Bộ trưởng cho biết chưa ấn định được thời điểm nào vì "phải đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến".
Hồ sơ dự án 4 tỷ USD kỳ vọng giúp Bạc Liêu xóa nghèo và lo ngại của Bộ Công Thương
Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu do chủ đầu tư và các đối tác thực hiện đang xin giấy phép tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 4 tỷ USD trong đó dự kiến vốn chủ sở hữu là 15% còn lại 85% là đi vay. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Dự án sẽ bao gồm nhà máy điện tuabin khí và kho cảng LNG với công suất 3.200MW (4 tổ máy), sản xuất điện thương phẩm hàng năm khoảng 19,2 tỷ kWh/năm. Thời gian vận hành thương mại tổ 1 đến năm 2024, tổ 2 đến năm 2025, tổ 3,4 đến năm 2026.
Giá bán điện dự kiến cho EVN là 7 cent/kWh.
Mặc dù khẳng định thời gian tới Việt nam sẽ thiếu hụt điện năng trầm trọng, sản lượng thiếu cao nhất lên đến khoảng 6,7 tỷ kWh vào năm 2022 và 7,5 tỷ kWh vào năm 2030, song Bộ Công Thương cho rằng cần có nghiên cứu tổng thể về quy mô công suất từng giai đoạn cho phù hợp, hiện tại có nhiều đề xuất khác về bổ sung nhà máy điện LNG (tại Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng tàu, Quảng Nam, Khánh Hòa). Do đó, Bộ Công Thương đề xuất trong trường hợp Chính phủ cho phép làm dự án này thì sẽ thực hiện theo từng bước: Bước 1 bổ sung Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 1 công suất 800 Mw vào vận hành năm 2024, sau đó 3 nhà máy còn lại công suất 800 Mw vận hành giai đoạn sau 2025 sẽ được xem xét chuẩn xác lại trong Quy hoạch điện VIII.
Dấu hỏi về năng lực của Chủ đầu tư vốn đăng ký …2 USD
Dự án điện 4 tỷ USD là một dự án lớn, sử dụng 100ha mặt biển khu vực ngoài khơi và 40ha diện tích đất liền, ngoài ra còn ảnh hưởng đến quy hoạch điện. Nếu giả sử cấp phép ồ ạt, nhà đầu tư không có năng lực, dự án nằm "đắp chiếu" một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến cả ngành, trong khi nhiệt điện than và thủy điện đang bị quá tải công suất và tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng. Do đó việc Bộ Công Thương thận trọng là điều đương nhiên.
Dự án này ban đầu được trao cho Công ty Energy Capital Vietnam (ECV). Tuy nhiên sau đó lại giao cho công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (DOE).
Tra cứu cụm từ "Delta Offshore Enegry PTE Ltd" trên mạng Internet, đa số các kết quả thu được chỉ là thông tin về việc công ty này có liên quan tới Dự án điện LNG tại Bạc Liêu.
Theo đó, Delta Offshore Enegry PTE Ltd (DOE) có số đăng ký 20189028K với địa chỉ 81 UBI Avenue 4 #09-18 UB.ONE, Singapore 408830, được thành lập vào ngày 4/6/2018 với hình thức công ty địa phương, gồm 4 cổ đông và có vốn đăng ký ban đầu là 2 USD.
Người đứng đầu dự án chỉ có kinh nghiệm trong ngành tài chính
Trong 3 người lãnh đạo của DOE thì 2 người là đầu tư tài chính và một người có kinh nghiệm làm việc ở BP Asia về Logistic.
Spencer Damian White, CFA, giám đốc dự án, có 25 năm kinh nghiệm trong thị trường vốn ở Châu Á. Ông này làm ngân hàng đầu tư tại Hà Nội từ năm 2007, thời gian ở Việt Nam chủ yếu làm trong ngành đầu tư bao gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết, thị trường nợ và phái sinh.
Ian Nguyen, giám đốc dự án vận hành, chịu trách nhiệm trong việc thành lập dự án và quan hệ với bộ máy chính quyền. Ian đã dành hơn một thập kỷ làm chuyên gia đầu tưu ở các thị trường tài chính Đông Nam Á và có thời gian làm việc tại Citibank.
Người duy nhất "có vẻ" có liên quan đến lĩnh vực khí là Bobby Quintos ông này đóng vai trò là giám đốc điều hành về kỹ thuật. Ông này có 30 năm làm việc trong ngành dầu khí. Ở BP, Bobby Quintos quản lý cho các hoạt động hàng hải.
Delta Offshore Energy chọn GE là đối tác chiến lược cho dự án bao gồm cung cấp tua bin khí và tư vấn kĩ thuật, cung cấp tài chính cho dự án. Công ty cũng hợp tác với công ty Nauy 7 Seas xây dựng cảng nạp khí LNG cho nhà máy.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương, dự án điện LNG Bạc Liêu là dự án lớn liên quan đến năng lượng không chỉ của Bạc Liêu mà của cả nước cần diện tích trên bờ và mặt nước lớn khi triển khai dự án. Do đó dự án đòi hỏi vốn và kinh nghiệm triển khai phải được đảm bảo. Tỷ lệ góp vốn của dự án 15% là một tỷ lệ thấp, sẽ khó khăn trong việc đảm bảo được tính khả thi khi triển khai dự án.
Theo hồ sơ do UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp, Công ty DOE đóng vai trò là thành viên đứng đầu phát triển Dự án của liên doanh gồm các đối tác chiến lược đã cam kết có Tập đoàn GE và DNB Bank ASA (Den Norsk Bank). Trong số này, mới chỉ có GE là đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư dự án điện khí LNG tại Việt Nam, nhưng các đối tác này chỉ có thư bày tỏ quan tâm mà không có bất cứ điều kiện cụ thể nào kèm theo với việc tham gia đầu tư dự án.
Bởi vậy, năng lực để triển khai dự án quy mô 4 tỷ USD là dấu hỏi không thể không đặt ra với nhà đầu tư DOE.
Ngoài ra, giá điện đề xuất là 7 cent/kwh nhưng theo hồ sơ dự án thì giá bán điện dự kiến là 7,49 cent/kwh, được tính toán với giá khí đầu vào LNG là 8 USD/MMBTU, số giờ vận hành tương đương 7.500h/năm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu tính đúng thì giá điện của dự án phải là 8,39 cent/kWh (chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ). Do đó, chủ đầu tư cần phải tính toán lại giá bán điện của dự án, làm cơ sở xác định ảnh hưởng đến chi phí biên của hệ thống điện.